Đề số 24 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4

Đề 24 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt lớp 4

I. ĐỌC HIỂU

TÀN NHANG

    Trong một góc công viên, rất nhiều trẻ con đang xếp hàng chờ được một hoạ sĩ trang trí lên mặt để trở thành những “người da đỏ” hay “người ngoài hành tinh”… Một cậu bé cũng nắm tay bà xếp hàng chờ đến lượt mình. Mặt cậu bé rất nhiều đốm tàn nhang nhỏ, nhưng đôi mắt thì sáng lên vì háo hức. – Cậu lắm tàn nhang thế, làm gì còn chỗ nào trên mặt mà vẽ ! – Cô bé xếp hàng sau cậu bé nói to.

    Ngượng ngập, cậu bé cúi gằm mặt xuống. Thấy vậy, bà cậu ngồi xuống bên cạnh :

    –  Sao cháu buồn thế ? Bà yêu những đốm tàn nhang của cháu mà ! Hồi còn nhỏ, lúc nào bà cũng mong có tàn nhang đấy ! – Rồi bà cụ đưa những ngón tay nhăn nheo vuốt má cậu bé. – Tàn nhang cũng xinh lắm, chắc chắn chú hoạ sĩ sẽ thích những vết tàn nhang của cháu !

    Cậu bé mỉm cười :

    –  Thật không bà ?

    –  Thật chứ ! – Bà cậu đáp. – Đấy, cháu thử tìm xem thứ gì đẹp hơn những đốm tàn nhang !

    Cậu bé nhìn bà, suy nghĩ một chút rồi thì thầm :

    –  Những nếp nhăn, bà ạ !

(KD)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :

1. Cậu bé và nhiều trẻ em khác xếp hàng chờ trong công viên để làm gì ?

a. Chờ đến lượt chơi một trò chơi.

b. Chờ được phát quà.

c. Chờ được người hoạ sĩ vẽ lên mặt.

2. Điều gì xảy ra khiến cậu bé buồn bã, ngượng ngập ?

a. Đến lượt cậu thì người hoạ sĩ hết màu vẽ.

b. Bị cô bé xếp hàng sau chê mặt cậu nhiều tàn nhang quá chẳng còn chỗ nào mà vẽ.

c. Bị ngưòi hoạ sĩ chê xấu không vẽ.

3. Bà cậu bé đã an ủi cậu bằng cách nào ?

a. Nói rằng những đốm tàn nhang cũng rất đáng yêu và chú hoạ sĩ chắc chắn sẽ thích.

b. Nói rằng chẳng việc gì phải xấu hổ vì ai mà chẳng có điểm yếu.

c. Nói rằng cô bé kia thậm chí còn xấu hơn cậu nhiều.

4. Câu trả lời cuối cùng của cậu bé muôn nói điều gì ?

a. Cậu rất thích những ngưòi có nếp nhăn.

b. Cậu thấy những nếp nhăn rất đẹp.

c. Trong đôi mắt cậu, những nếp nhăn của bà rất đẹp và cậu rất yêu những nếp nhăn ấy.

5. Câu chuyện muốn nói với em điều gì ?

a. Hãy luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương.

b. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

c. Trông mặt mà bắt hình dong.

II.  LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Trong các câu sau đây, câu nào là câu kể Ai là gì ?

a. Sao cháu buồn thế ?

b. Hồi còn nhỏ, lúc nào bà cũng mong có tàn nhang như cháu đấy !

c. Những đốm tàn nhang của cháu là thứ mà bà rất yêu.

2. Vị ngữ trong câu sau là gì ?

Cậu bé có những đốm tàn nhang trên mặt là cháu của bà cụ ngồi trên ghế đá.

a. Là cháu của bà cụ ngồi trên ghế đá.

b. Cháu của bà cụ ngồi trên ghế đá.

c. Bà cụ ngồi trên ghế đá.

3. Ghép từ ngữ ở cột A với từ ngữ thích hợp ở cột B để tạo thành câu kể Ai là gì ?

Đề số 24 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4

4. Đặt câu kể Ai là gì ? với các từ ngữ sau làm vị ngữ :

a) là nơi em sinh ra và lớn lên.

b) là thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.

c) là kì quan thế giới.

d) là dòng sông đỏ nặng phù sa.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

“… Đấy, cháu thử tìm xem thứ gì đẹp hơn những đốm tàn nhang !

Cậu bé nhìn bà, suy nghĩ một chút rồi thì thầm :

    –  Những nếp nhăn, bà ạ !”

Qua câu nói của bà và cậu bé, em hiểu họ muốn nói điều gì với nhau ?

IV. TẬP LÀM VĂN

1. Tóm tắt bản tin sau đây bằng 3 câu :

VẼ TRANH VỀ MÔI TRƯỜNG

Ngày Chủ nhật vừa qua, một cuộc thi vẽ tranh đặc biệt đã được tổ chức. Cuộc thi mang tên “Thế giới của tôi, ngôi nhà của tôi” về chủ đề môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm hoạt động môi trường cho các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng phối hợp phụ trách.

Cuộc thi đặc biệt bởi các cây cọ là những học sinh khiếm thị và khuyết tật của hai trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Đình Chiểu và Xã Đàn (Hà Nội) được mời tham gia. Rất thú vị là những vấn đề môi trường như ô nhiễm ảnh hưởng tới cuộc sống, tới sinh thái tự nhiên của các loài sinh vật ; nạn khí thải ; xả rác bừa bãi,… đã được miêu tả sinh động trong các bức tranh của những bạn nhỏ “đặc biệt” này.

Kết quả, Ban tổ chức đã trao 4 giải A, 8 giải B, 12 giải c và 15 giải Khuyến khích cho những cây cọ có bài dự thi xuất sắc. Bạn Cao Hải Yến (học sinh khiếm thị, trường THCS Nguyễn Đình Chiểu) đoạt giải Đặc biệt.

(Theo báo Thiếu niên tiền phong)

2. Em hãy viết phần tóm tắt in đậm cho bài báo Vẽ tranh về môi trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *