Hãy kể về một chuyến đi biển

Chuyến đi biển vui vẻ của một cậu bé với những kỉ niệm đáng nhớ cùng lớp học và bạn bè.

Đề bài

Hãy kể về một chuyến đi biển

Lời giải chi tiết

      Thế là, bằng đủ mọi cách, từ năn nỉ ỉ ôi, tôi dỗi cơm, dọa “tuyệt thực”, cả lớp cũng xin được một chuyến đi biển hai ngày. Chuyến đi mà để có được, nhiều đứa đã phải trả giá bằng cả máu và nước mắt.

      Chứ còn gì nữa, thằng Hoàng, vì phải thức đêm nhiều lên mạng tìm tour cho lớp mà bị chảy máu cam. Cu cậu hoảng quá vì nghe đâu người ta bảo, chảy máu cam là dấu hiệu của máu trắng thời kì cuối. Hay như Dung lớp phó, xin được cho cả lớp đi rồi thì đột nhiên bố mẹ đổi ý 180 độ, không cho đi vì sợ “không an toàn”. Cả một đêm khóc lóc như mưa, bố mẹ buộc phải thay đổi “quan điểm lập trường” chỉ vì sợ nó làm  ngập nhà. Cô nàng vác theo một cái kính râm to sụ để che hai con mắt sưng húp, hợp lạ lùng với cái miệng cười toe như bông loa kèn.

      Làm lớp trưởng, tôi thấy thế là mãn nguyện. Gần 50 người rồng rắn, từ trẻ con (con cô chủ nhiệm), đến trẻ nhỡ (bọn tôi) được người lớn cho một chuyến đi Vân Đồn hai ngày, chính xác là đảo Quan Lạn, thế là ô kê rồi.

       Lò dò đếm đi đếm lại trên xe, thiếu mất cánh tay của thằng Thắng. Nó từ chối chuyến đi vì một lí do “lãng xẹt”: “về quê”. Cả lớp đã phải gào lên với nó là “mày về quê lúc nào chẳng được”, nhưng thằng bé đầu cứng hơn quả trứng kia nhất mực từ chối. Không đi thì thôi, về sẽ phải hối tiếc đấy, với tư cách một thằng bạn thân, tôi tuyên bố thẳng thừng với nó như thế. Cũng chẳng thay đổi được gì, cứng đầu thế không biết. Thế là nó ở lại. Bọn trong lớp tùng chỉ kịp buồn một tẹo rồi thôi, hơi đâu, vắng mợ thì chợ vẫn đông mà. Duy chỉ có một đứa con gái là buồn nhất, nguyên “bí phở”: Tú Anh. Ừ, thì ngay từ hồi đầu năm lớp 11, cả lớp cũng lờ mờ đoán ra hai anh chị này chắc chắn có “cảm tỉnh” với nhau, nhưng chẳng đứa nào dám nói, Mà bố mẹ cô nàng này khó tính khủng khiếp. Để được đi chuyến này, cô bạn chắc cũng tốn không ít khăn giấy để lau nước mắt (chẳng kém cái Dung là mấy). Vậy mà thằng Thắng không đi! Mấy đứa thuộc tổ dưa lê của lớp thở dài ngao ngán. Nó mà không đi thì chẳng có cặp đôi nào để tác thành nhân duyên cả. Mang theo bộ mặt rất đỗi chân chính của mấy bà mai mối thất nghiệp, bọn con gái kéo nhau xuống cuối xe đánh bài quệt son. Còn tụi con trai ngồi soạn “văn tế” vá bàn trước “án tử” để khi nào về Hà Nội úp sọt thằng Thắng một trận.

       Cả hội vui như tết, chỉ riêng Tú Anh là buồn. Xin thề có quỷ thần chứng dám là lúc này, mặt nó không còn dài như quả bí nữa mà dài không khác một cái bơm.

       Tàu cập bến, cả hội 46 đứa cả nam lẫn nữ ào lên bờ, chẳng khác gì thực dân ngày xưa đi xâm chiếm thuộc địa. “Sóng di động mất hoàn toàn chúng mày ạ” – Thành reo lên như thể mới tìm ra châu Mỹ. Có nghĩa là mọi liên lạc với thế giới bên ngoài dứt hẳn, cũng có nghĩa là bước chân lên đảo này, chúng nó trở thành thổ dân thực sự. Và nếu không có bầy thổ dân nhí nhố này thì chẳng ai có thể đẩy được cái ô tô chở khách – là già số 1 của đảo – về với nhà nghỉ. Một đứa nào đấy bật cười (theo đúng cái kiểu ở lớp gọi là cười bố đẻ em bé): “Nhà nghỉ này tên là Robinson chúng mày ạ” “Hehe, nghĩa là bị tống lên hoang đảo thật à” – thằng Quân, tổ trưởng tổ “mùi” ré lên. Bọn con gái vừa say sóng mệt lử cả người cũng không thể kìm được vẻ phấn khích, nhất là khi biết rằng chúng nó là đoàn khách duy nhất trên đảo này. Tour này đáng đồng tiền bát gạo, thằng Hoàng vừa vuốt cái cằm lún phún mây sợi lông tơ của nó, vừa “cười ruồi” tự thưởng. Chỉ riêng Tú Anh, cô nàng vẫn buồn, nhưng mặt không còn dài bằng cái bơm nữa mà ngắn lại còn như quả bí .

      Tối đốt lửa trại, bọn con gái hò hét khản cổ, cồ vũ cho bọn con trai thi kéo co. Một chú của đội A “khôn khéo” buộc dây vào cây thông, bọn đội B kéo mệt nghỉ mà không làm gì được. Trọng tài phát hiện ra thì đã hòa cả làng. Rồi đưa bóng về đích, ăn sữa chua, nhảy bao bố… Lần đầu tiên lớp mới vui thế này. Những đứa mà ở trên lớp cứ tưởng chỉ biết đâm đầu vào quyển sách thì bây giờ hò hét cũng chẳng kém gì ai. Thằng Vịt tranh thủ chạy ra “tán” bạn chuyên ngữ đi cùng đoàn, cái thằng đến lạ, cứ thấy con gái (mới đến) là lại “bì bà bì bõm”. Hải “cô” lon ton chạy theo mấy em gái ra biển ngắm sao. Biển đen thẫm, trời cũng đen thẫm nhưng sao thì dày đặc. Và “Bí phở” rất cỏ thể sẽ là nguyên nhân phá hỏng cuộc vui của cả lớp. Nó lại ngồi, trầm ngâm và nhớ thằng Thắng.

        Sáng sớm, cả lớp ra biển tắm. Bất chợt, một đứa khựng lại, mặt thảng thốt. Thằng bé quay sang chỉ trỏ cho đứa bạn đi cùng. Thằng bạn lại gọi ngay hai đứa nữa cùng đứng xem. Rồi một đoàn rồng rắn đứng trên bờ phi lao nhìn xuống mà không ai dám bước xuống bãi cát. Tú Anh là người chạy ra cuối cùng. Và có thể ngờ được không, khuôn mặt cả một ngày dài không nặn nối nụ cười nào bỗng chợt mỉm cười. Trên bãi cát dài, bao nhiêu trái tim từ be bé đến to to xuất hiện chỉ với một dòng chữ: “Tú Anh – tớ mến ấy”. Không gian như chợt đặc quánh lại, và Mặt Trời phía xa cũng bắt đầu ửng hồng như khuôn mặt cô cựu bí thư lúc này. Một đứa nào đấy phá tan sự im lặng: “Chị Bí sướng nhé, được anh nào trong đoàn để ý” “Hay là Thắng nó gửi lời cho gió đến đây nhỉ” – có đứa còn thì thào. Chẳng cần biết lí do, với Bí, bất kể đó là ai, hẳn cô bạn đang sung sướng đến chết đi được. Nụ cười rạng rỡ trở lại sau 1 ngày “tu” kiếp bơm  Bí, cô bạn chạy ra biển đầu tiên, đùa sóng và nhảy múa “hồn nhiên hơn cô tiên”. Cả một lũ chạy theo bắt chước, trong bao la bát ngát khí trời. Tiếng cười giòn tan hòa vào gió biển.

       Thắng nhập đoàn chúng tôi muộn một hôm. Gãi đầu gãi tai, “thằng cu” bảo: “Nhớ lớp không chịu được!” “Nhớ lớp hay nhớ Bí thư?” Cả lũ nhao nhao- Mắt mũi các chị chuyên gia buôn – tám long lanh khác thường, hẳn là đứa nào cũng háo hức muốn “bán” cái tin mật về những con chữ tình cảm của “tình địch” bí ẩn với Thắng. Nhưng rốt cục, không đứa nào nói cả. Sự tình  khó tin của cái đám loa phóng thanh ấy làm cả lớp bất ngờ dẫn đến khâm phục và xức động điên lên được. Dung thì thào với Vịt (trời ơi, mới sáng bảnh mắt mà cô nàng đã lại đeo kính râm to bự – đúng là đồ con gái điệu): “Đôi trẻ sau này mà thành là nhờ công lớp mình hùn hạp, mày nhỉ”. Trong lúc cả lớp sôi lên với những “âm mưu” và “thỏa thuận” bí mật, “đôi trẻ” vẫn chẳng hay biết tí ti. “Thằng cu” Thắng vẫn tươi tỉnh và bạn Bí thở thì, hừm, khỏi phải nói, tươi hơn cả chữ tươi.

       Sau này về đến Hà Nội, nhắc lại cuộc đi chơi, đứa nào cũng kể lại câu chuyện ấy như kiểu một câu chuyện cổ tích. Riêng tôi, chỉ biết cười và nghe chúng nó huyên thuyên. Bởi vì có ai biết rằng, sáng hôm đấy, tôi cũng ra biển từ rất sớm. Và bắt gặp một cái dáng quen thuộc, đang khom lưng vẽ những hình trái tim trên cát với tất cả yêu thương, với cả kiểu chữ T hoa không nhầm lẫn với ai. Và tôi nhận ra nó, nhớ ra một điều “tai hại” rằng Tôi quên béng mất quê nội thằng bạn ở Quan Lạn. Rằng thì ra cái bất ngờ nó từng tuyên bố rồi mày sẽ biết là đây. Nhưng thôi, dù sao đây cũng là một bí mật tôi muôn giữ riêng cho mình. Hãy cứ đế Bí nhớ về những trái tim như kỉ niệm đẹp, để Thắng hài lòng với bí mật của nó. Chỉ như một món quà bất ngờ của biển thôi mà, phải vậy không?

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *