Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, tên tự là Ức Trai, sống ở thời kì lịch sử sôi động của dân tộc, từ cuối đời Trần, trải qua đời Hồ và tới đầu đời Lê

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, tên tự là Ức Trai, sống ở thời kì lịch sử sôi động của dân tộc, từ cuối đời Trần, trải qua đời Hồ và tới đầu đời Lê. Cha ông là Nguyễn Ứng Long, hiệu là Nguyễn Phi Khanh, quê gốc ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây cũ. Nguyễn Ứng Long nổi tiếng hay chữ, học giỏi, được Trần Nguyên Đán gả con cho. Năm 1374, Nguyễn Ứng Long đậu bảng nhãn nhưng không được ra làm quan, về quê dạy học. Năm 1385, ông ngoại Nguyễn Trãi là Trần Nguyên Đán về trú ẩn ở Côn Sơn, đem theo cả Nguyễn Trãi, bởi vậy, tuổi nhỏ cuộc đời Nguyễn Trãi gắn với Côn Sơn. Năm 1390, ông ngoại Trần Nguyên Đán mất, Nguyễn Trãi về sống với cha. 1400, Hồ Quý Li cướp ngôi nhà Trần, lập nhà Hồ, mở khoa thi, Nguyễn Trãi đậu Thái học sinh. 1401, Nguyễn Ứng Long đổi tên thành Ngụyễn Phi Khanh, cả hai cha con đều được mời ra làm quan. Năm 1407, giặc Minh xâm lược, cha con Hồ Quý Li bị bắt, Nguyễn Phi Khanh cũng bị bắt. Nguyễn Trãi định đi theo cha để tỏ lòng trung nước, hiếu phụ nhưng Nguyễn Phi Khanh khuyên con trở về tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Trên đường về, Nguyễn Trãi bị giặc Minh bắt, giam lỏng ở thành Đông Quan, bị mua chuộc ra làm quan cho giặc, nhưng ông không nghe. Năm 1417, Nguyễn Trãi trốn khỏi Đông Quan, tìm đường giúp Lê Lợi, dâng Bình ngô sách cho Lê Lợi. Trong quá trình kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi trở thành người trù hoạch quân mưu cho Lê Lợi, thay mặt Lê Lợi giao dịch, trở thành vị quân sư xuất sắc. Năm 1427, cuộc chiến đấu chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi đất nước. Những năm sau đó, ông giúp Lê Lợi trị vì đất nước. Năm 1429, Nguyễn Trãi viết chiếu cầu hiền tài. Năm 1430, viết chiếu chống quan đại thần tham lam, lười biếng. Sau đó, triều đình bắt đầu phân chia bè phái, dèm pha, nghi kị lẫn nhau, đặc biệt là một số công thần đã bị hãm hại. Nguyễn Trãi bất đắc chí, lui về ở ẩn ở Côn Sơn, nhưng tấm lòng vẫn canh cánh việc nước. Năm 1440, vua Lê Thái Tông thấu hiểu tài đức của Nguyễn Trãi, mời ông ra là quan. Lúc này, tuy tuổi đã già nhưng Nguyễn Trãi vẫn nguyện công hiến hết sức lực của mình. Năm 1442, Nguyễn Trãi về kinh đô làm chủ khảo kì thi hội. Người vợ thiếp của ông là Nguyễn Thị Lộ được làm quan Lễ nghi nữ học sĩ, trông coi việc dạy bảo, học hành của các cung nữ. Cũng trong năm đó, Lê Thái Tông đi Đông Triều, ghé thăm Côn Sơn của Nguyễn Trãi. Khi trở về vua chết đột ngột ở vườn vải (Lệ Chi viên). Sau đó triều đình khép ông vào tội mưu sát vua, bị tru di tam tộc.

Cuộc đời Nguyễn Trãi gắn liền với những biến động của lịch sử dân tộc. Ông là bậc đại anh hùng dân tộc, là nhân vật toàn tài số một của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Nguyễn Trãi vừa là nhà chính trị, quân sự, vừa là nhà ngoại giao, vừa là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Cuộc đời ông chịu nhiều oan khiên thảm khốc nhưng vẫn hêt lòng vì dân tộc, vì con người. Năm 1962, nước ta đã tổ chức 520 năm ngày mất của Nguyễn Trãi. Năm 1980, Việt Nam cùng hiệp hội UNESCO kỉ niệm 600 nãm ngày sinh của ông. Nguyễn Trãi là người Việt Nam đầu tiên được ghi vào danh sách những danh nhân thế giới.

Nguyễn Trãi để lại một sự nghiệp văn học với khối lượng đồ sộ, phong phú. Ông là người viết nhiều nhất trong các tác giả văn học cổ, ở nhiều thể loại khác nhau, cả chữ Hán và chữ Nôm. Bộ phận văn chương chữ Hán của ông chủ yếu là văn chính luận, được in trong Quân trung từ mệnh tập, bao gồm trên dưới 70 bài, chủ yếu là thư gửi tướng tá nhà Minh. Bộ Lam Sơn thực lục là tập kí sự lịch sử ghi lại toàn bộ cuộc kháng chiến chống Minh, nổi tiếng nhất là Bình Ngô đại cáo. Bộ Dư địa chí bao gồm những vấn đề địa lí, lịch sử, dân tộc học, có giá trị rất lớn. Ức Trai thi tập bao gồm hơn 100 bài thơ chữ Hán đặc sắc, phong phú. Bộ phận văn chương chữ Nôm nổi tiếng nhất là Quốc âm thi tập gồm khoảng 254 bài thơ viết bằng chữ Nôm. Ngoài ra, sáng tác của Nguyễn Trãi cũng bị mất một số trong vụ án Lệ Chi viên. Năm 1467, Lê Thánh Tông mới hạ chỉ tập hợp, sưu tầm thơ Nguyễn Trãi sau khi đã rửa oan cho ông.

Tiếng thơ Nguyễn Trãi thể hiện tấm lòng yêu nước, thương dân sâu nặng. Chủ nghĩa yêu nước trong thơ ông không trừu tượng mà gắn chặt với nhiệm vụ lịch sử cụ thể. Yêu nước là nhân nghĩa, là căm thù giặc, là chiến đấu không khoan nhượng, là ý thức tự lực, tự cường, là khát vọng hòa bình sâu thẳm. Chủ nghĩa yêu nước tiếp thu tinh thần hào khí Đông A, phát triển rực rỡ ở tính chiến đấu mạnh mẽ. Chủ nghĩa yêu nước thơ văn Nguyễn Trãi có nội dung phong phú, trở thành tập đại thành của truyền thống yêu nước trong lịch sử và trong văn học, tạo ngọn cờ rực rỡ cho thơ văn yêu nước thế kỉ XV. Thơ ông còn là tiếng nói bi phẫn, đau đời, thể hiện khát vọng tự do tự tại và bộc lộ tình yêu thiên nhiên, con người nồng nàn, tha thiết. “Có người nói thơ của Nguyễn Trãi buồn vì cảnh đời của Nguyễn Trãi buồn. Thơ Nguyễn Trãi có bài buồn, có câu buồn vì lẽ gì chúng ta đều biết nhưng cả tập thơ của ông là thơ của một người yêu đời, yêu người. Tâm hồn của Nguyễn Trãi sống một nhịp với non sông, đất nước tươi vui” (Phạm Văn Đồng). Nguyễn Trãi cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau vẫn luôn xứng đáng là bậc đại thi hào của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên ông được Lê Thánh Tông viết “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Sự vĩ đại của Nguyễn Trãi không chỉ ở tài năng mà còn ở tâm hồn, tấm lòng. Đó là hình ảnh của bậc đại anh hùng với “tâm hồn lộng gió thời đại, hình ảnh con người đầu đội trời Việt Nam, chân đạp đất Việt Nam” (Phạm Văn Đồng).

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *