Đề 31 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt lớp 4
I. ĐỌC HIỂU
TRƯỜNG HỌC ĐẶC BIỆT
Nằm ngay dưới chân núi Phú Sĩ hùng vĩ, bên bờ hồ Ta-nu-ki thơ mộng, trường học tiếp xúc với thiên nhiên thu hút hàng chục ngàn “học viên” mỗi năm. Vào mùa hè, ngôi trường này có rất đông các bạn trẻ và cả người lớn tuổi đăng kí làm “học sinh”. Mỗi khoá học được tổ chức tại đây có thể kéo dài hai, ba ngày, một tuần hoặc nhiều hơn, tuỳ thuộc vào nhu cầu của từng nhóm học sinh. Các hoạt động trong ngôi trường này đều hưóng đến một mục đích – đó là tạo ra những cơ hội cho mọi người được tiếp xúc nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn với thiên nhiên.
Được bao bọc bởi núi rừng ngút ngát, mái nhà lại được trồng cỏ nên nhìn từ xa, thật khó có thể phân biệt được đâu là trường học và đâu là màu xanh của lá rừng. Bên trong “ngôi nhà thiên nhiên” này có một hệ thống ống dẫn khí mát từ rừng vào để giảm nhiệt cho ngôi nhà thay vì sử dụng máy điều hoà. Năng lượng điện sử dụng cho việc thắp sáng bên trong cũng được tận dụng từ thiên nhiên : Năng lượng gió !
“Nội thất” của ngôi trường không hề “lạc điệu” so với cái tên. Các bạn hãy nhìn mà xem, trên nền nhà bằng gỗ có in hình vô số những bàn chân của những sinh vật sống trong rừng. Thùng thư bằng lá cây đan một cách khéo léo và giá để đồ mi-ni lại mô phỏng những chiếc tổ chim ngộ nghĩnh. Bốn mặt tiếp xúc của ngôi trường với đồi núi và cây rừng được làm bằng kính trong suốt nên có thể thấy cây cối, chim muông ở thật gần.
Không chỉ chiêm ngưỡng và thưởng thức, ngôi trường này cũng có thể giúp bạn trở thành một nhà nghiên cứu nhỏ tuổi hay chỉ đơn giản là một “người bạn” gần gũi với thiên nhiên. Đã có rất nhiều đoàn học sinh đến đây và tổ chức các hoạt động trải nghiệm : Tham gia lớp học gọi chim, lóp học khinh khí cầu, chăm sóc rừng, chăn nuôi gia súc, nghiên cứu về hồ, nước ngầm, thảm thực vật, các động vật quý hiếm, thám hiểm núi lửa, hang động,…
Tiếp xúc với thiên nhiên bằng mắt, bằng những bài học, bằng cả những giác quan và niềm say mê nghiên cứu… đó là điều đặc biệt thú vị mà ngôi trường đã, đang và sẽ mang đến cho các “du khách học trò”.
(Thảo Khuyên)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :
1. Mục đích của ngôi trường này là gì ?
a. Tổ chức cho học viên đi tham quan, dã ngoại.
b. Tổ chức cho học viên tham dự trại hè.
c. Tạo cơ hội cho mọi người được tiếp xúc nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn với thiên nhiên.
2. Người ta làm mát ngôi nhà bằng cách nào ?
a. Lắp điều hoà nhiệt độ.
b. Lắp hệ thống ông dẫn khí mát từ rừng vào nhà.
c. Lắp máy giảm nhiệt độ.
3. Năng lượng điện dùng trong trường học này lấy từ đâu ?
a. Từ thiên nhiên.
b. Từ nhà máy thuỷ điện.
c. Từ nhà máy nhiệt điện.
4. Bạn có thể tham gia những lớp học nào ở ngôi trường này ?
a. Lớp học múa, hát ; lớp học Toán và Tiếng Anh.
b. Lớp học thể dục thể thao ; lớp học luyện chữ đẹp.
c. Lớp học khinh khí cầu, chăm sóc rừng, chăn nuôi gia súc, nghiên cứu về hồ, nước ngầm, thảm thực vật,…
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. Tìm trạng ngữ trong các câu sau :
a) Nằm ngay dưới chăn núi Phú Sĩ hùng vĩ, bên bờ hồ Ta-nu-ki thơ mộng, trường học tiếp xúc với thiên nhiên thu hút hàng chục ngàn “học viên” mỗi năm.
b) Vào mùa hè, ngôi trường này có rất đông các bạn trẻ và cả người lớn tới đăng kí làm “học sinh”.
2. Trạng ngữ nào trong các câu trên chỉ nơi chốn ?
3. Thêm trạng ngữ chỉ nơi chôn phù hợp cho những câu sau :
a) …, người ta lắp đường ống dẫn khí mát từ rừng về làm giảm nhiệt cho ngôi nhà.
b) …, một đàn chuồn chuồn đậu nhởn nhơ.
c) …, một chiếc máy kể chuyện cổ tích tự động luôn sẵn sàng phục vụ bạn.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Đọc bài thơ sau : QUÊ NGOẠI
Nắng chiều ở quê ngoại
Óng ả vàng ngọn chanh Lích chích trên cành khế Tiếng chim trong lá xanh. Những ngày ở quê ngoại Tắm mát trên dòng sông Rất nhiều hoa cỏ lạ Thoang thoảng hương trên đồng. Em đi trên bờ lúa Lấp lánh những giọt sương Một ngày thật êm ả Hiền như cỏ ven đường. Rồi mai về thành phố Bao nhiêu là khói xe Miên man em cứ nhớ Quê ngoại với nắng hè. |
(Phạm Thanh Chương)
Trong bài thơ trên tác giả đã dùng những từ láy nào ? Những từ láy đó có tác dụng gợi tả điều gì ?
IV. TẬP LÀM VĂN
1. Đoạn văn sau tả những bộ phận nào của con sóc ? Hãy ghi lại những đặc điểm chính của mỗi bộ phận ấy ?
Một chú sóc có bộ lông khá đẹp : lưng xám thẫm nhưng bụng lại đỏ hung, chóp đuôi cũng đỏ. Đó là loài sóc bụng đỏ. Chú sóc béo múp, lông nhẵn mượt, đuôi xù như một cái chổi phất trần và hai mắt tinh nhanh.
(Theo Ngô Quân Miện)
2. Bài Chim bói cá có mấy đoạn văn ? Tìm ý chính mỗi đoạn.
CHIM BÓI CÁ
Trên một cành tre mảnh dẻ, lướt xuống mặt ao một con chim bói cá đậu coi rất cheo leo.
Lông cánh nó xanh biếc như lơ, mình nó nhỏ, mỏ nó dài, lông ức nó màu hung hung nâu, coi xinh lạ. Nó thu mình trên cành tre, cổ rụt lại, đầu cúi xuống như kiểu soi gương. Nó lẳng lặng như vậy khá lâu, ai cũng tưởng nó nghỉ.
Vụt một cái, nó lao đầu xuống nước rồi lại bay vút lên, nhanh như cắt : trong cái mỏ dài và nhọn, người ta thấy một con cá nhỏ mình trắng như bạc, mắc nằm ngang.
Bay lên cành cao, lấy mỏ dập dập mấy cái, nó nuốt xong mồi, rồi lại đậu xuống nhẹ nhàng trên cành tre như trước.
(Lê Văn Hoè)
3. Hãy viết một đoạn văn tả con vật có chứa câu mở đoạn sau :
Ôi chao ! Lão ta mới bảnh bao và oai vệ làm sao !