I – Gợi dẫn 1. Nam Cao (1917 – 1951) tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình nông dân làng Đại Hoàng, thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, (nay thuộc xã Hoà Hậu, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam)
Làng Đại Hoàng nằm trong vùng đồng chiêm trũng, nông dân khi xưa quanh năm nghèo đói, lại bị bọn cường hào ức hiếp, đục khoét tàn tệ. Nam Cao là người duy nhất trong gia đình được ăn học tử tế. Cuộc sống của ông cũng khá lận đận. Trước năm 1943, Nam Cao sống cuộc sống của một trí thức tiểu tư sản nghèo, khi là anh giáo khổ trường tư, khi là nhà văn sống lay lắt bằng ngòi bút. Cuộc sống khốn khó và bế tắc mà hàng ngày được chứng kiến và trải qua đã là những chất liệu hiện thực quan trọng để Nam Cao viết nên những tác phẩm có giá trị hiện thực và tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Từ 1943, Nam Cao tham gia nhóm Văn hoá cứu quốc do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Từ đó ông tích cực tham gia cách mạng. Với tâm huyết và tài năng của một nhà văn chân chính, luôn có trách nhiệm với ngòi bút của mình, nhà văn đã để lại những tác phẩm có giá trị cho văn học Việt Nam.
2. Trước Cách mạng, sáng tác của Nam Cao tập trung khai thác đề tài đời sống người nông dân và trí thức tiểu tư sản nghèo. Trong đó, nhà văn chú ý đến tấn bi kịch tinh thần của con người. Với giọng văn lạnh và sắc, Nam Cao đã lách sâu vào nỗi đau ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn những số phận nhỏ bé trong xã hội cũ để cảm thông, để khẳng định những giá trị đẹp đẽ và lên án những thế lực đã tàn phá những phẩm chất đẹp đẽ trong con người. Chí Phèo là tác phẩm thực hiện xuất sắc mục đích nghệ thuật rất nhân bản ấy.
3. Nhân vật Chí Phèo thể hiện tấn bi kịch tinh thần lớn nhất của con người, đó là bi kịch bị tha hoá. Những thế lực tàn bạo đã tước đoạt của người nông dân chất phác hiền lành những khát vọng và ước mơ về một cuộc sống lương thiện, biến họ thành kẻ lưu manh. Và khi lương tâm thức tỉnh, họ đã phải tự kết thúc đời mình khi nhận ra rằng mình không còn con đường trở về với cuộc sống lương thiện. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm đều được tập trung ở nhân vật Chí Phèo. Tác phẩm phản ánh hai mâu thuẫn gay gắt và tiêu biểu nhất trong xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám: mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị với nhau và mâu thuẫn giữa bọn cường hào ác bá với người nông dân. Các nhân vật trong truyện đều đạt đến trình độ điển hình.
4. Đọc diễn cảm. Chú ý lời dẫn chuyện và giọng đối thoại thể hiện đặc điểm riêng của mỗi nhân vật.
II – Kiến thức cơ bản
Nam Cao là một trong những nhà văn lớn trong nền văn học Việt Nam, nhiều sáng tác của ông có thể coi là kiệt tác. ở chủ đề viết về người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, truyện ngắn Chí Phèo vẫn được coi là thành công xuất sắc.
So với một số sáng tác khác của Nam Cao, truyện ngắn Chí Phèo có phạm vi phản ánh tương đối rộng và nhất là có sức khái quát xã hội cao. Có thể nói, làng Vũ Đại trong tác phẩm là hình ảnh chân thực, thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Chí Phèo đi sâu miêu tả, phân tích các quan hệ xã hội làng quê dưới chế độ cũ. Đó là những mối quan hệ đầy mâu thuẫn và mâu thuẫn rất gay gắt. Trước hết, đó là những mâu thuẫn thường xuyên trong nội bộ giai cấp thống trị, bọn chúng chẳng khác nào “đàn cá tranh mồi”, làng Vũ Đại ở thế “quần ngư tranh thực”. “Mồi thì ngon đấy, nhưng có dăm bè bảy bối, bè nào cũng muốn ăn”. Do đó, một mặt chúng cấu kết với nhau để bóc lột nông dân, mặt khác chúng lại luôn luôn rình cơ hội trừng trị lẫn nhau, mong cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ, để cho nhau “ăn bùn”. Chính mâu thuẫn này có liên quan đến số phận những cố nông nghèo khổ như Binh Chức, Chí Phèo… Nó cũng liên quan đến mâu thuẫn đối kháng gay gắt giữa người nông dân với địa chủ. Nam Cao cũng đi sâu vào việc phản ánh mâu thuẫn đối kháng giai cấp giống nhiều cây bút hiện thực như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…
Trong truyện ngắn Chí Phèo, qua hình tượng nhân vật Bá Kiến, toàn bộ bộ mặt tàn ác xấu xa của giai cấp thống trị đã bị phơi bày. Bá Kiến điển hình cho những tên địa chủ cường hào, ác bá ở các làng xã Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Nam Cao đã miêu tả sinh động bản chất gian hùng của một tên địa chủ cáo già trong nghề thống trị. Một Bá Kiến với kiểu nói “rất sang”, với lối nói ngọt nhạt, với cái cười Tào Tháo, bao giờ cũng làm cho kẻ yếu bóng vía phải sợ. Nhất là những màn độc thoại của bá Kiến, nhà văn đã để cho nhân vật tự phơi bày những tính toán lọc lõi của mình, những âm mưu, những thủ đoạn xảo quyệt trong việc đàn áp và thống trị nhân dân. Hắn biết “mềm nắn rắn buông, thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân, bám lấy thằng có tóc ai bám thằng trọc đầu…”. Hắn nghiệm ra rằng: “Một người khôn ngoan nên bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy nó xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn, đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vứt trả lại năm hào “vì thương anh túng quá”. Và cũng phải tuỳ mặt nữa…”. Hắn cũng nhận ra rằng “những thằng tứ cố vô thân giết chết chúng nó thì dễ, nhưng giết được, chỉ còn có xương, mà lại mở một dịp tốt cho các phe nghịch nó xoay lại mình…”, “Bỏ tù nó thì dễ nhưng ngày ra tù nó chẳng để cho mình yên thân”. Nếu bóc lột con em nông dân quá mức là dại, bởi vì “mười thằng bị đẩy ra khỏi làng thì cả mười khi trở về đều giở toàn những giọng uống máu người hôi tanh…”. Đó là những tính toán, kinh nghiệm của một kẻ xảo quyệt. Hơn ai hết, bá Kiến áp dụng một quỷ kế “trị không lợi thì cụ dùng”. Hắn biết uốn mình mềm dẻo theo các thủ thuật lúc cương lúc nhu, hắn giương lên các bẫy đường mật để dụ những kẻ mất cảnh giác, hắn dùng vật chất để ràng buộc những ai nhẹ dạ, hắn thu nạp dưới trướng những kẻ đầu bò đầu bướu không sợ đi ở tù làm tay sai thân tín… Cách đối xử của bá Kiến với Chí Phèo thể hiện đầy đủ bản chất gian ngoan của bá Kiến. Nam Cao không đi sâu vào miêu tả đời tư thối nát của hắn mà chỉ tập trung thể hiện mối quan hệ với nông dân, chính vì thế bá Kiến có một cá tính khác biệt với nhiều điển hình về giai cấp thống trị của văn học hiện thực phê phán đương thời. Với sự gian hùng và xảo quyệt ấy, những kẻ như bá Kiến đã biến những người nông dân chất phác hiền lành thành những tên lưu manh, đã cướp đi của họ phần Người quý giá và đẩy họ vào con đường không lối thoát.
Giá trị lớn nhất của truyện ngắn Chí Phèo là đi sâu thể hiện bi kịch của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Trong tác phẩm, nhà văn tập trung chủ yếu làm nổi bật hình tượng trung tâm Chí Phèo. Có thể nói, Chí Phèo là điểm hội tụ những giá trị nhân đạo sâu sắc nhất của tác phẩm. Trước hết, Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật, là sản phẩm của làng quê Việt Nam trước Cách mạng với những “cụ tiên chỉ” như bá Kiến. Đó là hình tượng người lao động lương thiện bị đè nén bóc lột đến cùng cực đã chống trả lại xã hội bằng con đường lưu manh. Bá Kiến đẩy Chí Phèo – một anh canh điền hiền lành chất phác cũng có biết bao ước mơ như “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”- thành một con quỷ dữ. Nhà tù thực dân cùng bá Kiến làm biến chất Chí Phèo. Anh trai cày hiền lành, chăm chỉ thành một kẻ khác hẳn với “cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!… Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ”. Và Chí không phải là hiện tượng cá biệt. Hiện tượng này được coi là khá phổ biến. Trong nhiều truyện ngắn, nhà văn cũng xây dựng hàng loạt những nhân vật như vậy, do thái độ đối xử của xã hội mà trở nên ngang ngược bất trị như Trạch Văn Đoành, anh cu Lộ, Binh Chức… Như vô tình, tác giả đã nhắc đến những Binh Chức, những Năm Thọ khi nói về thân phận những kẻ đi tù về trở thành kẻ khác. Nhưng nỗi bất hạnh của Chí không chỉ dừng ở chỗ không được làng coi là con người, bị mọi người hắt hủi, tâm trạng cô đơn của Chí cứ kéo dài triền miên trong suốt mấy chục năm của cuộc đời, mọi người đều tránh mặt hắn, không ai thèm ra lời, hắn bị tước quyền làm một con người chỉ vì cái xã hội tàn ác đẩy đến bước đường cùng không lối thoát. Khi gặp thị Nở, lần đầu tiên từ khi trở về làng Chí mới hoàn toàn tỉnh táo để nhớ lại những ước mơ về hạnh phúc bình dị. Đó cũng là lúc Chí nhận ra hiện thực đau khổ của mình. Trận ốm là dấu hiệu của tuổi già, đã yếu đi nhiều, ý thức về tương lai chỉ còn đói rét ốm đau và cả cô đơn mà “cô đơn thì đáng sợ hơn đói rét và ốm đau nhiều lần”, đã khiến Chí nhận thức sâu sắc về nỗi cô đơn của mình. Phản ứng của bà cô thị Nở dẫn đến thái độ của thị đối với Chí đã đẩy Chí vào tâm trạng tuyệt vọng của con người khao khát lương thiện nhưng đã bị chặn đứng lại một cách phũ phàng. Nhà văn đã hoá thân vào nhân vật để thể hiện nỗi đau, sự tuyệt vọng đến cực điểm của nhân vật. Đang hạnh phúc, đang khao khát, đang chờ đợi nhưng sự trở lại của thị Nở thật phũ phàng với Chí. Thay cho hạnh phúc và tình người ấm áp mà Chí đang chờ đợi là những lời sỉ vả. Chí hoàn toàn sụp đổ : “Hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu, hắn bỗng nhiên ngẩn người. Thoáng một cái, hắn lại như hít thấy hơi cháo hành”. Nhà văn đã diễn đạt thật chính xác và tội nghiệp tâm trạng bi kịch của Chí, một bi kịch cay đắng và đau xót nhất, khi con người nhận ra mình đã không còn một cơ hội nào nữa để được là một con người bình thường. Bi kịch tuyệt vọng đến cực điểm của một người nhận ra rằng mình đã không còn gì để hi vọng nữa, “Hắn cứ ngồi ngẩn mặt, không nói gì… Hắn sửng sốt, đứng lên gọi lại… Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khoèo xuống sân…”. Có lẽ trong văn học, kể cả những kiệt tác, không có nhiều những tình tiết như thế này. Bao nhiêu tình thương, sự cảm thông với Chí và sự căm giận đối với bọn người như bá Kiến đã dồn cả ở đoạn văn này. Tài năng và tấm lòng đối với người nông dân của Nam Cao đã kết tinh và thể hiện sâu sắc nhất ở đoạn miêu tả phản ứng của Chí Phèo trước sự từ chối dữ dội của thị Nở.
Nhập thân vào nhân vật và cảm nhận nỗi đau đớn tuyệt vọng của một con người, nhà văn đã thể hiện được nỗi đau nhân loại. Nhà văn đã miêu tả một lần uống rượu đặc biệt nhất trong cuộc đời Chí. Chí lại lôi rượi ra uống nhưng càng uống hắn lại cảng tỉnh: “hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”. Đó là hương vị của tình yêu, của niềm hạnh phúc, niềm hạnh phúc ấy lần đầu tiên Chí được hưởng cho nên nó khó phai mờ trong tâm trí của anh. Sự tỉnh táo khiến cho Chí thấy tiếc hạnh phúc mà mình đã có và nhận ra sự thực cay đắng, chua chát trong lời bà cô thị Nở. Anh tuyệt vọng khi nhận ra hạnh phúc không bao giờ đến với anh, dù đó là hạnh phúc nhỏ nhoi nhất (được làm vợ chồng với người đàn bà dở hơi lại có mả hủi), vì sự thù ghét của xã hội. Anh hiểu được ý nghĩa sâu sắc trong lời của bà cô thị Nở: “Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ”.
Trong cơn đau đớn và tuyệt vọng ấy, định đi đến nhà thị Nở nhưng đôi chân lại đưa Chí đến nhà bá Kiến. Không phải Chí say rượu mà đi nhầm, mặc dù nhà văn đã giải thích: “Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm”. Đó chính là lúc Chí tỉnh táo. Anh đã hiểu và tìm đúng kẻ đã cướp đi của anh tất cả. Câu hỏi “Ai cho tao lương thiện?” chính là lời nói xuất phát của một quá trình suy nghĩ chín chắn của Chí và cũng là chi tiết thể hiện nỗi đau lớn nhất của một người tuyệt vọng. Chọn cách giải quyết cho số phận của mình là giết bá Kiến và tự sát chứng tỏ anh hoàn toàn tỉnh táo. Đây là lời tố cáo quyết liệt của nhà văn đối với xã hội có những kẻ cầm quyền như bá Kiến. Bọn người thâm hiểm, tham lam và tàn độc ấy đã cướp đi của con người bản chất lương thiện. Cướp đi của người khác bất cứ thứ gì cũng là tội ác, nhưng cướp đi của con người hạnh phúc, ước mơ, bản chất lương thiện là tội ác dã man nhất, nó dã man hơn cả tội giết người. Đó là một kiểu giết người không dao, một kiểu hành hạ con người tàn độc nhất.
Cái chết tức tưởi và tuyệt vọng của Chí khi anh đứng trước cánh cửa khoá quá chặt của ngôi nhà lương thiện là điểm nút của tấn bi kịch cuộc đời người nông dân vốn có bản chất lương thiện. Khát khao được xây dựng hạnh phúc với thị Nở, được có một gia đình, được thức tỉnh sau bao năm làm quỷ dữ chỉ nhờ một bát cháo hành và bàn tay chăm sóc vụng về của một người đàn bà dở hơi chứng tỏ con người ấy vẫn hoàn toàn là một con người. Qua chi tiết này, nhà văn đã khẳng định lương thiện vốn là rễ phẩm chất Người trong những người nông dân. Những mưu mô xảo quyệt và quyền lực của bọn thống trị độc ác chỉ khiến cho cái ác đẩy nó ra phía sau chứ không thể huỷ diệt nó, bởi suy cho cùng, hạnh phúc là khao khát và ước mơ của mọi con người dù họ là ai và thuộc tầng lớp nào. Trong các sáng tác của mình, nhà văn Nam Cao luôn thể hiện một cách nhiệt thành chân lí ấy. Trong nhiều tác phẩm, dù để nhân vật bị tha hoá đến mức nào, nhà văn cũng không để họ hoàn toàn đánh mất mình, vẫn để họ nhận ra bi kịch và nhớ lại mình, dù họ là bất cứ ai, trí thức hay nông dân (lão Hạc, Hộ, Điền, Thứ, anh cu Lộ…). Đây chính là điều làm nên giá trị nhân bản cho sáng tác của Nam Cao, là nơi thể hiện niềm tin của nhà văn đối với phẩm chất lương thiện của con người.
Phản ánh hiện thực để tố cáo tội ác và đòi quyền sống cho con người là mục đích nhân văn mà tác phẩm của Nam Cao luôn hướng đến. Vì thế nhà văn đã không chỉ lặp lại nhiều lần kiểu nhân vật bị tha hoá mà còn xây dựng những điển hình nghệ thuật. Qua nhân vật Chí Phèo, nhà văn khái quát lên số phận bi kịch bị tha hoá của người lương thiện. Việc Chí Phèo tự vẫn sau khi giết bá Kiến chứng tỏ anh đã bị đẩy đến con đường cùng. Nhưng chắc chắn vẫn sẽ có Chí Phèo khác bởi mới chỉ một bá Kiến chết đi, còn nhiều bá Kiến khác lớn lên và lại nhiều Chí Phèo được sinh ra. Bởi thế mới có chi tiết kết thúc tác phẩm nghe tin Chí Phèo chết Thị Nở “nhớ lại những lúc ăn nằm với hắn… nhìn nhanh xuống bụng…”. Và đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua. Thị Nở đã nghĩ đến điểm bắt đầu cho một vòng đời oan nghiệt. Rõ ràng, Nam Cao muốn khẳng định hiện tượng Chí Phèo chưa thể chấm dứt. Khi nào xã hội còn tàn ác, còn áp bức bất công thì sẽ còn những con người khốn khổ bị đẩy vào con đường lưu manh, tội lỗi. Sự vô lương tâm của kẻ cầm quyền và những định kiến xã hội sẽ giết chết bất cứ ai, dù người đó sống trong xã hội nào. Điều mà Nam Cao nói ở Chí Phèo vẫn có một giá trị rất lâu dài.
Với giọng văn sắc lạnh và tỉnh táo, nhà văn đã phản ánh thật chính xác và chân thực hiện thực xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. ẩn đằng sau vẻ sắc lạnh và tỉnh táo ấy là một tấm lòng nhân hậu, một tâm hồn nhạy cảm luôn tràn đầy tình yêu thương đối với con người. Nhìn thấy những bi kịch của cuộc đời nhưng nhà văn không bi quan mà luôn tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con người.
Tác phẩm của Nam Cao có giá trị hiện thực vững bền. Nhà văn không đi sâu phản ánh sự khổ cực vì đói nghèo của người nông dân, mà đi sâu khai thác những dằn vặt về tinh thần của con người. Đây là bi kịch của cả nhân loại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những bi kịch tinh thần. Bi kịch tinh thần của các nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao là bi kịch bị tha hoá, và nguyên nhân sâu xa nhất của những bi kịch ấy là sự áp bức của giai cấp thống trị trong xã hội. Vì vậy tác phẩm của Nam Cao luôn có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Nhắc đến sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám là nhắc đến những bi kịch tinh thần được thể hiện rất sâu sắc và tinh vi. Những điều được chứng kiến, những trải nghiệm, những dằn vặt của chính bản thân và tấm lòng thiết tha tình đời là điều cốt lõi nhất làm nên những truyện ngắn có giá trị nhân văn đặc sắc như Chí Phèo.
III – liên hệ
1. Cho đến lúc này tôi cứ tưởng tượng thấy ở một nơi nào đó, vẫn như thói quen xưa nay của cái ông nhà văn cả nghĩ này, Nam Cao vẫn đang còn ngồi im lặng trầm ngâm suy nghĩ trên một manh chiếu đã sờn cũ. Chung quanh chỗ ông ngồi, sách vở, điếu đóm, bản thảo đã hoàn thành sắp đưa nhà xuất bản, bản thảo đang viết dở bày ngổn ngang. Ông khách mà Nam Cao đang tiếp chuyện lúc này không phải là ông lão hàng xóm vừa chạy sang thổ lộ về việc bán chó mà là Chí Phèo. Chí Phèo đang lúc tỉnh rượu. Ngồi ở mép chiếu, đặt ngang trên đùi một khẩu tiểu liên tuyn ở đầu nòng vẫn toả ra một chút khói, là một tay Chí Phèo hoàn toàn tỉnh táo.
Đúng như Nam Cao đã từng viết về hắn, những khi tỉnh rượu bao giờ Chí Phèo cũng lành như đất. Nom hắn lành quá ! Không những hiền lành mà nom hắn lúc này lại còn ngây thơ như trẻ con vậy. Cho nên lúc này trông bộ dạng hắn rất là ngây ngô và ngô nghê vì bên dưới hai ống quần nâu rách vá, ống cao ống thấp, hắn vừa kiếm được không biết ở đâu một đôi giày trận của lính nguỵ, giày da có cá sắt hẳn hoi. Đôi giày trận trong chân và khẩu súng đặt ngang trong lòng, đấy là những cái vật mới toanh của Chí Phèo mà nhà văn Nam Cao cũng chưa hề được biết, mặc dầu chính Nam Cao đã khai sinh ra Chí Phèo.
Ngồi bên mép chiếu, Chí Phèo đang giương to hai con mắt thô lố đầy ngây ngô nhìn Nam Cao – cái người cùng làng đi theo kháng chiến mà đêm nào đó bị tống giam trong cái lô cốt Hoàng Đan, hắn đã hứng lên trong lúc đi qua vui tay xả súng bắn chết. Nhưng vào lúc bấy giờ Chí Phèo đã say mèm. Nam Cao biết rõ thế. Nam Cao thì còn lạ gì tính nết Chí Phèo ? Đã say khướt thì một kẻ như Chí Phèo thử hỏi còn có việc gì mà hắn không thể làm? Hắn có thể đốt nhà, đã có gan tự rạch mặt mình để ăn vạ và chạy khắp làng để chửi cha đứa nào đã đẻ ra thằng Chí Phèo cơ mà! Như thế đích thị là hắn đã chửi Nam Cao, kẻ đã đẻ ra hắn và đến bây giờ thì hắn đã bắn chết luôn kẻ đã đẻ ra hắn! Một khi đã bán mình cho địch, để cầm lấy khẩu súng, hắn có thể bắn thủng bụng cả ông trời cho ông trời về chầu ông bà ông vải chứ bắn thủng bụng một cái anh Nam Cao thì đã oai vệ oai hùng gì. Mà Nam Cao là cái anh mẹ nào vậy? Chính lúc này Nam Cao đang nghĩ hộ hắn như thế và tự nhiên mỉm cười một cách buồn rầu.
Cho nên tuy bị hắn kết liễu cuộc đời đầy oan uổng một cách đáng tức, nhà văn đầy tài năng của chúng ta cũng không thể làm gì nổi hắn, cũng không thể oán trách hắn. Cho nên ngồi đấy Nam Cao chỉ thấy tự oán trách mình trong lúc cao hứng đã bịa ra hắn, bịa ra một cái tay Chí Phèo ở trên đời, mà bịa như thật, y như người thật, y như có một tay Chí Phèo thật, thật đến nỗi hắn sống thật. Nguy hiểm nhất là bây giờ, hắn – cái thằng Chí Phèo ấy – đã cầm một khẩu súng luôn luôn nạp đầy đạn, hắn đã đăng lính nguỵ, đã trở thành một tên nguỵ ác ôn, trong tay hắn không những chỉ có chai rượu mà còn cầm một thứ vũ khí giết người rất nhanh và đôi chân hắn đã xỏ đôi giày trận, và một cái ví mới sắm nhét trong chiếc túi áo “bắt gà” căng phồng những xếp tiền Đông Dương.
Cứ để cho Chí Phèo ngồi đấy và đang ngó mình chằm chằm bằng cái mặt đầy ngây độn, Nam Cao cầm cây bút lên tiếp tục viết. Ông đang viết về chuyến đi của ông trở về làng, chuyến đi thâm nhập vào vùng sau lưng địch. Ông muốn hô hoán lên trước cả nước về cái âm mưu giành dân, bắt lính vô cùng thâm độc của địch. Một bộ phận những con người Việt Nam đang bị giặc Pháp đem biến thành những cái bia đỡ đạn và đang bị tha hoá, mù quáng, cầm súng giết hại người Việt Nam thay chúng. Ông viết tỉ mỉ về âm mưu của quân đội Pháp tại sao chúng đang ra sức đánh chiếm, bình định vùng đồng bằng sông Hồng, cái kho người kho của. Bằng ngòi bút đầy nhiệt tình xưa nay chưa hề có, ông ra sức cổ vũ những đơn vị bộ đội và du kích đầy gan dạ, dũng cảm, quyết tử, đang đánh địch, giữ từng người dân, từng nóc nhà, từng mảnh vườn.
Những trang viết của ông như tiếng kêu cứu của chính cái làng quê Đại Hoàng của ông. Những xóm làng và cánh đồng rung lên trong tiếng xích xe tăng, ngập chìm trong khói lửa.
Nam Cao viết xong một trang ngẩng lên thấy Chí Phèo vừa cắp súng vào nách lừ đừ đứng dậy. Hắn xô ông ngã lăn quay ra khi ông giơ tay níu hắn lại, định giữ hắn lại với mình. Chẳng nói chẳng rằng hắn bước ra ngoài cánh đồng. Hắn cắp khẩu tiểu liên tuyn vào bên hông, đôi giày trận đối với hắn vẫn chưa quen chân, bước từng bước chuệnh choạng trên mảnh đất của đám ruộng cày mới vỡ. Hắn đi xăm xăm về phía làng Vũ Đại ở trước mặt.
Ngôi làng quê cổ kính từ chỗ Nam Cao ngồi nhìn sang thấy dài xanh một vệt. Một đám khói đen đen vàng vàng nom như một tấm chăn dạ lính Tây lấm bùn vấy máu vắt ngang phía trên đầu ngôi làng. Nó chính là làng Đại Hoàng của Nam Cao. “Vũ Đại” gắn liền với cái tên “Chí Phèo” chỉ là một cái làng do Nam Cao bịa ra. Chí Phèo đi thẳng vào làng, y như cái lần hắn ở trên tỉnh về với bộ cánh tươm tất và cái đầu ngẩng cao, và cả một lòng đầy giận dữ. Nhưng lần trở về này, Chí Phèo cao ngạo và nguy hiểm hơn nhiều, hắn quyết trả thù cho cả cái làng Vũ Đại.
Làng Vũ Đại đang cháy. Chí Phèo nhìn lửa cháy nhà, hắn thích lắm ! Đi qua mỗi cái cổng ngõ bây giờ mở toang và vắng tanh, hắn không thèm chửi như ngày trước mà lấy làm khoái chí chĩa ngang nòng khẩu tuyn nã đạn vào một điểm xạ.
“Pằng! Pằng! Pằng! Bây giờ thì y chửi đời bằng khẩu súng !” Nam Cao viết về cuộc trở về của nhân vật của mình đến đấy thì ông chợt ngồi lặng đi. Rồi ông cầm bút xoá đi tất cả những điều sự thật vừa viết ra.
Ông quyết định viết lại. Lòng ông chợt trở nên rưng rưng. Những câu liêm, những con dao quắm phát bờ, những thanh đại đao mới rèn ở lò rèn, tất cả những thứ khí giới cùng giơ lên tua tủa giữa những nếp vải đỏ mới nguyên, và những ngôi sao vàng cũng mới nguyên. Cả một rừng cờ. Cả một rừng cờ đỏ sao vàng bay phấp phới kín cả làng Vũ Đại. Mắt Nam Cao nhoà đi vì nước mắt khi ông nhớ lại cái ngày cướp chính quyền tháng Tám ở làng Vũ Đại. Nam Cao xúc động nhớ lại từng khuôn mặt người làng mình. Đã từng bỏ làng đi ra tỉnh kiếm miếng cơm và cũng mong ngóc đầu dậy nữa, nhưng Nam Cao vẫn yêu cái làng mình nhất. Suốt đời ông yêu những con người hiền lành, chất phác và đói khổ ở đấy, mặc dầu chưa bao giờ ông dùng ngòi bút tô vẽ họ. Ông yêu cả những con người chỉ đáng tội nghiệp như Chí Phèo. Nhưng cái làng của ông, cái làng bị đè nén, bóc lột bởi hào lí, địa chủ đến kiệt quệ ấy đã vùng lên ! Những cái mặt héo hắt, xì xị đã bắt đầu nhoẻn cười. Những cái cười đến là hom hem nhưng người ta đã cười, người ta lại còn hát nữa. Hát như quát to, chẳng du dương một tí nào nhưng người ta đã hát. Và người ta đùm bọc, thương yêu nhau hơn.
Làng ông đã biến đổi, tại sao Chí Phèo không thể biến đổi được nhỉ! Tại sao Chí Phèo không đi với cách mạng, không trở thành một con người cách mạng được nhỉ ? Hồi mình làm chủ tịch, mình đã mắc một khuyết điểm lớn là bỏ quên hắn, bận bao nhiêu việc đến tối mắt thành ra quên hắn. Mà hình như trong đoàn người rùng rùng kéo đi giữa biển cờ và giáo mác, có cả hắn đi trong hàng ngũ hay là lúc ấy hắn đang say cho nên rúc vào đâu ?
Nam Cao muốn cách mạng phải là một cái gì thật vô cùng đẹp đẽ, nhân bản. Ông muốn rằng cách mạng phải có một sức mạnh lay trời chuyển đất, làm thay đổi cả những tính cách con người như Chí Phèo. Nam Cao trở nên một con người khác hẳn với khi đang sống, một con người đa cảm, dễ xúc động, dễ mủi lòng, y hệt như Nguyên Hồng. Sau nhiều năm nung nấu đau đớn với kiếp người trước Cách mạng cho nên lòng Nam Cao bây giờ mang nặng bao nhiêu điều nguyện cầu, mong mỏi ở cuộc đời trần gian, cho nên ông hạ bút viết rằng Chí Phèo đã được cách mạng chăm sóc, giác ngộ, làm đổi đời, đã trở thành một con người tử tế, lương thiện. Chí Phèo vào dân quân. Chí Phèo gia nhập nông hội. Chí Phèo đánh giặc giữ làng.
Nhưng vừa viết ông vừa ngờ ngợ. Theo thói quen ngòi bút hiện thực nghiêm ngặt của ông, ông đã có kinh nghiệm, một khi trong bụng đã ngờ ngợ thì không nên viết tiếp. Những dòng chữ đơn thuần xuất phát từ lòng mong muốn tốt đẹp mà ông vừa viết ra khiến cho ông ngờ ngợ và ngờ vực…
Ông đặt bút xuống, xo vai lại như đang chịu một cơn rét thấu ruột, thu hai bàn tay vào lòng, khép mắt ngồi yên lặng, thắt lòng lại bởi lo lắng lẫn đau đớn, ông lắng tai nghe tiếng súng vọng sang từ bờ bên làng mình.
(Nguyễn Minh Châu, Báo Văn nghệ, số 29, ngày 28-7-1987)
2. Người ta nói nhiều đến cái mà chúng tôi tạm gọi là cấu trúc đường tròn của Chí Phèo. Về nội dung, nó thể hiện con đường bế tắc của nhân vật. Song về nghệ thuật lối cấu trúc này mang dấu ấn của thơ, chẳng những nó gợi lại một thể thơ nào đó, một điệp khúc – vốn là lối tổ chức câu cú quen thuộc của thơ: truyện ngắn Chí Phèo là một thứ “thủ vĩ ngâm” về cái lò gạch. Kết cấu đường tròn được hỗ trợ bằng các mô típ: Gương mặt đầy sẹo, cái lò gạch bỏ hoang ít nhất đã có hai ám ảnh tạo nên mô típ về con người thừa, con người ở ngoài lề cộng đồng. Chính việc sử dụng mô típ cũng góp phần gợi nên cảm giác quay vòng, nó thuộc về bản chất của thơ.
Trong Chí Phèo, chất thơ còn được điểm xuyết bằng những cảnh tượng và bức tranh phong tục vốn là những “mã” của sinh hoạt dân gian, truyền thống; cảnh kín nước ven sông, chợ búa, nồi cháo hành chữa bệnh; chất ước lệ (ví dụ đoạn miêu tả nhan sắc thị Nở), những thành ngữ (thằng có tóc, thằng trọc đầu…) nhìn chung đầy rẫy trong truyện. Và cuối cùng phải kể đến một đoạn thơ trữ tình ngoại đề có thể sánh ngang với những đoạn cùng thuộc loại ngôn từ ấy hoặc một loại khác nữa – các đoạn độc thoại – nổi tiếng trong truyện và tiểu thuyết xưa nay. Tôi muốn dẫn đoạn Nam Cao nói hộ Chí Phèo: “Hắn cảm thấy hắn đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời. Đối với những con người như hắn, những trận ốm như thế này là trận gió đầu thu báo hiệu mùa đông sẽ tới”… ở đây Chí Phèo với Nam Cao là một, sự đồng cảm tìm thấy hình thức bộc lộ thích hợp nhất: trữ tình.
(Đặng Anh Đào, Tài năng & người thưởng thức, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001)
3. Tiếp cận tác phẩm từ một góc độ khác, nhà thơ – nhà giáo Cái Văn Thái viết Thi sĩ Chí Phèo:
Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn
Thành người đẹp ngủ trong vườn chuối.
Dưới trăng ngời, Chí Phèo nát rượu
Hoá chàng hoàng tử gặp giai nhân.
Gã lưu manh chuyên rạch mặt la làng
Hồi hộp, ngỡ ngàng lạc vào tình ái.
Sau một đêm thiêng liêng huyền diệu
Sáng ra cuộc đời thêm một nhà thơ.
Ai dễ gì lắng trọn tiếng ban mai
Tinh khiết giữa đất trời tở mở
Tiếng thuyền chài, tiếng đám người vãn chợ
Tiếng chim ca ríu rít, trong veo…
Thế mà, bỗng nhiên, sáng mai ấy, Chí Phèo
Tai lọc hết bao âm thanh trời đất
Trái tim hát ca với không gian, tạo vật
Hồn lâng lâng những cảm xúc thanh cao.
Tiếng thơ Chí Phèo vút lên giữa ban mai
Rưng rưng bên bát cháo hành thị Nở.
Cả vũ trụ xôn xao, bỡ ngỡ
Trước tình yêu mầu nhiệm của con người.
Một người đàn bà vừa xấu vừa hâm
Trong ái ân, hoá nàng-tiên-thị-Nở.
Một gã lưu manh chuyên rạch mặt ăn vạ
Giữa yêu thương, thành thi-sĩ-Chí-Phèo.
1991
Chia sẻ: Tailieuhay.net