Bài thơ thể hiện khá rõ phong cách thiết tha, rạo rực của Xuân Diệu.
I. GIỚI THIỆU
1. Xuất xứ
“Vội vàng”, là bài thơ được trích trong tập “Thơ thơ’’ của Xuân Diệu.
2. Bố cục: Có thể chia làm 4 phần như sau:
* Phần 1 (4 câu đầu): Ý tưởng táo bạo và đầy lãng mạn của nhà thơ.
* Phần 2 (từ câu 5 đến câu 13): Lòng yêu đời, yêu cuộc sống.
* Phần 3 (từ câu 14 đến câu 30): Tâm trạng u buồn, chán nản của nhà thơ trước cái giới hạn của đời người trong cái vô biên của tạo hóa.
* Phần 4 (từ câu 31 đến câu 40): Tư tưởng sống vội, sống gấp và hưởng thụ lạc thú (vật chất và tinh thần).
3. Chủ đề
Bài thơ thể hiện tư tưởng nhân văn về niềm say mê, thiết tha yêu cuộc sống thèm sống đến vồ vập. Đồng thời, cũng bộc lộ vẻ u buồn của kiếp người bi kịch giới hạn trong cái vô cùng.
II. PHÂN TÍCH
1. Nhà thơ đã bộc lộ khát vọng mãnh liệt của cái “tôi”. Nhà thơ lấy cái tôi của mình như muốn để thay đổi quy luật của tự nhiên, để thời gian ngừng lại mà tận hưởng hết cái hương thơm của cuộc đời. Nhà thơ sử dụng điệp ngữ “tôi muốn”, “tôi muốn” là để nói đến cái khát vọng mãnh liệt, táo bạo và đầy lãng mạn đó.
2. Cảnh vật trong 9 câu thơ này (từ câu 5-13) như bức tranh tràn đầy hạnh phúc. Bức tranh tràn ngập màu xanh, màu của hi vọng, tươi thắm. Không gian nơi đây khoáng đạt, tràn ngập ánh sáng và rộn rã tiếng chim reo. Cuộc sống tưng bừng, gợi tình, gợi niềm đam mê sống để hưởng thụ. Cuộc sống qua đôi mắt của Xuân Diệu là mơn mởn, ngọt ngào và đầy sắc xuân:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
3. Niềm vui tưng bừng, chợt tan biến bởi quy luật vận động và qua cảm thức của nhà thơ. Nhà thơ sợ cái tàn phai bởi thời gian trôi đi: “Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”. Để rồi nhà thơ bộc lộ cái tâm trạng hoảng hốt trước sự tàn phai: “Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”.
4. Từ nỗi lo sự sự tàn phai, nhà thơ tự thúc giục mình sống vội, muốn ôm tốt cả vào hồn: điệp ngữ “ta muốn”, “ta muốn” tha thiết và vội vàng vang lên đã thể hiện điều đó.
Cao trào của cái “ta muốn ” là: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”. Thật là nỗi đam mê đến tận cùng. Khao khát đến tận cùng! Hoảng sợ đến tận cùng!
III. TỔNG KẾT
– Nhà thơ bộc lộ chân thành niềm khát khao sống, tha thiết yêu đời. Nhà thơ muốn tận hưởng tất cả những gì có thể tận hưởng.
– Mặc khác, nhà thơ cũng bộc lộ nỗi đau buồn, xót xa trước cái giới hạn của đời người trong cái vô hạn của thời gian, đất trời.
– Nhà thơ đã cảm nhận thật tinh tế bằng tất cả các giác quan của mình. Cách sử dụng từ ngữ độc đáo và mới lạ, đầy gợi tả và tạo trường liên tưởng khá rộng.
– Bài thơ thể hiện khá rõ phong cách thiết tha, rạo rực của Xuân Diệu.
Chia sẻ: Tailieuhay.net