Cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương (Bài 3)

Bài thơ Viếng lăng Bác đã thể hiện được lòng kính yêu thiết tha, lòng thương cảm sâu sắc của nhân dân miền Nam đối với Bác. Đây chính là niềm mến thương, thành kính của những người con đối với người cha già dân tộc.

       Bác Hồ là vị Chủ tịch nước vĩ đại nhất của Việt Nam ta. Dù Bác đã ra đi nhưng hình ảnh Bác vẫn còn mãi trong trái tim mỗi người dân trên khắp đất nước. Đã có nhiều bài hát nói về Bác, nhiều bài thơ ca ngợi Bác nhưng đối với tôi, bài thơ hay nhất chính là bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Qua bài thơ, ta đã thấy được tình cảm của những người dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: đó chính là lòng kính yêu tha thiết của nhân dân dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc.

       Bài thơ Viếng lăng Bác được ra đời trong không khí xúc động của nhân dân ta khi công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây xong sau khi đất nước thống nhất, nhân dân miền Nam ra thăm lăng Bác. Đọc bài thơ, ta như cũng cảm nhận được niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn tự hào, xót thương của tác giả khi từ miền Nam ra viếng lăng Bác.

       Đọc khổ thơ đầu cua bài thơ, ta như thấy được tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác, một tình cảm bao la, rộng lớn với niềm thương cảm sâu sắc:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

     Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

       Ở câu thơ đầu này, nhà thơ đã dùng lối xưng hô con – Bác. Cách xưng hô này thật gần gũi, thân thương. Người con về thăm người cha, gợi bớt nỗi đau xót, gợi không khí gần gũi gia đình. Không chỉ như vậy, cách xưng hô này còn gợi ra tâm trạng xúc động của người chiến sĩ sau bao nhiêu năm mới được ra thăm Bác. Trong câu thơ, nhà thơ dùng từ thăm thay cho từ viếng để nói lên rằng Bác vẫn còn mãi trong trái tim nhân dân miền Nam, trong lòng dân tộc.

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

       Từ bao đời nay, tre vẫn luôn gắn bó với người dân Việt Nam trong lao động, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong chiến đấu. Giờ đây, tre ngàn đời thân thuộc lại đứng canh giấc ngủ cho Bác. Những hàng tre như chính những người dân miền Nam, luôn ở bên Bác. Nơi Bác yên nghỉ vẫn luôn xanh mát bóng tre.

       Không chỉ như vậy, tình cảm kính yêu tha thiết của những người dân miền Nam dành cho Bác còn được thể hiện ở khổ thơ thứ hai:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

 Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

       Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

            Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

       Vào lúc này, nhà thơ cũng như những người dân đã nhận ra rằng Bác chính là một mặt trời thứ hai trong lòng họ. Mặt trời là nguồn ánh sáng lớn nhất trong vũ trụ, mãi không bao giờ tắt. Và Bác Hồ cũng vậy, Bác chính là nguồn sáng của nhân dân ta, soi đường cho dân tộc ta. Chính hình ảnh mặt trời này dã gợi lên trái tim đầy nhiệt huyết, yêu thương của Bác. Một hình ảnh về Bác mà chứa đựng sự kính trọng của tác giả đối với Bác. Chính điệp từ ngay ngày đã thể hiện được tình cảm và tấm lòng của nhân dân miền Nam đối với Bác sẽ không bao giờ phai mờ. Dòng người vào lăng viếng Bác đi trong thương nhớ. Tình cảm của muôn dân đã được kết thành một tràng hoa dâng lân Bác. Dòng người không chỉ viếng một người từ trần mà là viếng một cuộc đời. Bác đã cống hiến cuộc đời mình cho đất nước, mang lại Sự tự do độc lập cho đất nước, làm nên mùa xuân của đất nước.

      Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

        Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

       Khổ thơ này đã thể hiện tình cảm cùa những người dân miền Nam khi đứng bên Bác. Bằng những tình cảm này ta thấy như Bác vẫn còn sống. Bác đang ở trong một giấc ngủ yên tĩnh, trong sáng, một không gian yên bình với vầng trăng sáng dịu hiền. Bác vẫn ởgiữa cuộc đời như một vầng trăng thanh cao. Bác vẫn còn mãi mãi với đất nước, với người dân miền Nam. Cho dù Bác vẫn còn ở trên trời xanh kia mà sao nghe nhói ở trong tim. Tất cả những điều này đều gợi ra cái bất diệt, cái vĩnh cửu của một con người.

       Khổ thơ thứ tư chính là khổ thơ mà tình cảm đạt tới điếm cao nhất, cũng là ước mong của tác giả muốn làm người con trung hiếu ở bên Bác.

    Mai về miền Nam thương trào nước mắt

   Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

 Muốn Làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

       Khi sắp phải xa Người, những cảm xúc trong lòng tác giả kết tinh lại và trào dâng thành những giọt nước mắt. Tình cảm của những người dân đối với Bác chính là tình cảm cha con gắn bó, sâu sắc. Nhà thơ cũng như nhân dân miền Nam muốn làm con chim để ca hót quanh lăng Bác muốn làm một đoá hoa toả hương đâu đây. Nhưng mong ước lớn nhất chính là muốn làm một cây tre trung hiếu để có thể ở bên Bác mãi mãi, đứng canh cho Bác ngủ yên. Qua đây ta đã thấy được tình cảm sâu sắc, thuỷ chung mà những người dân đã dành cho Bác.

       Bài thơ Viếng lăng Bác đã thể hiện được lòng kính yêu thiết tha, lòng thương cảm sâu sắc của nhân dân miền Nam đối với Bác. Đây chính là niềm mến thương, thành kính của những người con đối với người cha già dân tộc.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *