Sự căm giận, sự xót thương, sự đau khổ và niềm hạnh phúc luôn luôn đan xen lẫn nhau và dường như đều ở đỉnh điểm của tâm trạng của bé Hồng
Điều quan trọng làm nên thành công của đoạn trích Trong lòng mẹ (Những ngày thơấu của Nguyên Hồng) là giọng văn giàu chất trữ tình. Trước hết, tình huống đặt ra trong câu chuyện: đã lâu ngày mẹ không hỏi thăm, cô ruột lại ngồi kể về mẹ với thái độ mỉa mai, coi thường. Tình huống ấy dễ làm cho người con oán trách mẹ mình. Nhưng tình cảm của người con ở đây không hề một chút mảy may thay đổi; ngược lại, vẫn tràn đầy niềm yêu thương, tin tưởng và còn có mơ ước phá tan mọi cổ tục để cho mẹ không bị đau khổ. Dòng cảm xúc của nhân vật cũng được thể hiện mãnh liệt qua những chi tiết miêu tả cảm động nghẹn ngào. Sự căm giận, sự xót thương, sự đau khổ và niềm hạnh phúc luôn luôn đan xen lẫn nhau và dường như đều ở đỉnh điểm của tâm trạng. Những hình ảnh so sánh gây ấn tượng mạnh, giàu sức gợi cảm và lời văn dạt dào tình cảm: “Giá như những cổ tục đã đầy đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mầu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiền cho kỳ nát vụn mới thôi”,”Phải bó lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”…
Chia sẻ: Tailieuhay.net