Kể lại một kỉ niệm mà em không bao giờ quên: Thanh minh đi tảo mộ.

Thanh minh đi tảo mộ là một phong tục đẹp. Những kẻ tha hương bên trời Tây, ai còn nhớ?

    Thanh minh năm nào cũng vậy, bố mẹ cho hai chị em được về quê ngoại tảo mộ ông bà và cậu Quang. Lần nào chuẩn bị đi, chị Hoa và em đều náo nức, đêm nằm ngủ chỉ mong trời sáng.

   Chiều hôm trước, mẹ đã mua đủ hương hoa, gói thành 3 gói to kèm theo nhiều bánh trái. Ra đi từ mờ sáng. Bố lai chị Hoa, mẹ chở em, con gái cưng của mẹ. Còn 3 hôm nữa mới đến ngày Thanh minh, nhưng hôm nay là ngày Chủ nhật, nên người đi tảo mộ đông lắm. Con đường liên huyện kéo dài, đường nhựa thẳng tắp, xe ô tô, xe máy, xe đạp đi lại rộn ràng. Thỉnh thoảng lại nhìn thấy lố nhố người trên những nghĩa trang của các dòng họ ở trên những cánh đồng. Cuối tháng hai, trời âm dần, mưa xuân rắc bụi, lúa xanh ngắt một màu, Mẹ nói với em: “Năm nay thế nào cũng được mùa lớn. Bác Thanh sẽ làm nhà mới”… Bác Thanh là chị gái mẹ em, làm giáo viên Tiểu học ở xã Bình Giang quê nhà.

   Phải vượt qua nhiều cánh đồng, nhiều cầu xi măng bắc qua những con kênh nước trong xanh chảy hiền hòa, qua nhiều xóm làng. Cây đa, mái đình, nhà ngói đỏ tươi, là những cảnh vật xóm thôn, đối với em vừa xa lạ, vừa thân thuộc.

   Từ những nẻo đường làng, người đi chợ, đi làm ăn, người đi tảo mộ… xuất hiện đông vui. Nón trắng nhấp nhô. Đòn gánh tre kĩu kịt. Tiếng nói cười lao xao. Những đứa trẻ vắt vẻo ngồi trên lưng trâu, như những chàng kị mã, đối với em rất ngộ nghĩnh. Bức tranh quê thanh bình thật đáng yêu.

   Người đông nên hơn một tiếng đồng hồ, xe máy của bố mẹ em mới về tới xóm Mai xã Bình Giang. Gia đình bác Thanh đã biết trước bố mẹ em về nên ở nhà đông vui chờ đợi. Chồng bác Thanh là sĩ quan Quân đội về hưu. Chị Nhật, anh Thành, anh Lý đều đang học phổ thông ở trường xã, trường huyện. Đã mấy lần, các anh các chị ra chơi nhà em, nên anh em chị em gặp lại nhau thật vồn vã, tíu tít vui mừng.

   Bác Thanh và mẹ em bày một phần hoa trái lên bàn thờ ông bà. Hai bác và bố mẹ em tháp hương rồi khấn. Và cả nhà cùng đi ra nghĩa trang. Mấy chị em tranh nhau mang lễ phẩm. Anh Thành vác cuốc, anh Lý cầm dao. Từ nhà đến nghĩa trang của làng độ một cây số. Đường làng được xi măng hóa, rất sạch. Các mương máng đều được xây thẳng tắp, chạy dọc ngang khắp các cánh đồng. Những cánh đồng lúa tám thơm – đặc sản của Bình Giang, bác Thanh nói, nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. Đó là những cánh đồng cao sản 50 triệu trên một ha.

   Nghĩa trang nằm ở giữa cánh đồng trên một khu đất cao, có một con mương chảy dọc phía bắc. Khu nghĩa trang khá rộng trên 3.000m2 Lác đác có ngôi mộ xây rất hiện đại. Phần lớn là mộ xây chỉ viền xung quanh, phía trên vẫn có đất và cỏ. Hàng trăm, hàng nghìn ngôi mộ bé nhỏ, nhưng được sắp xếp, bố trí có hàng lối rất quy củ, nghiêm trang. Nhiều cây tỏa bóng mát. Mộ ông bà ngoại nằm cạnh nhau. Phía trước có bia đá. Mộ chỉ ghi rõ họ tên ông bà, năm sinh và ngày, tháng, năm mai. Chị Hoa cùng mẹ và bác Thanh bày biện hoa trái lên mộ ông bà. Hai bác, bố mẹ em và mấy anh chị em cùng thắp hương khấn vái. Lần nào cũng thế, mẹ vừa khấn vừa khóc, cặp mắt đỏ hoe. Hương trầm phảng phất, ngọn khói u huyền cứ quấn lấy mộ chí. Em xúc động nhìn mộ ông bà rồi nhẩm tính: “Ông mất đã 14 năm khi chị Hoa lên 3 tuổi; bà mất đã 6 năm khi em lên 8 tuổi… Thời gian trôi quá nhanh.  Gió thổi nhẹ. Nến vẫn cháy tỏa sáng lung linh.

   Nắng xuân ấm áp tỏa trên kim nghĩa trang. Người đi tảo mộ mỗi lúc một đông. Hương hoa cầm tay. Tiếng nói chuyện lao xao. tiếng gọi nhau í ới. Có rất nhiều người từ xa đi xe máy về. Bố mẹ em gặp lại nhiều bạn cũ thời còn học phổ thông, chuyện trò lưu luyến mãi, hết một tuần hương. Một tuần hương nữa lại bắt đầu. Cả nhà cùng đến khu nghĩa trang liệt sĩ. Ở đây có 72 ngôi mộ, tất cả là con cháu họ Hoàng, họ Lê, họ Nguyễn hi sinh thời đánh Mĩ trên các chiến trường xa. Phần lớn các ngôi mộ không có cốt, chỉ là mộ chí tượng trưng. Thế nhưng ngôi mộ nào cũng có bia đá, tạc hình ảnh, ghi rõ họ tên và ngày tháng năm hi sinh của liệt sĩ. Mộ cậu Quang cũng thế. Cậu là út và là con trai duy nhất của ông bà. Cậu đang học Đại học Nông nghiệp năm thứ hai thì đi bộ đội. Cậu hi sinh tại chiến trường Đắc Tô năm 1974. Mẹ vẫn nói: “Cậu cao to, học giỏi. Cậu hi sinh, ông bà cứ ốm đau mãi; bà như mất hồn, tê dại đi…”. Mẹ bày hoa quả lên mộ cậu. Mẹ khóc và khấn. Ai cũng thắp hương lên mộ cậu và mộ các liệt sĩ trong nghĩa trang.

   Độ 10 giờ cả nhà ra về với bao nỗi niềm thương nhớ. Người đến tảo mộ càng đông. Bao xúc động cứ nén chặt trong lòng em rồi dâng lên bồi hồi. Hình ảnh ông bà ngoại, hình ảnh cậu Quang cứ vương vấn mãi hồn em.

   Đã gần một năm trôi qua, nhưng màu xanh của đồng lúa và những ngôi mộ trong khu nghĩa trang, mộ ông bà ngoại, mộ cậu Quang đã khắc vào tâm hồn em bao kỉ niệm, bao nhớ thương một thời thơ bé.

   Thanh minh đi tảo mộ là một phong tục đẹp. Những kẻ tha hương bên trời Tây, ai còn nhớ?

“Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ, hội là Đạp thanh…”

(Nguyễn Du)

Nguyễn Thị Ngọc Phương – Lớp 9

Trường THCS Hải Dương

loigiaihay.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *