Bức tranh tứ bình khắc họa vẻ đẹp trong hòa bình, chủ yếu khắc họa bằng bút pháp lãng mạn. Bức tranh Việt Bắc ra trận là vẻ đẹp trong thời chiến, khắc họa bằng khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Cho 2 đoạn thơ sau:
Đoạn 1:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
Đoạn 2:
Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miềm
Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
(Trích Việt Bắc – Sách Ngữ văn 12, Tập 1, NXBGD 2007)
Đoạn 1 thường được coi là bức tranh tứ bình của bài thơ Việt Bắc, còn đoạn 2 là bức tranh Việt Bắc ra trận. Hãy phân tích và so sánh vẻ đẹp của hai bức tranh ấy.
DÀN Ý CHI TIẾT
I. Mở bài: Giới thiệu chung
– Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, sự nghiệp thơ của ông song hành với sự nghiệp chính trị. Mỗi bước đi của cách mạng, thơ ông đều phản ánh. Viết vầ cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm gian khổ nhưng hào hùng, có tập thơ “Việt Bắc”
– Bài thơ “Việt Bắc” là một bản tình ca, đồng thời là bản hùng ca của lịch sử, ca ngợi cuộc kháng chiến của quân dân ta và khẳng định tấm lòng nghĩa tình, chung thủy của con người.
– Bức tranh tứ bình của bài thơ Việt Bắc, và bức tranh Việt Bắc ra trận có nhiều đặc sắc
II. Thân bài: Phân tích
1. Bức tranh tứ bình
a. Câu 1,2: Lời nhắn gửi ân tình
– Người ra đi hỏi người ở lại để khẳng định tấm lòng của mình.
– Câu thơ thứ nhất không đơn thuần là một lời hỏi mà còn ngầm chứa một thông điệp: không biết mình có nhớ ta không còn ta thì luôn nhớ mình. Nỗi nhớ được biểu mãnh liệt, tế nhị và sâu sắc.
– Câu 2: cụ thể hóa đối tượng của nỗi nhớ. Người về xuôi nhớ hoa và người Việt Bắc. Hoa là vẻ đẹp tươi tắn, mộng mơ của thiên nhiên; người là đối tượng đẹp nhất của cuộc sống. Hòa với vẻ đẹp thiên nhiên là con người Việt Bắc thuần hậu, ân tình.
– Chữ “nhớ” được điệp lại hai lần trong hai câu thơ khiến tâm trạng con người như trĩu xuống, có tác dụng khai mở cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt đoạn thơ là sự nhớ nhung thật sâu sắc, thấm thía.
b. 8 câu tiếp
– Tám câu thơ có kết cấu đặc biệt với 4 cặp lục bát, cứ một câu nói về thiên nhiên xen kẽ một câu nói về con người tạo nên bộ tứ bình đặc sắc về cảnh sắc bốn mùa Việt Bắc.
* Bức tranh mùa đông
– Thiên nhiên:
+ Được cảm nhận trên hai bình diện màu sắc: màu xanh thẫm của những núi rừng bạt ngàn và màu đỏ tươi của những bông hoa chuối nở bung rực rỡ.
+ Bản chất của mùa đông là giá lạnh tái tê nhưng bằng cảm quan cách mạng, Tố Hữu đã tạo nên ý thơ tương phản với thông thường. Trên nền xanh mênh mông của núi rừng đột ngột bừng lên màu hoa chuối đỏ tươi như những ngọn đuốc bập bùng giữa đại ngàn. Màu đỏ là gam màu nóng gợi sự ấm áp, tin yêu. Hình ảnh này kết hợp với ánh nắng chan hòa ở câu thơ thứ hai đã khắc họa được một mùa đông Việt Bắc ấm áp, nơi có Đảng và Bác Hồ, nơi chứa đựng niềm tin và sức mạnh của cả dân tộc.
+ Bức tranh mùa đông Việt Bắc thể hiện thế giới quan của nhà thơ cách mạng, luôn hướng về sự sống và ánh sáng.
– Con người:
+ Không phải ngẫu nhiên tác giả nhớ tới hình ảnh con người gắn với vị trí đèo cao. Con người đứng trênđỉnh đèo, ánh nắng chiều chiếu vào lưỡi dao gài ở thắt lung làm lóe sáng, làm nên hai mặt trời sóng đôi thú vị. Mặt trời của thiên nhiên ở trên cao và mặt trời của con người trên mặt đất. Hai hình ảnh hô ứng với nhau hài hòa khắc họa hình ảnh con người lên nương làm rẫy với một tư thế vững chắc, tự tin của con người làm chủ núi rừng.
+ Vẻ đẹp của con người sánh tựa trời đất, mang tầm vóc sử thi.
* Bức tranh mùa xuân
– Thiên nhiên “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”
+ Mùa xuân thiên nhiên khoác lên núi rừng tấm áo màu trắng tinh khiết dệt bằng hoa mơ, cho núi rừng tràn đầy sắc xuân.
+ Đây là vẻ đẹp đặc trưng của Việt Bắc khi xuân về. Hai chữ “trắng rừng” là một sự sáng tạo ngôn ngữ thơ ca của Tố Hữu. Chữ “trắng” về bản chất là tính từ, nhưng ở đây đã được động từ hóa, gợi sự chuyển biến về màu sắc cùng với bước đi của thời gian. Người đọc có cảm giác cả núi rừng Việt Bắc bỗng chốc bừng sáng vì sắc trắng của hoa mơ, thời gian luân chuyển từ đông sang xuân.
⟹ Với màu trắng của hoa mơ, Tố Hữu đã gợi được vẻ đẹp trong sáng, tràn đầy sức sống, một không gian thoáng rộng bao la của Việt Bắc khi xuân về.
– Con người:
+ Hành động: Đan nón chuốt từng sợi giang gợi phẩm chất chăm chỉ tài hoa của con người Việt Bắc. Người Việt Bắc trở thành một nghệ sĩ trong lao động, đan nên những chiếc nón giản dị, duyên dáng, thấm đẫm màu sắc văn hóa Việt Nam.
+ Ý thơ còn thấm đượm tinh thần cách mạng. Người Việt Bắc đan nên những chiếc nón, chiếc mũ gửi tặng bộ đội, dân công ra hỏa tuyến. Đây là hình ảnh của một thời gian khó mà hào hùng của dân tộc ta.
* Bức tranh mùa hè
– Thiên nhiên: Ve kêu rừng phách đổ vàng
+ Bức tranh thiên nhiên mùa hè được miêu tả bằng cả âm thanh và màu sắc.
+ Hai chữ “đổ vàng” diễn tả ba cực chuyển đổi:
> Chuyển đổi trong không gian, âm thanh đánh thức màu sắc . Chỉ trong chốc lát, cả khu rừng nhất loạt nhuộm sắc vàng kì ảo.
> Chuyển đổi thời gian: màu vàng của rừng phách đã đưa thiên nhiên từ mùa xuân sang hè.
> Chuyển đổi cảm giác: từ thính giác để nghe âm thanh chuyển sang thị giác để cảm nhận màu sắc.
+ Chữ “đổ” là một sáng tạo của Tố Hữu. Ta ngỡ tiếng ve như một bát màu sóng sánh đổ loang, nhuộm vàng rừng phách khi hạ về.
– Con người:
+ Hình ảnh “cô em gái hái măng một mình” khắc họa vẻ đẹp của con người Việt Bắc chịu thương chịu khó, đồng thời còn là hình ảnh của con người tâm tình đọng lại trong nỗi nhớ thương của người về xuôi.
+ Hai chữ “một mình” thể hiện chiều sâu của nhớ thương trong xa cách miền ngược và miền xuôi.
* Bức tranh mùa thu
– Thiên nhiên:
+ Nếu ở ba mùa trên là cảnh ban ngày thì bức tranh mùa thu là cảnh đêm trăng Việt Bắc.
+ Tứ thu mở ra hai chiều không gian cao rộng của núi rừng mùa thu trong đêm trăng. Hai chữ “trăng rọi” gợi hình ảnh ánh trăng kẻ một đường cao từ bầu trời xuống núi rừng thẳng tắp. Từ đó gợi được vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng của núi rừng.
+ Khung cảnh thiên nhiên đêm thu còn gợi không gian tâm tình cho cuộc chia tay, phù hợp với khúc hát giao duyên của người đi kẻ ở.
-Con người: “Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
+ “Nhớ ai” là một lời hỏi, đại từ “ai” mang tính phiếm chỉ, tạo cảm giác bâng khuâng lưu luyến trong nỗi nhớ.
+ Cái hay ở chỗ: Tố Hữu đã tạo ra một kết cấu hô ứng thú vị, mở đầu đoạn thơ là câu hỏi “Ta về mình có nhớ ta”, kết thúc đoạn thơ cũng là một câu hỏi nhưng đã bao hàm câu trả lời. Cả ta và mình cùng chung nỗi nhớ, cùng một tấm lòng son sắt lắng đọng.
+ Âm tình thủy chung: đã chạm đúng vào gốc rễ của đạo lí dân tộc, nâng niu cội nguồn ân tình ân nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”. Đây là vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn con người Việt Nam.
2. Bức tranh Việt Bắc ra trận
a. Hình ảnh những con đường ra trận: (câu 1,2)
– Hai câu thơ “Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung” tái hiện lại không khí của thời đại kháng chiến chống Pháp. Từ mọi miền đất nước, những đoàn quân cùng dân công hướng về mặt trận với sự sôi động của những ngày tổng tiến công.
– Cụm từ “những đường Việt Bắc” vừa gợi ra một không gian rộng lớn khắc họa hình ảnh những con đường cụ thể trải khắp núi rừng, đồng thời còn mang ý nghĩa biểu tượng cho con đường cách mạng, con đường kháng chiến như Tố Hữu đã từng ngợi ca “Đường cách mạng dài theo kháng chiến”.
– Hình ảnh những con đường Việt Bắc đi liền với hai chữ “của ta” khắc họa tư thế làm chủ, tự tin, vững mạnh của quân và dân ta, đồng thời khẳng định Việt Bắc là mảnh đất tự do với một niềm tự hào sâu sắc.
– Hình ảnh con đường ra trận được đặc tả trong thời gian “đêm đêm”. Từ láy hoàn toàn này thể hiện một thời gian liên tục, gợi hình ảnh đoàn quân nối tiếp, bền bỉ, bất tận từ đêm này sang đêm khác.
– Hai chữ “rầm rập” vừa gợi âm thanh vừa gợi hình ảnh diễn tả được sự đông vui, náo nức và sức mạnh của quân dân ta.
– Câu thơ sử dụng nghệ thuật so sánh “Đêm đêm rầm rập như là đất rung” kết hợp với nhịp thơ nhanh, mạnh, âm hưởng thơ tưng bừng rộn rã khiến ta có cảm giác cả núi rừng như đang rung chuyển bởi sức mạnh của con người. Sức mạnh con người được đo bằng thước đo sông núi.
b. Hình ảnh đoàn quân (câu 3,4)
– Hai câu thơ xuất hiện từ láy mang giá trị tạo hình, biểu cảm “điệp điệp”, “trùng trùng” đã miêu tả hình ảnh đoàn quân ra trận dài vô tận tựa như núi rừng trùng điệp, đông đảo, mạnh mẽ.
– Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan: Hình ảnh thơ kết hợp cảm hứng hiện thực và lãng mạn:
+ Đây là cảnh thực, người lính hành quân trong đêm có sao sáng dẫn đường, có thiên nhiên làm bạn.
+ Ý nghĩa tượng trưng: Cảm nhận như đất trời đang hành quân cùng người lính hay chính tầm vóc sừng sững của người lính vươn tới sao trời. Hình ảnh này ta từng gặp trong thơ Chính Hữu, nếu trăng trong thơ Chính Hữu biểu tượng cho khát vọng hòa bình thì ánh sao của Tố Hữu mang vẻ đẹp lí tưởng của niềm lạc quanchiến thắng. Từ đó khắc họa hình ảnh người lính anh hùng nhưng rất giản dị, lãng mạn.
+ Hình ảnh thơ còn khắc họa sức mạnh tư thế, vóc dáng của người lính sánh tựa sao trời. Đó là sức mạnh mang tầm vóc sử thi, là cảm hứng ngợi ca thường gặp trong thơ Tố Hữu.
c. Hình ảnh dân công (câu 5,6)
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
– Hai câu thơ khắc họa hình ảnh dân công sẻ núi san đường, tải lương thực, quân nhu ra chiến trường. Đây là hình ảnh rất hoành tráng của cuộc chiến tranh nhân dân
– Hình ảnh “đỏ đuốc từng đoàn” vừa gợi sự tấp nập đông vui vừa là biểu tượng cho ngọn lửa nhiệt huyết của lí tưởng sẵn sàng chiến đấu vì Tổ quốc, vừa là ngọn lửa ấm áp, nghĩa tình mà hậu phương dành cho tiền tuyến.
– Cách đặc tả Bước chân nát đá muôn tàn lửa baylấy ý tứ câu ca dao “trông cho chân cứng đá mềm” đã phản ánh sức mạnh diệu kì của nhân dân ta. Đó là sức mạnh lấn át cả thiên nhiên đất trời. Chính sức mạnh ấy đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
d. Hướng vào tương lai thể hiện niềm tin chiến thắng (câu 7,8)
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
– Hình ảnh thơ bắt nguồn từ cảm xúc hiện thực, đó là hình ảnh những đoàn xe nối đuôi nhau ra chiến trường, ánh đèn pha bật sáng xé tan màn đêm của núi rừng. Từ hình ảnh hiện thực này, Tố Hữu muốn ca ngợi sức mạnh của lực lượng cơ giới quân đội ta mới ngày nào còn yếm thế “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù” trong những ngày tháng gian khó “Mênh mông bốn mặt sương mù” vậy mà giờ đây ánh đèn pha bật sáng đầy sức mạnh.
– Biện pháp nghệ thuật đối lập có tác dụng khẳng định niềm tin của con người vào ngày mai.
– Hai câu thơ còn mang ý nghĩa biểu tượng, ẩn dụ:
+ Nghìn đêm thăm thẳm sương dày: muốn nói đến những năm tháng đau thương, nô lệ của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai.
+ Đèn pha bật sáng như ngày mai lên: là biểu tượng cho ngày mai tươi sáng, cho độc lập, tự do của dân tộc.
⟹ Hai câu thơ mang niềm lạc quan, tin tưởng mãnh liệt với âm hưởng lãng mạn cách mạng đã dựng nên bức tượng đài nước Việt Nam đi từ đau thương đến quật khởi, anh hùng: Nước Việt Nam từ trong máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
* Niềm vui chiến thắng (còn lại)
– Tố Hữu có cách diễn đạt đặc sắc, biến hóa để để diễn tả niềm vui chiến thắng dồn dập, giòn giã.
– Chất sử thi thấm đượm trong hình ảnh, từ ngữ mang sức mạnh của thiên nhiên vũ trụ, ở nhịp điệu dồn dập của chiến thắng.
– Sự xuất hiện của các địa danh diễn tả sức mạnh của dân tộc và những chiến thắng vang dội.
Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao- Lạng, nhớ sang Nhị Hà…
Nhắc lại những chiến thắng ấy trong một niềm hào sảng cũng chính là biểu hiện của sự tri ân đối với thiên nhiên và con người Việt Bắc đã hợp sức, giúp đỡ.
– Hình tượng cả dân tộc đứng lên:
Những đường Việt Bắc của ta
… Vui lên Việt Bắc, Đèo De, Núi Hồng
Khép lại đoạn thơ, tác giả cũng phác thảo ra một bản đồ vui toả rộng khắp đất nước báo tin chiến thắng:
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, Đèo De, Núi Hồng
Nhịp thơ dồn dập, tươi vui, náo nức cùng với sự xuất hiện của một loạt các địa danh trăm miền gắn với các tin vui chiến thắng đã cho thấy tốc độ thần kì của thắng lợi. Hệ thống từ vui về, vui từ, vui lên… mặc nhiên đã đặt Việt Bắc vào tâm điểm của mọi niềm vui, từ VB niềm vui toả đi, và từ khắp nơi tin vui bay lại Việt Bắc. Chiến thắng ấy trải dài khắp mọi miền Tổ quốc tạo nên ngày hội chiến thắng của toàn thể dân tộc ta.
– Câu thơ lục bát không trôi đi theo nhịp điệu êm ả ngọt ngào như lời ru mà chuyển sang nhịp hối hả, náo nức. Đó là nhịp hành quân như vũ bão, nhịp chiến thắng liên tiếp. Âm hưởng trữ tình da diết đã chuyển sang âm hưởng sử thi hào hùng.
⟹ Đoạn thơ sử dụng bút pháp sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đối với người Việt Bắc, Việt Bắc không chỉ có những ân tình, ân nghĩa thủy chung mà còn rất can trường, dũng cảm. Vì thế Việt Bắc không chỉ là khúc ca ân tình mà còn là khúc ca hùng tráng tràn đầy niềm tin, không chỉ là bản tình ca mà còn là bản hùng ca của dân tộc.
3. So sánh
* Giống nhau:
– Hai đoạn thơ đều khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên và con người Tây Bắc
⟹ Lòng yêu đất nước, quê hương của tác giả.
* Khác nhau:
– Bức tranh tứ bình khắc họa vẻ đẹp trong hòa bình, chủ yếu khắc họa bằng bút pháp lãng mạn. Bức tranh Việt Bắc ra trận là vẻ đẹp trong thời chiến, khắc họa bằng khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
III. Kết bài: Kết luận lại vấn đề:
– Cả 2 đoạn thơ đều khắc hoạ nên hình ảnh Tây bắc đầy thơ mộng trữ tình, nhưng mỗi đoạn lại mang một vẻ đẹp riêng biệt, không trộn lẫn.
Chia sẻ: Tailieuhay.net