Cảm nhận của em về bài “Hoa sầu đâu” của Vũ Bằng

Vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu ở vùng quê Bắc Bộ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười.

Đề bài

Cảm nhận của em về bài “Hoa sầu đâu” của Vũ Bằng.

HOA SẦU ĐÂU

         Vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu ở vùng quê Bắc Bộ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười. Hoa nhỏ bè, lấm tấm mấy chấm đen nở từng chùm, đu đưa như đưa võng mỗi khi có gió. Cứ đến tháng ba, nhớ đến sầu đâu là tôi cảm thấy thoang thoảng đâu đây một mùi thơm mát mẻ, dịu dàng, mát mẻ còn hơn cả hương cau, mà dịu dàng có khi hơn cả mùi thơm hoa mộc. Mùi thơm huyền diệu đó hòa với mùi của đất ruộng cày vỡ ra, mùi đậu đã già mà người nông phu hái về phơi nắng, mùi mạ đã lên sớm xanh màu hoa lí, mùi khoai sắn, mùi rau cần ở các ruộng xâm xấp nước đưa lên… Bao nhiêu thứ đó, bấy nhiêu thương yêu, khiến người ta cảm thấy như ngây ngất như say say một thứ men gì.

Theo Vũ Bằng

Lời giải chi tiết

       Vũ Bằng là nhà văn nổi tiếng tài hoa. Đoạn văn “Hoa sầu đâu” trích trong cuốn “Thương nhớ mười hai”, một kiệt tác văn chương của ông.

        Đất nước bị chia cắt, ông sống ở miền Nam nhớ đất Bắc, nhớ Hà Nội; tháng ba đến ông nhớ hoa sầu đâu ở làng quê miền Bắc Việt với tình thương nhớ da diết cố hương vơi đầy.

        Cách quan sát và miêu tả cúa tác giả về hoa sầu đâu thật vô cùng tinh tế và biểu cảm.

         Hoa sầu đâu còn gọi là hoa xoan. Hơn 700 năm về trước, Nguyễn Trãi đã nói đến:

                   “Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn,

                    Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan”.

(Thơ dịch)

        Tiếng cuốc kêu là khi xuân đã “già”, đã cuối xuân, đúng là cuối tháng ba, cuốc gọi hè. Khi đó hoa xoan mới nở. Tác giả cho biết “hoa sầu đâu nở như cười”, dáng hoa “nhỏ bé”, sắc hoa “lấm tấm mấy chấm đen”. Hoa sầu đâu kết thành chùm, và khi có gió thoáng qua “đu đưa như đưa võng”. Hai hình ảnh so sánh: “hoa sầu đâu nở như cười”, chùm hoa sầu đâu “đu đưa như đưa võng” gợi lên vẻ đẹp quyến rũ, hữu tình của hoa sầu đâu.

         Vậy, hương thơm của hoa sầu đâu như thế nào? Vũ Bằng đã dùng các từ ngữ: “thoang thoáng”, “mát mẻ”, “dịu dàng” để đặc tả hương hoa sầu đâu. Ông còn so sánh để ca ngợi hương hoa sầu đâu “dịu dàng” có khi hơn cả mùi thơm hoa mộc”, đó là “mùi thơm huyền diệu mà bình dị, dân dã, thân thuộc với người dân quê”. Vì mùi thơm hoa sầu đâu “hòa với” mùi của đất ruộng, mùi đậu đã già, mùi mạ non, mùi khoai sắn, mùi rau cần… Những mùi vị ấy là hương vị đồng quê đậm đà. Hương hoa sầu đâu, hương vị đồng quê đã khiến ta “thương yêu”, “ngây ngất”, “như say một thứ men gì”. Và đó, chính là tình yêu quê hương đất nước.

       Vũ Bằng đã tả hoa sầu đâu với một sự rung cảm tài hoa. Chất thơ của trang văn đã làm cho ta say với hương hoa sầu đâu như còn thoang thoảng đâu đây…

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *