Giải bài tập Luyện từ và câu: Câu khiến trang 87 SGK Tiếng Việt 4 tập 2. Câu 3. Em hãy nói với bạn một câu để mượn quyển vở. Viết lại câu ấy.
I. Nhận xét
1. Câu in nghiêng dưới đây dùng làm gì?
Gióng nhìn mẹ, mở miệng, bật lên thành tiếng:
– Mẹ mời sứ giả vào đây cho con!
THÁNH GIÓNG
Gợi ý:
Con xét xem mục đích của câu được dùng để làm gì?
Trả lời:
Câu: “Mẹ mời sứ giả vào đây cho con!” được dùng để thể hiện một yêu cầu của con đối với mẹ.
2. Cuối câu in nghiêng có dấu gì?
Gợi ý:
Con quan sát câu in nghiêng.
Trả lời:
Cuối câu này có dấu chấm than.
3. Em hãy nói với bạn một câu để mượn quyển vở. Viết lại câu ấy.
Gợi ý:
Con suy nghĩ và trả lời.
Trả lời:
Nam ơi, cho mình mượn cuốn vở tập Toán của bạn để mình chép lại mấy đề bài tập nhé!
II. Luyện tập
1. Tìm câu khiến trong những đoạn trích đã cho:
a) Cuối cùng, nàng quay lại bảo thị nữ:
– Hãy gọi người hàng hành vào cho ta!
LỌ NƯỚC THẦN
b) Một anh chiến sĩ đến nâng con cá lên hai bàn tay nói nựng: “Có đau không, chú mình? Lần sau, khi nhảy múa phải chú ý nhé! Đừng có nhảy lên boong tàu!”
HÀ ĐÌNH CẨN
c) Con rùa vàng không sợ người, nhô thêm nữa, tiến sát về phía thuyền vua và nói:
– Nhà vua hoàn gươm lại cho Long Vương!
SỰ TÍCH HỒ GƯƠM
d) Ông lão nghe xong, bảo rằng:
– Con đi chặt cho đủ một trăm đốt tre, mang về đây cho ta.
CÂY TRE TRĂM ĐỐT
Gợi ý:
– Con xét mỗi câu đó xem mục đích của người nói, người viết trong câu đó là gì? Nếu dùng để nêu yêu cầu, đề nghị, mong muốn,… thì đó là câu khiến.
– Dấu hiệu nhận biết câu khiến: Cuối câu có dấu chấm than hoặc dấu chấm.
Trả lời:
Các câu khiến:
a. Hãy gọi người hàng hành vào cho ta!
b. Lần sau, khi nhảy múa phải chú ý nhé!
Đừng có nhảy lên boong tàu!
c. Nhà vua hoàn gươm lại cho Long Vương!
d. Con đi chặt đủ một trăm đốt tre, mang về đây cho ta.
2. Tìm 3 câu khiến trong SGK Tiếng Việt hoặc Toán của em
Gợi ý:
Con chủ động tìm kiếm và ghi lại.
Trả lời:
– Em hãy viết kết bài mở rộng cho bài tả cây tre ở quê em.
– Vào ngay! (trích từ Ga-vrốt ngoài chiến lũy)
– Ngủ ngon a-kay ơi, ngủ ngon a-kay hỡi!
3. Hãy đặt một câu khiến để nói với bạn, với anh chị hoặc với cô giáo (thầy giáo)
Gợi ý:
– Nội dung: Yêu cầu, đề nghị, mong muốn một việc gì đó.
– Hình thức: Kết thúc câu có dấu chấm than hoặc dấu chấm.
Trả lời:
– Bạn giúp mình xin phép cô giáo cho mình nghỉ học hôm nay vì mình bị cảm nhé!
– Tối nay, chị giảng lại giúp em bài toán nhé!
– Thưa cô, cô có thể giảng lại phần vừa rồi được không ạ!
Chia sẻ: Tailieuhay.net