Hai bức tranh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích trong cảm nhận của Thúy Kiều.

Bức tranh thứ nhất (4 câu đầu) phản chiếu tâm trạng, suy nghĩ của Thúy Kiều khi bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, cảnh vật hiện ra bao la, hoang vắng, xa lạ và cách biệt…

Hai bức tranh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích trong cảm nhận của Thúy Kiều

Bức tranh thứ nhất (4 câu đầu) phản chiếu tâm trạng, suy nghĩ của Thúy Kiều khi bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, cảnh vật hiện ra bao la, hoang vắng, xa lạ và cách biệt:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du viết: Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân. Khóa xuân để chỉ người con gái đẹp bị cấm cung. Kiều ra lầu Ngưng Bích sau khi đã bị Mã Giám Sinh phá đời thiếu nữ, định tự tử mà không chết được. Thực chất là nàng đang bị giam lỏng. Vì vậy, khóa xuân ở đây có ý nghĩa mỉa mai, nói lên cảnh ngộ trơ trẽn, bất bình thường cùa nàng Kiều. Vừa bị lừa vừa bị mắng, vừa tự tử không thành, lại vừa bị giam lỏng. Kiều cảm thấy rất cô đơn, buồn tủi.

Cảnh thiên nhiên quanh lầu Ngưng Bích là cảnh núi xa, cảnh trăng sáng, cồn cát vàng, bụi đỏ bốc lên hàng dặm. Cảnh vật được miêu tả rất rộng lớn, bát ngát, và đã góp phần bộc lộ tâm trạng cô đơn, buồn tủi, ngổn ngang của Thúy Kiều. Nàng cô đơn nên muốn kéo cả vẻ non xa và vầng trăng vời vợi thành tấm trăng gần để ở chung cho bớt cô quạnh. Nàng thấy cảnh vừa bát ngát vừa ngổn ngang cồn nọ, dặm kia như lòng nàng đã ngổn ngang về quá khứ hiện tại và tương lai. Rồi nàng còn bẽ bàng, buồn tủi vì chỉ có mây làm bạn buổi sáng và ngọn đèn làm bạn đêm khuya. Cảnh ngộ nàng, tình cảm của nàng làm tấm lòng nàng như bị cắt ra đau đớn.

Bức tranh thiên nhiên thứ hai (8 câu cuối) phản chiếu tâm trạng của Thúy Kiều trở về với thực tại phũ phàng, nỗi buồn của Thúy Kiều không thể vơi mà cảnh nào cũng buồn, cũng gợi thân phận con người trong cuộc đời vô định:

Cửa bể mênh mông lúc ngày tàn chiều hôm gợi nỗi cô đơn của kiếp người lưu lạc:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Cánh buồm thấp thoáng nơi cửa biển là hình ảnh rất đắt để thể hiện nội tâm nàng Kiều. Một cánh buồm nhỏ nhoi, đơn độc giữa biển nước mênh mông trong ánh sáng le lói cuối cùng của mặt trời sắp tắt; cũng như Kiều trong không gian vắng lặng của hiện tại nhìn về phương xa với những nỗi buồn da diết về gia đình, quê hương. Con thuyền vẫn còn lênh đênh trên mặt biển khi mà những con thuyền khác đều đã cập bến, biết bao giờ mới tìm được bến bờ neo đậu; cũng như Kiều còn lênh đênh giữa dòng đời. biết bao giờ mới được trở về sum họp, đoàn tụ với những người thân yêu.

Rồi nàng lại buồn trông về phía ngọn nước mới sa, dõi theo những cánh hoa trôi dạt và tự hỏi về đâu, đến phương trời vô định nào:

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Khi nhìn những cánh hoa tàn lụi trôi man mác trông ngọn nước mới sa thì Kiều càng buồn hơn bởi nàng như nhìn thấy trong đó thân phận mình lênh đênh, vô định, ba chìm bảy nổi giữa sóng nước cuộc đời. không biết rồi sẽ trôi dạt đi đâu, sẽ bị dập vùi ra sao. Câu hỏi về đâu mông lung không thể trả lời. Bây giờ Kiều chỉ nghĩ đến tấm thân bèo bọt như cánh hoa trôi trên sóng dữ, mong manh, nhỏ nhoi, đáng thương. Đó chính là hoàn cảnh tội nghiệp của nàng. Nàng không thể tự chủ mặc cho sóng gió đẩy đưa, vùi dập. Tâm trạng cô đơn, bơ vơ lại được đẩy thêm một nấc.

Sau hai câu hỏi tu từ về thuyền ai, về hoa trôi biết là về đâu thì Kiều đã buồn trông về bên phía chân mây mặt đất:

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Nội cỏ rầu rầu, xanh xanh – sắc xanh héo úa, mù mịt, nhạt nhòa trải dài từ chân mây đến mặt đất, còn đâu cái xanh tận chăn trời rạo rực như sắc cỏ trong tiết Thanh minh khi Kiều còn trong cảnh đầm ấm. Màu xanh này gợi cho nàng một nỗi buồn vô vọng vì cuộc sổng quẩn quanh và những chuỗi ngày vô vị, tẻ nhạt không biết kéo dài đến bao giờ, sắc cỏ rầu rầu ấy, nàng đã một lần nhìn thấy ngày nào trên nấm mồ Đạm Tiên:

Sè sè nấm đất. bên đường,

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Nhưng nhìn xa rồi lại nhìn gần, vừa buồn trông vừa lắng tai nghe, nàng Kiều nghe tiếng gió gào, gió cuốn, tiếng sóng kêu:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Dường như nỗi buồn càng lúc càng tăng, càng dồn dập. Một cơn gió cuốn mặt duềnh làm cho tiếng sóng bỗng nổi lên ầm ầm như vây quanh ghế Kiều ngồi. Cái âm thanh ầm ầm tiếng sóng ấy chính là âm thanh dữ dội của cuộc đời phong ba bão táp đã, đang ập xuống đời nàng và còn tiếp tục đè nặng lên kiếp người nhỏ bé ấy trong xã hội phong kiến bất công. Tất cả là đợt sóng đang gầm thét, rít gào trong lòng nàng. Lúc này, Kiều không chỉ buồn mà còn lo sợ, kinh hãi như rơi dần vào vực thẳm một cách bất lực. Nỗi buồn ấy đã dâng đến tột đỉnh khiến nàng thực sự tuyệt vọng. Thiên nhiên chân thực, sinh động nhưng cũng rất ảo. Đó là cảnh được nhìn qua tâm trạng theo quy luật

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

-> Bức tranh với cận cảnh là lầu Ngưng Bích, viễn cảnh là con thuyền và cánh buồm xa xa trên cửa bề chiều hôm, là ngọn nước và hoa trôi, là nội cỏ rầu rầu giữa màu xanh xanh, là gió cuốn và tiếng sóng ầm ầm,… mang ý nghĩa tượng trưng và giàu giá trị thẩm mĩ. Màu sắc ấy, âm thanh ấy của thiên nhiên vừa bao la mờ mịt vừa dữ dội, tất cả như đang bủa vây Thúy Kiều – người con gái lưu lạc với bao đau thương trong nỗi buồn lẻ loi, cô đơn. Cảnh trong đoạn thơ được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động để diễn đạt nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ, dồn đến bão táp nội tâm cực điểm của cảm xúc trong lòng Kiều. Tất cả là hình ảnh về sự vô định, mong manh, sự chao đảo, nghiêng đổ dữ dội. Lúc này Kiều trở nên tuyệt vọng, yếu đuối nhất. Cũng vì thế mà nàng đã mắc lừa Sở Khanh để rồi dấn thân vào cuộc đời thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.

Nghệ thuật

Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật: diễn biến tâm trạng được thể hiện qua ngôn ngữ độc thoại và tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Lựa chọn từ ngữ, sử dụng các biện pháp tu từ.

Đoạn trích thể hiện tâm trạng cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *