Hoàng hôn trên biển và đoàn thuyền đánh cá ra khơi.

Màn đêm buông xuống cũng là lúc ngư dân bắt tay vào công việc quen thuộc của mình. Mặt biển đêm không lạnh lẽo mà ấm áp nhờ tiếng hát âm vang, náo nức, thể hiện niềm vui to lớn của con người lao động…

Hoàng hôn trên biển và đoàn thuyền đánh cá ra khơi

Mở đầu bài thơ là cảnh tượng vừa rộng lớn lại vừa gần gũi với con người do một liên tưởng so sánh thú vị của nhà thơ:

 Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Chi tiết mặt trời xuống biển có thể gây ra sự thắc mắc của người đọc, vì bài thơ tả cảnh đoàn thuyền đánh cá ở vùng biển miền Bắc, mà ở bờ biển nước ta, trừ vùng tây nam thường chỉ thấy cảnh mặt trời mọc trên biển chứ không thể thấy cảnh mặt trời lặn xuống biển. Thực ra, hình ảnh mặt trời xuống biển là được nhìn từ trên con thuyền đang ra biển hoặc từ một hòn đảo vào lúc hoàng hôn, nhìn về phía tây qua một khoảng biển thì vẫn có thể thấy như mặt trời xuống biển. Từ những quan sát thực, sức tưởng tượng và liên tưởng của nhà thơ đã bồi đắp và tạo nên một hệ thống hình ảnh vừa gần gũi vừa mới mẻ: vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với màn đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ với những lượn sóng là then cửa như mọi ngôi nhà thân thuộc của mỗi người.

Màn đêm buông xuống cũng là lúc ngư dân bắt tay vào công việc quen thuộc của mình. Mặt biển đêm không lạnh lẽo mà ấm áp nhờ tiếng hát âm vang, náo nức, thể hiện niềm vui to lớn của con người lao động:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

 Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Từ “lại” cho ta hiểu đây là hoạt động, là công việc hằng ngày của những người dân biển nơi đây. Đây chỉ là một trong những chuyến đi đánh cá đêm trên biển xa nhưng mọi chuyến đi là mỗi hào hứng và hi vọng. Khi nhiều người trên bờ đi nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc thì lại là lúc ngư dân Hạ Long bắt đầu công việc của mình.

Hình ảnh ẩn dụ câu hát căng buồm thật thơ mộng, khỏe khoắn và lạ mà thật từ sự gắn kết ba sự vật và hiện tượng: cánh buồm, gió khơi và câu hát của người đánh cá. Câu hát là niềm vui, sự phấn chấn của người lao động như đã có một sức mạnh vật chất để cùng với ngọn gió làm căng buồm cho con thuyền lướt nhanh ra khơi, bắt đầu công việc đánh cá không ít khó khăn vất vả. Đó là khí thế hăm hở và đầy hào hứng của những con người yêu nghề, yêu biển.

Lời hát của những người ngư dân ngợi ca sự giàu có và hào phóng của biển cả cùng vẻ đẹp lung linh, diệu kì của nó trong đêm:

      Hát rằng: cá bạc biển Đông lặn,

     Cá thu biển Đông như đoàn thoi

             Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Bút pháp lãng mạn của nhà thơ như vẽ nên khung cảnh vừa thực vừa ảo. Nội dung của lời hát thể hiện ước mơ đánh bắt được nhiều hải sản, nhiều cá tôm. Tuy nhiên, tác giả lại thể hiện bằng những hình ảnh thật lãng mạn: những đàn cá bơi ngang dọc trên biển như đan, như dệt vào tấm lưới của con người.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *