Từ xưa đến nay, sự phát triển của xã hội, của con người về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, đều không thể thiếu vai trò của giáo dục. Giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên.
Từ xưa đến nay, sự phát triển của xã hội, của con người về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, đều không thể thiếu vai trò của giáo dục. Giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên. Chính vì vậy mà N.Mandela có một câu nói khá nổi tiếng: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”.
Câu nói trên của N.Mandela là một chân lí. Để thấy rõ chân lí này, trước tiên la phải hiểu giáo dục bao gồm những phạm trù nào? Vì sao giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới?
Giáo dục là môt lĩnh vực vô cùng rộng lớn bao gồm giáo dục nhân cách làm người, làm cho con người chúng ta nhận thức được cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác, cái chính, cái tà để từ đó chúng ta sống một cuộc sống thật sự có ý nghĩa, hợp với đạo lí làm người, góp phần làm cho cuộc sống xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Ví dụ như tổ tiên ta ngày trước đã giáo dục con cháu truyền thống yêu nước qua truyện Thánh Gióng, qua những áng thơ văn bất hủ như Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi…, giáo dục niềm tự hào về nguồn gốc cao quý của dân tộc bằng truyện Con rồng cháu tiên, giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau giữa những người dân trong một nước trong những câu ca dao, tục ngữ như:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Chính nhờ sự giáo dục này mà dân tộc ta đã giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, đánh thắng những kẻ thù xâm lược, giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử từ xưa đến nay và cả đến mai sau. Bên cạnh giáo dục truyền thông yêu nước, ông cha ta còn dạy cho ta đạo lí làm người, dạy ta phải biết hiếu thảo với cha mẹ để giữ trọn đạo làm người:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
(Ca dao)
Bên cạnh đó, ông cha ta còn dạy bảo chúng ta phải biết “tôn sư trọng đạo”, phải ghi nhớ công ơn thầy cô, “một chữ cũng thầy, hai chữ cũng thầy”, cha mẹ muốn con mình hay chữ thì phải biết kính yêu thầy cô:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy
Chính nhờ sự giáo dục đó mà xã hội Việt Nam có một nền tảng đạo lí khá chắc chắn, sâu đậm.
Giáo dục còn mang lại cho con người biết bao tri thức về các ngành nghệ thuật và khoa học. Không có giáo dục thì làm sao con người chúng ta có được những ngành nghệ thuật (văn chương, âm nhạc, hội họa, điêu khắc…) và những ngành khoa học (toán học, hóa học, vật lí học, y học, sinh học, thiên văn học, dịa chất học…) phát triển như ngày hôm nay được. Giáo dục là cái máy cái đẻ ra những cái máy con. Sự phát minh ra dòng điện, bóng đèn điện, vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình, máy vi tính… không phải đã làm thay đổi thế giới đây ư? Nó đã làm cho cuộc sống của chúng ta văn minh hơn, chúng ta lao động được nhẹ nhàng hơn, những con người trên trái đất gần nhau hơn. Sự phát triển của y học đã làm cho những bệnh nan y ngày trước như bệnh lao phổi, bệnh đậu mùa… ngày nay không còn đáng lo nữa. Sự phát triển của ngành sinh học như công nghệ cấy ghép, lai tạo giống, biến đổi gen đã tạo ra biết bao nhiêu loại cây trồng có năng suất cao gấp bao nhiêu lần ngày trước, đem lại nhiều lương thực, thực phẩm cho xã hội, làm cho cuộc sống của con người nông dân ngày càng no ấm hơn. Tất cả những sự biến đổi của thế giới ấy đều từ giáo dục mà ra.
Hơn nữa, cũng nhờ có giáo đục mà chúng ta ngày hôm nay mới hiểu được văn chương, nghệ thuật, lịch sử, địa lí, văn học, kinh tế, chính trị… của các nước trên thế giới để chúng ta học tập được cái hay, cái đẹp của họ nhằm được phục vụ cho đất nước, làm cho đất nước ngày càng thêm giàu, thêm đẹp hơn.
Tóm lại, câu nói của N.Mandela là một chân lí, đúng là: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng làm thay đổi cả thế giới”. Nếu không có giáo dục thì làm sao chúng ta có được một nền văn minh, làm sao chúng ta được những giáo sư, bác sĩ, kĩ sư, những nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi để phát minh ra những cái mới để phục vụ con người. Chúng ta thử tưởng tượng một xã hội không có giáo dục thì xã hội ấy sẽ đi về đâu? Chắc có lẽ xã hội ấy sẽ đắm chìm trong bóng đêm u tối, con người trong xã hội sẽ sống mãi trong lầm than cơ cực, đói nghèo, lạc hậu.
Chia sẻ: Tailieuhay.net