Cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương (Bài 5)

Lòng kính yêu tha thiết của tác giả đối với Bác Hồ kính yêu là nét nổi bật, đáng nhớ trong tâm hồn mỗi người chúng ta về hình ảnh người cha già.

         Viễn Phương là một người con của miền Nam, cũng như bao người con khác trên đất nước Việt Nam thân yêu này, luôn kình trọng và biết ơn Bác – vị cha già của dân tộc. Và một bài thơ thể hiện lòng thành kính, mến yêu đối với Bác Hồ đã ra đời năm 1976 mang tên Viếng lăng Bác. Với lời thơ gần với giai điệu của bài hát, nhịp điệu lúc trầm lúc bổng, ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, bài thơ đã thật sự chinh phục được trái tim mỗi người đọc chúng ta.

         Sau bao nhiêu niềm mong mỏi nhớ thương, mong muốn được gặp Bác, cùng với đoàn người miền Nam ra Bắc, Viễn Phương đã đặt chân đến lăng Bác, vừa tròn một năm sau ngày khánh thành công trình. Bài thơ đi theo mạch cảm xúc vận động từ khi đến lăng, đứng bên ngoài lăng, khi vào trong và lúc ra về. Theo mạch cảm xúc của bài thơ, hai khổ thơ đầu nghiêng về lòng thành kính, ngưỡng mộ; hai khổ thơ sau là tình cảm thân thiết, gần gũi với Bác.

         Khổ thư thứ nhất mở đầu bằng những câu thơ hết sức giản dị mà tự nhiên:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

     Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

         Câu thơ bỗng trở nên thân mật biết bao với cách xưng hô con – Bác. Được ra thăm lăng Bác là sự mong mỏi bấy lâu của nhà thơ. Nhưng sự mất đi của Bác Hồ là một nổi đau khó phai. Cách sử dụng ngôn ngử của nhà thơ tạo một không khí đầm ấm của gia đình giảm bớt sự đau đớn trong lòng nhà thơ. Hình ảnh những hàng tre bát ngát trong sương đập ngay vào mắt nhà thơ khi xếp hàng tư sớm tinh mơ chờ vào lăng, ôi, một tiếng thốt lên từ đáy lòng mình. Hàng tre xanh xanh tượng trưng cho đất nước Việt Nam kiên cường, bất khuất cũng chính là tượng trưng cho tâm hồn thanh cao của người cha già kính yêu. Dù cho đứng trong bão táp mưa sa, nhiều gian khổ thì những đức tính ấy, kiên trung, bất khuất, tự cường vẫn không hề bị thay đổi. Bằng hình ảnh ẩn dụ giàu chất thơ này, nhà thơ đã thế hiện sự ngưỡng mộ đối với Bác Hồ kính yêu.

         Khố thơ thứ hai có lẽ là khổ thơ đẹp nhất trong bài với các hình ảnh thơ đặc sắc:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

        Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

              Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân….

         Ngày ngày, một mặt trời thực sự mặt trời của trái đất, của muôn vạn sinh vật đi qua lăng Bác. Nó thấy một mặt trời khác rất đỏ trong lăng. Thấy là một sự phát hiện, bỗng thấy còn một mặt trời khác. Bằng biện pháp tu từ ẩn dụ, nhà thơ đã cho chúng ta thấy Bác Hồ chính là một mặt trời khác mặt trời thứ hai. Bác không đem lại sự sống cho muôn vạn sinh vật mà đem lại sự sống trong lòng mỗi người dân Việt Nam bởi sự nghiệp cách mạng giải phóng đất nước sáng chói của Nguời. Tâm hồn Bác thanh cao, tấm lòng Bác rộng mở. Bác Hồ người chính là niềm tin, là ánh sáng soi sáng con đường, sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam. Tâm hồn Người sáng mãi, là mặt trời trong hệ thống vũ trụ của người Việt Nam, riêng đất nước Việt Nam mà thôi. Hình ảnh dòng người đi quanh lăng Bác, trong niềm nhớ thương tiếc nuối cùng là một hình ảnh đẹp. Mỗi người là một bông hoa, cả dòng người là một tràng hoa, dâng lên Bác kính yêu. Bảy mươi chín mùa xuân, bảy mươi chín năm Bác cống hiến sức mình cho đất nước, cho Tổ quốc mà không chăm lo cho bản thân. Một tràng hoa kết tinh bằng tình người, chính là cảm tạ cho những việc Bác đã làm vì Tổ quốc Việt Nam thương yêu.

         Vào đến trong lăng, tình cảm của nhà thơ đối với Bác bây giờ vừa là một sự gần gũi, vừa là một sự đau đớn:

      Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

      Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

         Sau một cuộc đời bôn ba đầy gian khổ, vất vả, giờ đây Bác đang yên giấc trong lăng, trong sự dịu mát của không gian, vầng trăng vốn là người bạn tri kỉ của Bác Hồ trong sáng tác thơ ca thì bây giờ, theo Bác vào bên lăng. Người bạn ấy, luôn bên Bác trong suốt chặng đường dài, là người thân khi Bác làm việc, còn ở đây vẫn là người bạn khi Bác đã đi xa. Ánh sáng dịu hiền của vầng trâng chính là tâm hồn thanh cao, trắng trong của Bác, là cuộc sống thanh thản, đạm bạc mà hết sức giản dị của Bác. Vẫn biết là trời xanh là vĩnh hằng, cũng như sự nghiệp cách mạng của Bác là vĩnh viễn, nhưng nhà thơ vẫn không sao kim nén được nỗi đau xót trong lòng khi thấy Bác nằm nơi đây. Nhói là một nỗi đau đớn, nghe thật thương sao!

         Khổ thơ cuối với ước nguyện chân thành, tha thiết của nhà thơ đó là được hoà vào cảnh vật bên Bác:

     Mai về miền Nam thương trào nước mắt

    Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa toả hương đâu đây

 Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

         Nghĩ đến ngày mai phải về miền Nam, phải rời Bác Hồ kính yêu, Viễn Phương thấy hết sức tiếc nuối. Trào nước mắt, dòng nước mắt không chảy nhỏ giọt mà tuôn trào như chứng minh cho tấm lòng thương yêu Bác. Nhà thơ ước muốn làm con chim nhỏ quanh lăng, dâng tiếng hót, góp tiếng rộn ràng, ước làm cành hoa dâng hương, í ắc vào vườn hoa bên lăng, ước được làm cây tre với hai chữ trung hiếu nơi đây. Khổ thơ một với hình ảnh cây tre, khổ thơ cuối lặp lại hình ảnh này đã tạo một kết cấu đầu cuối tương ứng như minh chứng cho lòng trung với Bác của nhà thơ. Những ước muốn nhỏ nhoi thôi nhưng sao như bao cả một tấm lòng rộng lớn.

         Bài thơ với nhịp điệu trầm bổng, giọng thơ lúc nhanh lúc chậm buồn thương nghe như sao những nốt nhạc thánh thót. Bài thơ đã được một nhạc sĩ phổ nhạc, khiến cho những dòng chữ này càng đi sâu vào lòng người. Lòng kính yêu tha thiết của tác giả đối với Bác Hồ kính yêu là nét nổi bật, đáng nhớ trong tâm hồn mỗi người chúng ta về hình ảnh người cha già.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *