Bút pháp hiện thực kết hợp với cảm hứng lãng mạn chiến đấu, lãng mạn cách mạng của nhà thơ chiến sĩ đã tạo nên một khúc quân hành, một khúc độc hành oai dũng, đặc sắc.
Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc … Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
BÀI LÀM
Trên những nẻo đường hành quân chiến đấu, đoàn binh Tây Tiến đã muôn trùng khó khăn phải đối diện với những nguy hiểm thử thách của thiên nhiên Tây Bắc. Họ đã đấu tranh để tiến về phía Tây trong cuộc kháng chiến chống Pháp cùng với nhân dân Lào. Trong cuộc hành quân, những bệnh tật luôn đi bên họ, luôn rình rập những nguy hiểm “Đêm đêm mường hịch cọp trêu người”. Và, họ, những con người trong máu lửa xuất hiện trong bút pháp hiện thực của nhà thơ Quang Dũng, vừa trần trụi nhưng thật lãng mạn:
“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giời
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Những người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp khác thường: “không mọc tóc” là cách diễn tả thanh về một hiện thực thô ráp, nặng nề. Đồng thời có ý chủ động chứ không phải bị động trước những trận sốt rét rừng làm rụng hết tóc, làm làn da xanh vì mất máu. “xanh màu lá” cũng là cách nói thật mà thanh “so với cách nói xanh xao”. Người chiến sĩ ở đây như hòa với rừng cây, với lá ngụy trang.
Chịu đựng nhiều gian lao, bệnh tật như vậy nhưng chiến binh Tây Tiến vẫn giữ vẻ oai phong, mang cả cái oai linh của rừng thẳm qua ngữ “dữ oai hùm”. Cách tả này ứng hợp với phần trên khi tác giả viết: “cọp trêu người”.
Như vậy đoàn quân này ốm mà không yếu, dữ nhưng không tợn. Nói đúng hiện thực nhưng ngòi bút Quang Dũng không nặng đi sâu vào những gian khổ mà nghiêng về vẻ đẹp lãng mạn. Năm 1948, cũng tả về người lính thiếu thốn, gian khổ, ngòi bút Chính Hữu lại nghiêng về những chi tiết rất thực:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giầy…
(Đồng chí – Chính Hữu).
“Mộng” và “mơ” gửi về hai phía chân trời: biên giới và Hà Nội, nơi có đầy bóng giặc. “Mắt trừng”, hình ảnh thể hiện nét dữ dội, oai phong lẫm liệt, tinh thần cảnh giác, tỉnh táo của người lính trong khói lửa ác liệt. “Mộng qua biên giới”- mộng tiêu diệt thù, bảo vệ biên cương, lập nên chiến công nêu cao anh hùng của đoàn binh Tây Tiến. Lại có thêm một giấc mơ về phố cũ yêu thương. Rất phong tình và tài hoa.
Xuất thân của các chiến sĩ Tây Tiến là những học sinh, sinh viên đã xếp bút nghiên đi theo tiếng gọi của non sông. Họ là những thanh nhiên giàu lòng yêu nước và rất hào hoa:
“Từ thưở mang gươm đi giữ nước
Nghìn năm muôn thương nhớ đất Thăng Long”
(Huỳnh Văn Nghệ)
Sống giữa núi rừng gian khổ, ác liệt, cái chất bủa vây, lửa đạn mịt mù, nhưng các chiến sĩ vẫn mơ về Hà Nội. Làm sao họ quên được những hàng me, có “Gió mùa thu hương cốm mới”, “Những phố dài xao xác hơi may?”(Nguyễn Đình Thi)…và, làm sao có thể xóa được hình dáng của dáng kiều thơm với “Cuộc chia tay chói ngời sắc đỏ” (Nguyễn Mỹ). Dáng kiều thơm, hình ảnh thề hiện sự khám phá của nhà thơ. Bút pháp lãng mạn tạo nên tính thẩm mỹ trong câu thơ. Chẳng hạn ở “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:
“Những đêm dài hành quâ nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”.
Ngay cả cái chết cũng không làm người chiến binh Tây Tiến chùn bước, quay đầu, các anh vẫn “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”. Bút pháp hiện thực kết hợp với cảm hứng lãng mạn chiến đấu, lãng mạn cách mạng của nhà thơ chiến sĩ đã tạo nên một khúc quân hành, một khúc độc hành oai dũng, đặc sắc.
Chia sẻ: Tailieuhay.net