Thuyết minh về quần thể lăng Bác

Chiến tranh đă di qua gần nửa thế kỉ nhưng nỗi xót thương và niềm yêu kính của mỗi người dân Việt Nam dành cho Bác Hồ – vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam – chưa bao giờ nguôi cạn

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỉ nhưng nỗi xót thương và niềm yêu kính của mỗi người dân Việt Nam dành cho Bác Hồ – vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam – chưa bao giờ nguôi cạn. Nhớ đến người, nhưng dòng người hướng về lăng Bác tưởng như không bao giờ dừng lại.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quần thể lăng gồm quảng trường Ba Đình, khu nhà sàn, vườn cây,… sau hai năm xây dựng, ngày 19/8/1975 đã được khánh thành.

Mặt chính của lăng nhìn ra hướng đông là Quảng trường Ba Đình. Lăng gồm ba lớp với chiều cao 21,6 mét. Lớp dưới kết cấu bậc nhiều cấp, có lễ đài dành cho đoàn chủ tịch khi mít tinh. Phần giữa là kết cấu trung tâm của lăng, gồm phòng thi hài, hành lang, cầu thang lên xuống. Phần trên là mái lăng được tạo dáng cách điệu bông sen nở. Mặt chính lăng có dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng đá hồng ngọc màu mận chín.

Lăng là nơi lưu giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cha già dân tộc, người đã được UNESCO tặng danh hiệu Danh nhân Văn hóa thế giới và Anh hùng giải phóng dân tộc nhân kỷ niệm 100 ngày sinh (1890 – 1990).

Công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết quả lao động sáng tạo của nhiều nhà khoa học và công nhận hai nước Việt Nam – Liên Xô tỏ lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh và là sản phẩm của tình hữu nghị Việt – Xô.

Lăng Bác quay về hướng Đông để đón ánh mặt trời, trước cửa lăng là quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi đây, ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã chứng kiến những giờ phút thiêng liêng nhất của dân tộc khi Hồ Chí Minh đứng trước quốc dân đồng bào đọc “Tuyên ngôn Độc lập” công bố với thế giới nền độc lập lâu bền của dân tộc Việt Nam ta. Quảng trường Ba Đình dài 320m, rộng 100m, chia thành 240 ô cỏ xanh tươi là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, là nơi nhân dân đến dự các buổi lễ trọng thể. Phía tây của Quảng trường là khu lưu niệm Hồ Chủ tịch. Tại đây còn có Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngôi nhà sàn là nơi ở của Người, hồ cá, vườn cày, rặng dừa, những hàng rào dâm bụt.. Tất cả đã đi vào thơ ca Việt Nam:

“Anh dẫn em vào cõi Bác xưa

Vườn xoài hoa trắng nắng đu đưa

Có hồ nước lặng sôi tôm cá

Có bưởi cam thơm mát bóng dừa”.

(Tố Hữu)

Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường hẹp trải sỏi, hai bên trồng xoài dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn bình dị, nằm giữa những vòm cây. Hàng rào dâm bụt bao quanh nhà, cổng vào kết bằng cành cây đan xen nhau. Đó là ngôi nhà Bác Hồ ở và làm việc từ ngày 17-5-1958 cho tới khi Người qua đời. Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị. Tầng trên là hai phòng nhỏ, nơi Bác làm việc và phòng ngủ với những vật dụng đơn sơ giản dị. Trước nhà là ao cá Bác nuôi, bên bờ ao là các loài hoa phong lan nở quanh năm.

Sau nhà là vườn quả với hàng trăm loài cây quý do các địa phương đưa về trồng, như cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu Bác nàm 1954, bưởi Phúc Trạch, Biên Hòa, Mê Linh; cam Hải Hưng, Xuân Mai, Vần Du, Xã Đoài; quýt Hương Cần, Lý Nhân; táo Thiện Phiến, Ngọc Hồ, song mai Đông Mỹ; hồng Tiên Điền (quê hương nhà thơ Nguyễn Du). Trong vườn còn có cả những loại cây từ nước ngoài như ngàn hoa, cây bụt mọc quanh ao, cây cau vua gốc từ Caribê…

Nhân dân từ mọi miền đất nước cũng như du khách quốc tế đến thủ đô Hà Nội, ai cũng muốn đến viếng lăng, thăm nhà ở của Bác và đi dạo quanh Quảng trường Ba Đình lịch sử. Nhắc đến lăng Bác, lòng người lại rưng rưng trong niềm thương nhớ:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dăng bảy mươi chín mùa xuân”

(“Viếng lăng Bác” — Viễn Phương)

 Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *