Cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong hai bài Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Qua hai bài thơ Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính giúp ta thấy được hình ảnh những người lính yêu nước, dũng cảm, chiến đấu hết mình, mặc khó khăn, gian khổ để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Dàn ý

I. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
– Nêu cảm nhận chung về hình ảnh người lính trong hai bài thơ.

II. Thân bài
1. Cảm nhận về vẻ đẹp của hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí”
– Tác giả Chính Hữu lí giải cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội giữa những người lính
+ Cùng chung cảnh ngộ xuất thân: “quê hương anh”, “làng tôi”
+ Cùng chung lí tưởng chiến đấu: “Súng bên súng” gợi lên sự tương đồng về lí tưởng, nhiệm vụ chiến đấu,“đầu sát bên đầu” diễn tả ý chí quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp.
+ Tình cảm đồng chí được bồi đắp qua sự sẻ chia những gian lao của cuộc chiến.
– Bức chân dung người lính còn được phác họa qua sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội
+ Đồng cam cộng khổ vượt qua mọi thiếu thốn: “Áo anh rách vai”, “Quần tôi có vài mảnh vá”, “Chân không giày”.
+ Luôn sẵn sàng yêu thương, sẻ chia: “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
– Hình ảnh người lính được phác họa trong sự quyện hòa giữa chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn qua hình ảnh “Đầu súng trăng treo”

2. Cảm nhận về vẻ đẹp của hình ảnh người lính trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

– Vẻ đẹp của người chiến sĩ được tác giả tái hiện thông qua sự song hành, sóng đôi với hình ảnh “những chiếc xe không kính”:
+ Gợi hiện thực tàn khốc của cuộc chiến
+ Miêu tả chân thực con đường ra mặt trận đầy hiểm nguy
– Vẻ đẹp của người lính được thể hiện qua sự tư thế ung dung, hiên ngang, bất chấp mọi hiểm nguy
+ Họ chấp nhận những gian khổ bằng tinh thần coi thường, bất chấp mọi hiểm nguy: “Ung dung buồng lái ta ngồi”
+ Họ đối diện với sự khắc nghiệt, tàn khốc của cuộc chiến:“gió vào xoa mắt đắng”, “sao trời”, “cánh chim” đột ngột như “sa”, “ùa” vào buồng lái.
– Vẻ đẹp của người lính được thể hiện qua tình cảm đồng đội và trái tim yêu nước:
+ Hình ảnh chân thực “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi” đã gợi ra sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc giữa những người lính
+ Cách nói hình ảnh “vì miền Nam phía trước” đã thể hiện niềm tin, tinh thần lạc quan của người lính
+ Hình ảnh hoán dụ “một trái tim” đã làm nổi bật “trái tim cầm lái” luôn rực cháy ngọn lửa yêu nước và tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường của người lính.

3. Cảm nhận về vẻ đẹp chung và riêng của hình ảnh người lính trong hai bài thơ

– Vẻ đẹp chung:
+ Lí tưởng chiến đấu, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc
+ Tinh thần dũng cảm, yêu nước mãnh liệt
+ Sử dụng sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội để vượt qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

– Vẻ đẹp riêng:

+ Ở bài thơ “Đồng chí”, tác giả Chính Hữu khắc họa vẻ đẹp của người nông dân mặc áo lính thông qua sự mộc mạc, chân chất và sự quyện hòa giữa chất hiện thực – lãng mạn;
+ Trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, bức chân dung người chiến sĩ lái xe hiện lên qua sự trẻ trung, sôi nổi, ngang tàn.

III. Kết bài
Khái quát về giá trị của hình tượng người lính qua hai tác phẩm.

 

Bài làm 1

      Là những nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đã từng trải và thấu hiểu những nỗi gian khổ, vất vả của người lính. Bàn tay các anh đã từng cầm súng chiến đấu và cũng đã từng viết nhiều bài thơ về họ – những người lính can trường, dũng cảm và có tình đồng đội cao. Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đã khắc hoạ hình ảnh người lính có tinh thần và tâm hồn đẹp như thế đấy.

      Năm 1948, bài thơ Đồng chí ra đời và nhanh chóng được nhiều người yêu thích. Trong những năm bom đạn hiểm nguy nơi chiến trường, hình ảnh về người lính là biểu tượng đẹp nhất của cuộc sống và đã đi vào thơ của Chính Hữu một cách tự nhiên và đẹp đẽ. Không hẹn mà nên, những người lính gặp nhau tại một điểm: lòng yêu nước. Theo tiếng gọi cứu quốc thiêng liêng, họ tạm xa con trâu, cái cày, cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Không hề quen nhau, nhưng ánh sáng lí tưởng của cách mạng đã soi vào trái tim họ, để họ trở nên thân nhau hơn và có ý chí chiến đấu cao hơn. Cũng giống như những anh lính trong bài Nhớ của Hồng Nguyên:

                          Lột sắt đường tàu

                          Rèn thêm dao kiếm

                          Áo vải chân không

                          Đi lùng giặc đánh

      Trong điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn thì tinh thần chiến đấu của những người lính lại bùng lên mạnh mẽ, sục sôi khí thế. Họ không nề nguy hiểm, khó khăn, vẫn vững lòng cầm chắc tay súng để bảo vệ quê hương, đất nước. Họ sát cánh bên nhau cùng chiến đấu dũng cảm:

                          Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

      Có khác gì đâu cái tinh thần đồng đội thiêng liêng ấy trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật:

                          Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi

      Không kể thiếu thốn, khó khăn, họ vẫn chấp nhận, vẫn vui vẻ lạc quan, yêu đời hơn. Cái bắt tay ấy là cả một tình đồng đội thiêng liêng, họ truyền cho nhau niềm tin chiến thắng, tình yêu và lòng dũng cảm ấy. Sống và chết, dường như trong tim mỗi người lính chiến đấu không hề có khái niệm ấy. Họ cầm súng, họ nhảy lên chiếc xe chuẩn bị lên đường và họ biết trước mắt họ là muôn vàn khó khăn nguy hiểm, vậy mà đâu đây vẫn có cái giọng điệu lạc quan, yêu đời, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm:

                          Ung dung buồng lái ta ngồi,

                          Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

      Họ vẫn có cái chí của người lính, họ không hề nguy hiểm, mặc những khó khăn của thời tiết của cuộc chiến, vẫn hướng trái tim về Tổ quốc:

                          Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

                          Chỉ cần trong xe có một trái tim.

      Nếu trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, những người lính hiện lên với một tinh thần chiến đấu dũng cảm, tình đồng đội thiêng liêng, cao quý; thì ở trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, ý thức giác ngộ cách mạng của những người lính cao hơn. Họ lạc quan yêu đời hơn. Hình ảnh những người lính hiện lên thật trẻ trung, sôi nổi, yêu đời hơn.

      Qua hai bài thơ, chúng ta càng hiểu rõ hơn về những người lính. Hình ảnh của họ hiện lên thật đẹp đẽ, họ chính là biểu tượng, là niềm tin, khát vọng của những người dân gửi gắm nơi họ. Với các anh, người đọc nhận thấy một ánh sáng lí tưởng cao đẹp và thiêng liêng vô cùng.

 

Bài làm 2

      Là những nhà thơ quân đội trưởng thành trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Chính Hữu và Phạm Tiến Duật từng sống, trải nghiệm và thấm thía đời sống của người lính trên chiến trường. Trên đôi bàn tay của hai nhà thơ không chỉ vững vàng những cây súng đánh giặc mà còn từng bung nở cho đời những vần thơ diệu kì về người lính. Hai trong số những áng thơ ấy là Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Cùng khắc họa hình ảnh người lính trong lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam nhưng bên cạnh những điểm chung vốn dễ nhận thấy, ở hai bài thơ, mỗi bài lại có những nét đẹp riêng.

      Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu ra đời năm 1948, những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy vất vả, chính quyền ta vừa thành lập còn non trẻ. Những người lính của “Đồng chí” là những người lính chống Pháp, họ đến với kháng chiến từ màu áo nâu của người nông dân, từ cái nghèo khó của những miền quê lam lũ:

                     “Quê hương anh nựớc mặn đồng chua

                     Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”…

      Còn Bài thơ vê tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật ra đời năm 1969, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang vào hồi ác liệt. Những người lính thời kì này còn rất trẻ. Họ phần lớn vừa rời ghế nhà trường, tâm hồn còn phơi phới tuổi xuân. Đó là những con người:

                     “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ

                     Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

     Hoàn cảnh, điều kiện khác nhau như vậy tất yếu dẫn đến sự khác nhau về ý thức giác ngộ cách mạng của những người lính ở hai bài thơ. Nhận thức về chiến tranh của những người lính chống Pháp còn đơn giản, chưa sâu sắc như thời kì kháng chiến chống Mĩ. Trong “Đồng chí”, tình cảm thiêng liêng nhất được nhắc tới là tình đồng chí, đồng đội. Trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” mới thấy xuất hiện ý niệm về ý chí, tinh thần yêu nước:

                     “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

                     Chỉ cẩn trong xe có một trái tim”.

      Sống giữa chiến trường với tình đồng đội thiêng liêng, người lính chống Pháp nhớ về gia đình với mẹ già, vợ dại, con thơ. Người lính kháng Mĩ thì đã khác. Họ hiểu rằng kháng chiến là gian khổ và còn trường kì nữa. Vậy nên xe hàng cùng con đường ra mặt trận đã trở thành ngôi nhà chung và những người đồng đội đã trở thành gia đình ruột thịt:

                     “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

                     Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”.

      Và điều khác nhau cơ bản giữa hai thi phẩm chính là bút pháp thơ của hai tác giả. Chính Hữu dùng bút pháp hiện thực – lãng mạn dựng lên hình ảnh những người lính thời kì đầu của cuộc kháng chiến với nhiều khó khăn thiếu thốn:

                     “Áo anh rách vai quần tôi có vài mảnh vá

                     Miệng cười buốt giá chân không giày”

       Cảm hứng lãng mạn được lắng đọng trong cảm xúc về tình đồng chí thiêng liêng: “Đồng chí!” cùng những hình ảnh thơ giàu sức gợi “đẩu súng trăng treo”. Bài thơ “Bài thơ về tiểu dội xe không kính” lại được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn – hiện thực. Cái khó khăn thiếu thốn không bị lảng tránh:

                     “Không có kính rồi xe không có đèn,

                     Không có mui xe thùng xe có xước”.

      Nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là sự ngang tàng, tinh nghịch của những người lính trẻ lạc quan yêu đời:

                     “Ung dung buồng lái ta ngồi

                     Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”

                     “ừ thì gió bụi”

                     “ừ thì ướt áo”,…

        Có thể nói, trong “Đồng chí” của Chính Hữu, nhà thơ đã dựng lên hình ảnh người lính với tình đồng đội thiêng liêng chia sẻ với nhau những khó khăn, cực nhọc của một cuộc sống kháng chiến gian nan, thiếu thốn. Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật lại khắc họa tuổi trẻ trẻ trung, yêu đời, yêu sống tinh nghịch và đầy ước mơ, lí tưởng của những người lính chống Mĩ.

         Tuy có những sự khác nhau do hoàn cảnh lịch sử chi phối như vậy song những người lính trong hai bài thơ vẫn mang những đặc điểm chung đáng quý của người lính quân đội nhân dân. Đó là tấm lòng yêu nước, yêu đồng chí, đồng đội.

         Vì tiếng gọi của non sông tất cả đã bỏ lại phía sau những “bến nước gốc đa”, những con phố, căn nhà và cả những người thân yêu nhất. Trong điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ thiếu thốn, thì tinh thần chiến đấu của những người lính lại bùng lên mạnh mẽ, sục sôi khí thế. Họ không nề nguy hiểm, khó khăn, vẫn vững lòng cầm chắc tay súng để bảo vệ quê hương, đất nước:

                     “Súng bên súng đầu sát bên đầu”

                     “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

                     Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

      Họ cũng sát cùng bên nhau, bên những người đồng đội để cùng chiến đấu dũng cảm. Nếu trong “Đồng chí” là:

                     “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

       Thì trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính hình ảnh đó đã trở nên thân quen:

                     “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”

      Không kể thiếu thốn, khó khăn, họ vẫn chấp nhận, vẫn vui vẻ lạc quan, yêu đời hơn. Cái bắt tay ấy là cả một tình đồng đội thiêng liêng, họ truyền cho nhau niềm tin chiến thắng, tình yêu và lòng dũng cảm ấy. Sống và chết, dường như trong tim mỗi người lính chiến đấu không hề có khái niệm ấy.

       Dù có những điểm giống và khác nhau rõ rệt nhưng điều đó càng khiến những người lính cụ Hồ hiện lên qua nhiều màu vẻ, sinh động và gần gũi. Điều đó trước hết giúp người đọc càng hiểu rõ hơn về những người lính. Hình ảnh của họ hiện lên thật đẹp đẽ, họ chính là biểu tượng, là niềm tin, khát vọng của nhân dân gửi gắm nơi họ. Ở các anh, người đọc nhận thấy một ánh sáng lí tưởng cao đẹp và thiêng liêng vô cùng. Không chỉ vậy, những nét khác biệt còn thể hiện từng phong cách riêng của mỗi tác giả trong phương thức thể hiện. Điều đó làm giàu, làm đẹp thêm cho vườn hoa nghệ thuật nước nhà.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *