Khi xây dựng nhân vật Thị Nở, nhà văn Nam Cao thẳng cánh hạ bút những dòng này: “Người ta không ai sợ kẻ khác phạm đến cái xấu, cái nghèo, cái ngẩn ngơ của mình, mà thị lại chỉ có ba cái ấy”.
Nghèo, xấu, ngẩn ngơ như ba mặt của một lô cốt hình tam giác chóp, nơi tác giả đã nhốt chặt nhân vật Thị Nở của mình vào trong đó. Nhưng có thật thị chỉ có ba điều ấy không? Nhà văn Nam Cao đã xử lý như thế nào trong quá trình triển khai “dự án thiết kế ban đầu” này?
Tôi cho rằng nhân vật Thị Nở ngay từ đầu là một biểu hiện nguyên khối của con người tự nhiên, thuộc về tự nhiên, chứ không hề sắm vai con người xã hội. Thị xấu ma chê quỷ hờn ư? Trong biết bao nhiêu thành phẩm của tạo hóa có phải thứ nào cũng đẹp cả đâu! Đã là giới tự nhiên thì vừa có cái hoàn toàn đẹp, có cái hoàn toàn xấu, lại có cái vừa đẹp vừa xấu. Thị Nở xấu xí như thể một bộ phận của tự nhiên xấu xí, là chuyện có thực. Hơn nữa, thị ăn ngủ, yếm áo, nghĩ ngợi… lúc nào cũng cứ “vô tâm” như không vậy, thì đó chẳng phải là đặc tính hồn nhiên bậc nhất của tự nhiên đó sao! Cho nên trước sau, toàn bộ con người Thị Nở hiện diện với tư cách là cả một khối tự nhiên thô mộc. Mà đã là tự nhiên thì dù thế nào đi nữa, tự nó có vị trí, quyền năng riêng của nó. Nam Cao đã xây dựng chân dung Thị Nở dưới sự chỉ đạo của luồng ánh sáng tư tưởng này (cũng xin lưu ý điều đang nói ở đây hoàn toàn khác với thứ chủ nghĩa tự nhiên, cái mà Nam Cao đã từng bị mang tiếng).
Thì đây, sau lần “ăn nằm” với Chí, tức là sau cái hành động tạo hóa đầy màu nhiệm này, cả Thị Nở lẫn Chí đều được thay đổi. Thị Nở đã hoàn toàn chìm đắm trong cơn đam mê tột cùng của bản năng thiên tạo. Thị đã quên hết thấy mọi ràng buộc của đời sống thường nhật, quên bà cô, quên bặt cả những định kiến tầng tầng lớp lớp của cái xã hội làng Vũ Đại. Khi mà cả làng Vũ Đại quay lưng với Chí, thì chỉ duy nhất mình thị đến với Chí một cách hồn nhiên hết mực. Thế là cái thiên chức (sự chăm lo), thiên lương (tình thương, lòng tốt), những gì gọi là năng lực đàn bà trong thị bỗng động đậy, đòi được thể hiện. Nhưng khác với thị, trong khi hưởng thụ Chí lại là người không hẳn vô tư. Trong con người anh ta cũng bắt đầu xuất hiện ý thức sở hữu duy nhất, triệt để đối với thị, một ý thức về tình yêu của giống người: Vừa dâng hiến vừa đòi hỏi. Chính vì thế mà Chí đã nghĩ xa xôi đến một tổ ấm, thứ hạnh phúc bình dị theo kiểu con người. Chí đã khóc khi ăn bát cháo hành, tức là đã khóc vì cái hạnh phúc lần đầu tiên được hưởng thụ theo cung cách của một tổ ấm. Vì không thể vô tư được nên khi phải chờ đợi Thị Nở, Chí Phèo đã sốt ruột, tức tối. Trong khi đó, cuối cùng thị đã đến để trút giận, rồi “ngoay ngoáy cái mông đít” ra về cũng theo một cách vô tâm nhất, không mảy may băn khoăn tiếc nuối, không tính toán xem lợi hại thế nào, bỏ lại Chí trong nỗi đau phụ bạc (theo cách nghĩ của Chí). Vậy là, cái khối tự nhiên vô tâm Thị Nở kia va đụng vào con người xã hội Chí Phèo vụ lợi này thành ra ắt phải đổ vỡ. Quan hệ Thị Nở – Chí Phèo đến đây đã trở thành hạt nổ quyết định bắn vào quả nổ lớn tiếp theo – tấn kịch ắt phải bùng nổ, đẫm máu, vỡ nát (như đã thấy ở phần cuối truyện). Đây là một quan hệ có tính cách khai sáng. Nhờ đó mà cái đầu mụ mị và đầy thù địch của Chí bỗng thay đổi hẳn. Chí Phèo bắt đầu thấy “thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao”. Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Không còn nghi ngờ gì nữa, thị đã can dự sâu sắc vào cuộc đời Chí, đánh thức toàn bộ tâm hồn Chí, làm cho đời sống tâm hồn của hắn rung lên từng nếp xếp bấy nay nằm ngủ. Thị Nở đã mang quyền lực của thiên tạo – chiếc đũa thần yêu thương gõ vào cái hộp tối đen đầy bất trắc ấy, thổi vào đó những đốm lửa nhân văn ấm áp, và trên thực tế đã kéo được Chí ra khỏi cõi rồ dại ấy rồi. Đi theo tiếng gọi cảm động của tình yêu, Chí đã bước những bước chập chững, non nớt về với cõi người. Tội đồ bất đắc dĩ mang về nước chúa phục thiện. Ai ngờ, ngoắt một cái, Chí lại nốc rượu, lại xách dao đi… Thế là cả một công trình do thị tạo dựng bỗng chốc đổ vỡ tan tành. Tại thị cả, người chỉ biết cho, chứ không biết giữ mà, khổ thế!
Xét toàn bộ tâm trạng của Chí có hai sự kiện mang tính bước ngoặt: lần một – đi ở tù, lần hai – tình yêu với Thị Nở. Sự kiện lần một không được miêu tả mà chỉ nhắc đến như một dữ kiện. Tác giả chỉ chú tâm khai thác triệt để sự kiện lần hai, và trên thực tế số trang dành cho nó chiếm hơn một phần ba truyện. Nói như thế để thấy rằng sự có mặt của Thị Nở trong cuộc đời Chí (tuy mới chỉ vẻn vẹn có năm ngày sau chót) thực sự có nghĩa lý và quan trọng đến ngần nào. Giả dụ vắng bóng Thị Nở, thì nhân vật Chí Phèo chả có gì đáng nói đáng bàn lắm.
Vậy thì, với tư cách là một khối tự nhiên thô mộc, khiếm khuyết về hình thể, Thị Nở đã bảo toàn trong mình những phẩm chất “nhân chi sơ, tính bản thiện” của giống người: thiên lương, thiên chức, thiên năng – lớp bản chất nằm ở bề sâu khuất chưa bị tha hóa. Cho nên Thị Nở đã thoát ra khỏi cái lốt bọc xấu xí ấy để trở thành một người đàn bà đáng trọng.
Chia sẻ: Tailieuhay.net