Thị Kính được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, mến mộ nhan sắc của nàng Thiện Sĩ cưới nàng làm vợ. Cuộc sống vợ chồng đang bình thường yên ấm, bỗng chốc nàng bị mang tội tày trời: giết chồng.
Trong số bốn vở chèo quen thuộc với nhân dân ta: Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Kim Nham, Chu Mãi Thần, thì vở chèo Quan Âm Thị Kính được xem là vở chèo hay nhất. Nhân vật nữ chính trong vở chèo này là Thị Kính. Nàng con nhà nghèo, có nhan sắc nên lấy được chồng là Thiện Sĩ con nhà hào phú. Do bị vu là hại chồng, nàng bị hành hạ vùi dập, bị đuổi đi. Không còn con đường nào khác nàng đã chọn quãng đời còn lại cho mình là tu hành.
Thị Kính được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, mến mộ nhan sắc của nàng Thiện Sĩ cưới nàng làm vợ. Cuộc sống vợ chồng đang bình thường yên ấm, bỗng chốc nàng bị mang tội tày trời: giết chồng.
Một hôm, vợ ngồi khâu vá, chồng đọc sách rồi thiu thiu ngủ bên cạnh. Vốn yêu chồng nàng lân la ngắm nghía khuôn mặt chồng yêu, bất chợt:
Đạo vợ chồng trăm năm kết tóc
Trước đẹp mặt chồng sau đẹp mặt ta
Râu làm sao một chiếc chồi ra …
Dạ thương chồng lòng thiếp sao an
Âu dao bén, thiếp xén tày một mực.
Nàng vì muốn đẹp cho chồng, thương chồng. Rõ ràng việc nàng lấy dao cắt bỏ cái râu mọc ngược trên mặt chồng là thế hiện tình cảm đó. Nhưng trớ trêu thay chính hành động đó đã khiến cả cuộc đời nàng mang nỗi oan khiên. Và thế là như một quả bom nổ tung trong gia đình Sùng bà, chưa rõ mọi chuyện nhưng qua lời kể của Thiện Sĩ thì đích thị là nàng.
Thưa cha mẹ, đêm qua con ngồi học đã khuya
Vừa chợp mắt thấy dao kia kề cổ
Con nói đây có quỷ thần hai vai chứng tỏ
Dẫu thực hư đôi lẽ con chưa tường.
Thật nực cười thay cho Thiện Sĩ, lấy vợ mà chẳng hiểu vợ mình thế nào, và chàng chẳng cần xem xét sự việc thực hư đã khẳng định là vợ muốn giết mình. Đây có lẽ cũng là một trong những điều khiến ta suy nghĩ nhiều. Vợ chàng chàng đâu tìm hiểu, cha mẹ lấy cho là chàng có vợ. Sự việc sẽ bình thường nếu như vị nho sinh kia hiểu vợ, hiểu hành động của vợ. Lẽ dĩ nhiên, câu chuyện rẽ sang ngả khác và bi kịch với Thị Kính diễn ra.
Sùng bà mạt sát Thị Kính thậm tệ, bà quả quyết rằng Thị Kính muốn giết con bà, bằng chứng là con dao kề cổ.
Cái con mặt sứa gan lim này! mày định giết con bà à?
Mụ vừa chửi vừa rủa vừa dúi đầu Thị Kính ngã xuống. Mụ gào lên như chính mình bị ăn hiếp. Mụ chửi Thị Kính là tuồng lẳng lơ, mèo mả gà đồng. Mụ gạt phắt đi những lời kêu oan khẩn cầu của Thị Kính. Nàng muốn giãi bày đầu đuôi sự việc nhưng nào có được. Mụ xỉa xói cho rằng nàng “cả gan” là kẻ hư hỏng say hoa đắm nguyệt, trên dâu dưới Bộc… và “gái say trai lập chí giết chồng và đòi chém bổ băm vằm Thị Kính. Mụ khinh bỉ Thị Kính vì không biết đạo lý vơ chồng, tam tòng tứ đức rồi cầu mong cho Thị Kính bị báo ứng.
Mụ cho rằng Thị Kính không xứng với Thiện Sĩ, quyết đuổi Thị Kính ra khỏi nhà. Mụ vênh váo tự cao cho rằng gia đình mụ là cao môn lệnh tộc, là rồng phượng không thể sống cùng hạng cua ốc, liu điu. Ta thấy rằng trong đoạn trích này hầu như không có một phản ứng nào của chồng mụ và con mụ. Trước sự việc lớn như vậy mà Sùng ông – trụ cột gia đình không dám đứng ra phân giải xem xét dự việc. Sùng ông chỉ là kẻ nát rượu, lèm bèm. Còn Thiện Sĩ thì răm rắp nghe lời mẹ, mặc dù vợ mình đang một mực kêu oan. Dường như mọi quyền hành trong gia đình thuộc về một tay mụ ác (Sùng bà). Như vậy cả chồng của mụ, con trai mụ cũng không dám nói câu nào huống hồ con dâu. Thị Kính chỉ biết khóc và cũng chỉ khóc mà thôi.
Trong sáu lần nàng khóc van xin có đến bốn lần nàng van lạy Sùng bà, nàng càng khóc thì mụ càng chửi mắng thậm tệ hơn. Với nàng nỗi oan chỉ có kêu trời mà thôi.
Bị vu oan là giết chồng, tội ác không thể tha thứ, mẹ chồng nàng không cần biết nàng nói gì, mặc nàng cứ khóc, cứ van xin. Mụ nhất định đuổi Thị Kính về nhà mẹ đẻ. Đó là sự tủi nhục cực khổ vô cùng của Thị Kính, của người phụ nữ nghèo hèn trong xã hội cũ. Sinh ra phải kiếp nhà nghèo tưởng rằng được nương tựa nhà giàu là bớt khổ, tưởng rằng lấy được chồng có học thì cuộc sống gia đình sẽ ấm êm, ai ngờ nhà giàu họ khinh bỉ phận nghèo, coi nàng như cỏ rác, còn chồng thì đần độn… Nàng còn biết nhờ cậy vào ai?
Ngay cả cha đẻ của nàng cũng bị Sùng ông khinh miệt coi thường, mặc dù giữa họ là chỗ thông gia. Cha con ôm nhau cùng khóc, có nỗi đau nào hơn nỗi đau này.
Nếu như sự bế tắc của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ là bị chồng nghi oan là thất tiết, thanh minh không được nàng đành trầm mình xuống bến Hoàng Giang thì ở đây Thị Kính lại khác. Nàng tuy bị gia đình nhà chồng ruồng bỏ, nàng đau khổ về miệng đời cũng không sao tránh khỏi tiếng mỉa mai. Nàng xót xa cho số phận hẩm hiu, trách cuộc đời oan trái, nàng trách gia đình nhà Thiện Sĩ đang tay nỡ bẻ phận hồng làm đôi. Nàng cũng chẳng cầu mong nhật nguyệt rạng soi. Điều này, cho ta thấy chính trong lúc bề tắc tột nàng đã vượt lên chính mình làm chủ được mình.
Không, không phải sống ở đời mới mong tỏ rõ người đoan chính
Và nàng xuống tóc đi tu.
Những kẻ nghèo hèn trong xã hội luôn bị vùi dập, Thị Kính là một ví dụ. Nàng đức hạnh thuỷ chung nhưng không được sống cuộc đời hạnh phúc. Chính gia đình nàng đã đẩy nàng vào chân tường, nàng đã không chọn cái chết, nàng không chịu ngậm oan nơi chín suối. Nàng đã nhận thức rằng phải sống, sống để minh oan cho mình. Không phải riêng nàng mà dường như trong nhận thức của nhân dân ta khi quá khổ cực, quá cay đắng họ thường tìm đến thế giới siêu nhiên để tự an ủi mình, đế tìm lối thoát. Họ quan niệm chỉ có đến cửa phật mới mong rũ bỏ bụi trần, khiến cho con người ta thiện hơn, nhân ái với nhau hơn. Và cũng chỉ có đức phật mới chứng giám cho lòng nhân lòng thiện của con người. Với Thị Kính có lẽ chỉ có con đường tu hành là duy nhất, nhưng thực tế oan khiên với nàng còn đeo đẳng nàng ngay lúc nàng đã đi tu. Nỗi oan chồng chất đeo đẳng theo nàng mãi.
Sự bế tắc không chỉ của Thị Kính mà là của cả một lớp người, giai tầng xã hội. Cả cuộc đời họ chuỗi ngày oan trái không lối thoát. Tiếng nói của họ là sự lên án mạnh mẽ xã hội thối nát đồng thời mơ ước một xã hội tốt đẹp hơn như cõi tu chẳng hạn. Đây chính là sự bế tắc, có thể nói rằng là sự buông xuôi phó mặc cho số phận của cả một xã hội chưa có cách mạng dẫn đường.
Nỗi oan hại chồng là tiếng kêu thương, đau khổ của người phụ nữ nghèo hèn trong xã hội cũ. Bị vu oan, bị vùi dập, bị xua đuổi, sống trong bế tắc. Song dù trong hoàn cảnh như vậy thì Thị Kính nói riêng và dân ta nói chung có chăng lối thoát duy nhất:
Tu là cõi phúc, tình là dây oan
(Truyện Kiều – Nguyễn Du).
Chia sẻ: Tailieuhay.net