Ân tình ân nghĩa, thuỷ chung một lòng là nét đẹp mang tính truyền thống của đạo lí dân tộc, thể hiện lối ứng xử mang vẻ đẹp nhân văn của con người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
Ân tình ân nghĩa, thuỷ chung một lòng là nét đẹp mang tính truyền thống của đạo lí dân tộc, thể hiện lối ứng xử mang vẻ đẹp nhân văn của con người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Bài học đạo lí Uống nước nhớ nguồn đã thành tục ngữ, hoá thân trong lời hát câu ca, đã thấm sâu vào tâm hồn hàng triệu triệu con người Việt Nam xưa nay.
Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn có hình tượng đẹp, hàm chứa một tư tưởng, tình cảm đẹp, một lối ứng xử đẹp.
Chỉ có 4 chữ ngắn gọn mà ý nghĩa sâu xa. Uống nước là điều kiện, nhớ nguồn là hệ quả. Nguồn là nơi phát nguyên những nguồn nước. Nước đầu nguồn thì trong mát ngọt lành. Nguồn nước có bao giờ vơi cạn? Nhờ nguồn mà sông suối, ao hồ, biển cả có nước quanh năm, sự sống được nở hoa kết trái. Uống nước là được hưởng thụ; nhờ có nguồn mà ta được uống nước. Chữ nhớ trong câu tục ngữ thể hiện tấm lòng nhớ ơn, biết ơn.
Câu Uống nước nhớ nguồn nêu lên mối quan hệ lịch sử, xã hội. Đó là hưởng thụ và nghĩa vụ. Câu tục ngữ nhắc nhở mỗi chúng ta bài học đạo đức: Phải nhớ ơn, biết ơn những người đã đem lại ấm no, hạnh phúc và yên vui cho mình.
Câu tục ngữ đã nói lên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa bốn nghìn lớp người trong xã hội ta. Nó nêu lên một quan niệm nhân sinh đầy tình người, đúc kết một nét đẹp về đạo lí, nhắc nhở mỗi người sống có tình có nghĩa, trọn vẹn thuỷ chung.
Lòng nhớ ơn, biết ơn là một tình cảm rất đẹp. Câu tục ngữ giáo dục chúng ta lòng biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nó nhắc nhở chúng ta biết ơn nhân dân vĩ đại đã đem mồ hôi xương máu xây dựng và bảo vệ đất nước. Bát cơm ta ăn, mái nhà ta ở, trang sách, ngọn đèn, ngôi trường soi sáng tâm hồn ta… đã thấm sâu công ơn hàng triệu người dân cày, người thợ, thầy giáo, cô giáo… Lá quốc kì đỏ thắm, đất nước độc lập thanh bình… là do xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Giang sơn gấm vóc hôm nay là do nguồn thiêng ông cha, như một nhà thơ đã ca ngợi:
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ…
(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm.)
Lòng biết ơn không chỉ được khắc sâu trong tâm hồn mà còn phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Tục cúng lễ giỗ tết với nén hương thơm toả khói trên bàn thờ gia tiên. Con cái chăm học chăm làm, sống tốt đẹp làm vẻ vang cho dòng họ, biết săn sóc ông bà cha mẹ khi già yếu. Ngày 27/7 và ngôi nhà tình nghĩa là sự thế hiện lòng biết ơn của toàn dân đối với thương binh liệt sĩ. Học sinh biết tôn sư trọng đạo… Đó là hành động biết “Uống nước nhớ nguồn”.
Để giáo dục lòng biết ơn, nhân dân ta đã sáng tạo nên những câu tục ngữ, bài ca dao đậm đà, ý đẹp lời hay đã thấm sâu vào máu thịt và hồn người:
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?.
Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Ở đời, người nhân hậu làm ơn không bao giờ nghĩ tới chuyện trả ơn. Họ coi việc cứu giúp mọi người là nghĩa vụ của lương tâm. Lòng biết ơn luôn nhắc nhở chúng ta vừa nhớ tới cội nguồn, nhớ tới thế hệ đi trước, đồng thời phải nghĩ tới những lớp người mai sau. Biết nhớ nguồn còn phải biết khơi nguồn là vậy.
Câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn là bài học lớn dạy ta biết làm người. Nó gợi nhớ trong lòng ta món nợ đời sâu nặng:
Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao
Chia sẻ: Tailieuhay.net