Giới thiệu về một loài cây quen thuộc của quê em

Không rậm rạp xanh tốt như cây roi, không tạo thế, đua chen và khoe dáng như lá cọ, na cứng cáp, khẳng khiu đứng riêng rẽ một mình trong khu vườn đồi trọc

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!

Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt Nắng chói sông Lô, hò ơ tiếng hát Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca

(Tố Hữu)

Quê tôi, vùng quê trung du Bắc Bộ có “rừng cọ đồi chè” nhưng với tôi hình ảnh về quê hương và loài cây gắn bó quen thuộc nhất vẫn là cây na.

Không rậm rạp xanh tốt như cây roi, không tạo thế, đua chen và khoe dáng như lá cọ, na cứng cáp, khẳng khiu đứng riêng rẽ một mình trong khu vườn đồi trọc. Mỗi năm khi bà già mùa đông mang cái lạnh về, na trút lá khẳng khiu gầy guộc nhưng kiên cường chịu rét giơ những cành những nhánh khô mà chống chọi với những trận gió bấc, mưa phùn, để rồi khi sơn ca báo hiệu xuân về cùng những đợt mưa xuân xôn xao phơi phới thì từ trong những cành khẳng khiu kia, na ươm trồi nảy lộc với những búp lá non xanh đẹp lạ kì. Lá na không to, hình bầu dục, mỗi nhánh nhiều lá giống kiểu xếp của lá phượng, lá me nhưng thưa hơn và thoáng hơn, to hơn, là loài cây ăn quả nên thân na phát triển không to. Trồng được 2 năm là na đã cho quả.

Quả na xanh tròn khía theo múi giông hình mắt. Kinh nghiệm của bà về na chín đã được nhà thơ Trần Đăng Khoa đưa vào thơ thật ngộ nghĩnh:

“Tiếng gà Giục quả na Mở mắt Tròn xoe…”

Na mở mắt, nghĩa là những múi na (mắt na) căng phồng hết cỡ mang màu vàng hồng báo hiệu quả sắp chín. Có thể để na chín cây hoặc ngắt xuống độ một ngày sau na chín là ăn được. Bà tôi bảo: “Na sống ở khắp các tỉnh trong cả nước, nhưng ngon và bổ thì chỉ có na ở quê mình vì chất đất ở đây thích hợp nhất cho loại cây này”. Quả đúng vậy na chín, vỏ mỏng, bóc trên tay đã thơm phức mùi hương, quyến rũ lạ thường. Vị ngọt sắc của na như nhắc người ta nhớ đến tháng ngày cây cần mẫn chắt chiu nhựa đất trên dải đất sỏi khô cằn.

Hoa na giống hoa lan nhưng dầy cánh và mùi hăng hắc. Hoa không nhiều nhưng có hoa là đậu quả. Mỗi cây trung bình hàng năm cho khoảng vài chục cân. Đến vụ, cả đồi na, bà thu hoạch được gần tấn, cũng được 6-7 triệu đồng.

Cứ như thế, mùa tiếp mùa, năm tiếp năm, na trở thành loại quả xuất khẩu và món ăn tráng miệng thường nhật cung cấp vitamin rất tốt. Mỗi cây na như nhắn nhủ với mọi người về sức sống bền bỉ và một cuộc đời cần mẫn chắt chiu như chính người trồng na vậy.

 Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *