Nghìn lẻ một đêm – Chương 21: Chàng hoàng tử

Rồi Marzavan kể tất cả những gì chàng biết về công chúa cho hoàng tử nghe từ cái đêm định mệnh hai người gặp nhau một cách rất kỳ lạ.

Bà vú nuôi của công chúa Trung Hoa có một người con trai tên là Marzavan, anh em cùng dòng sữa với công chúa, bà nuôi dạy cùng với công chúa. Tình thân của họ rất sâu sắc trong thời thơ ấu, suốt thời gian họ sống gần nhau, họ coi nhau như anh em, ngay khi tuổi đã hơi lớn và buộc phải sống xa nhau.
 

Giữa nhiều các môn học mà Marzavan học tập rèn luyện từ thuở niên thiếu, Chàng có xu hướng đi sâu vào khoa chiêm tinh tư pháp, khoa bói toán và nhiều môn khoa học huyền bí khác mà chàng tỏ ra rất có năng khiếu. Chưa vừa lòng với tất cả những gì đã học được ở các thầy, khi thấy đã có tương đối đủ sức để chịu đựng mệt mỏI đường trường, chàng bèn tổ chức những chuyến đi chu du khắp nơi để học hỏi. Không có một danh nhân nào ở bất cứ lĩnh vực khoa học nào, lĩnh vực nghệ thuật nào mà chàng không tìm đến để thụ giáo dù phải đi tới những tỉnh thành rất xa xôi hẻo lánh.

 

Sau rất nhiều năm vắng mặt, Marzavan cuối cùng trở về kinh đô Trung Quốc và những thủ cấp sắp hàng mà chàng nhìn thấy trên cổng thành làm chàng cực kỳ kinh ngạc. Khi về tới nhà chàng hỏi vì sao mà trên cổng thành lại treo nhiều thủ cấp và trên tất cả, chàng hỏi tin tức về công chúa, cô em cùng dòng sữa mà chàng không bao giờ quên. Vì người ta sẽ không làm cho chàng thoả mãn được nếu không gộp cả hai câu hỏi của chàng lại. Chàng chỉ biết được về đại thể những điều muốn biết trong khi chờ mẹ, bà vú nuôi của công chúa nói cho biết rõ ràng hơn.

 

Scheherazade ngừng lại ở đoạn này. Nàng kể tiếp câu chuyện vào đêm sau theo yêu cầu của hoàng Đế Ấn Độ.

 
 
“- Tâu bệ hạ – Nàng nói – Tuy là bà vú nuôi, mẹ chàng Marzavan rất bận về việc chăm nom công chúa Trung Quốc nhưng cũng hay tin con trai thân yêu đã trở về. Bà cũng thu xếp được thời gian để về ôm hôn và chuyện trò với con một lát. Sau khi bà, nước mắt lưng tròng, kể cho con nghe tình trạng thảm thương của công chúa và nguyên nhận vì sao mà hoàng đế Trung Hoa trừng phạt nàng, Marzavan xin mẹ tạo cho chàng điều kiện bí mật đến thăm nàng không để nhà vua biết. Bà vú nuôi suy nghĩ một lát rồi bảo chàng:
 

– Mẹ chưa biết nói sao với con bây giờ. Nhưng chờ đến mai, cũng giờ này, có thế nào mẹ sẽ cho con biết.

 

Vì ngoài bà vú nuôi ra, không ai được tới gần công chúa nếu chưa được người chỉ huy hoạn nô canh gác cửa cho phép. Bà vú nuôi biết người này mới chỉ được phục vụ thời gian gần đây nên những việc xảy ra trong triều trước đây hắn ta không rõ. Vì vậy bà bảo hắn:

 

– Anh biết tôi là người đã nuôi nấng công chúa, nhưng chắc là chưa biết tôi đã cùng nuôi đứa con gái của tôi cũng cùng một tuổi chung với nàng. Tôi đã gả chồng cho nó cách đây chưa lâu. Công chúa vốn rất yêu thương em nó, rất muốn gặp em nhưng không muốn để cho ai biết lúc vào cũng như lúc ra.

 

Bà vú nuôi trình bày thêm nữa, nhưng người chỉ huy hoạn nô gạt đi:

 

– Thế là đủ rồi – Hắn bảo – Tôi sẽ làm tất cả những gì thuộc phạm vi quyền hạn của tôi có thể làm công chúa vui lòng. Hãy bảo con gái bà đến đi hoặc bà tự mình đem cô ấy tới đây vào chập tối nay và cho vào buồng công chúa lúc nhà vua đã trở lại hậu cung. Cửa sẽ để mở sẵn đấy.

 

Tối hôm đó, bà vú nuôi tìm con trai, cải trang cho Marzavan thành một phụ nữ thật khéo khiến không ai nhận ra đó là một người đàn ông. Bà cùng con đi tới toà tháp cổ. Viên hoạn nô không nghi ngờ gì cho đó là con gái bà, mở cửa và để cho hai người cùng vào.

 

Trước khi giới thiệu Marzavan, bà tới gần công chúa:

 

– Thưa công chúa – Bà bảo nàng- Đây không phải là một người phụ nữ mà là Marzavan con trai vú vừa đi chu du trở về mà vú tìm cách cho nó vào thăm công chúa dướI bộ quần áo này. Vú hy vọng là công chúa cho nó vinh dự được tỏ lòng kính trọng nàng.

 

Nghe tên Marzavan, công chúa vui mừng khôn xiết.

 

– Hãy lại gần đây, anh trai! Và hãy cất cái mạng che mặt đi! Không có luật nào cấm anh trai và em gái không được nhìn thẳng mặt nhau.

 

Marzavan cung kính chào, nàng không để chàng kịp nói, đã vội bảo:

 

– Tôi rất vui mừng thấy anh được hoàn toàn khoẻ mạnh sau bao năm vắng mặt chẳng có một lời báo tin về, ngay cả đối với mẹ hiền của anh.

 

– Thưa công chúa- Marzavan nói- Tôi vô cùng cảm ơn tấm lòng tốt của công chúa. Tôi chờ đợi ở công chúa khi về đây, những tin tức tốt lành hơn là những điều tôi đã được biết và chứng kiến với tất cả sự đau buồn có thể tưởng tượng được. Tôi cũng rất vui mừng đã về được sớm để đem lại cho nàng sự lành bệnh cần thiết, sau thất bại của bao nhiêu người khác. Nếu tôi không đạt được kết quả trong việc này, sau bao nhiều công phu nghiên cứu và đi đây đi đó học hỏi thì tôi không tự cho mình là được thưởng công xứng đáng.

 

Nói xong Marzavan lấy ra quyển sách và các vật dụng khác tưởng cần phải mang theo đựa vào những lời mẹ chàng nói về bệnh tình công chúa.

 

– Sao? Anh trai? – Nàng kêu lên khi thấy chàng lôi ra các thứ lỉnh kỉnh – Anh cũng tin như mọi người là tôi điên rồ ư? Chớ có nhầm và hãy nghe tôi nói đây.

 

Công chúa kể với Marzavan tất cả câu chuyện của nàng, không quên một chi tiết nào kể cả chuyện trao đổI nhẫn mà nàng chìa ra cho chàng thấy.

 

– Tôi không giấu anh một tí gì – Nàng nói thêm – về tất cả những chi tiết tôi vừa kể. Đúng là có một cái gì đó không sao hiểu nổi làm cho mọi người cứ tưởng là tôi mất trí, nhưng người ta lại không chú ý những điều còn lại như tôi đã kể.

 

Khi công chúa nói xong, Marzavan lòng đầy thán phục và ngạc nhiên, cúi đầu hồi lâu không nói gì. Cuối cùng chàng ngửng đầu lên cương quyết:

 

– Thưa công chúa – Chàng nói – Nếu tất cả những gì công chúa vừa kể là thật, mà tôi cũng tin như thế, nên tôi không thất vọng mà sẽ làm cho nàng được thoả nguyện. Chỉ xin nàng hãy cố gắng kiên nhẫn thêm một thời gian nữa, cho tới khi tôi đảo qua tất cả các quốc gia mà tôi chưa qua, và tới khi nàng được tin tôi trở về thì hãy tin chắc người mà nàng đang yêu say đắm không còn ở xa nàng nữa đâu.

 

Sau những lời này, Marzavan xin cáo biệt công chúa và lên đường ngay ngày hôm sau.

 

Marzavan đi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, từ thành phố này sang thành phố khác, từ hải đảo gần đến hải đảo xa, ở đâu chàng cũng nghe người ta nói về nàng công chúa Badoure (đó là tên công chúa Trung Quốc) và chuyện của nàng.

 

Sau bốn tháng, chàng du khách của chúng ta tới Tarf, một thành phố ven biển, to rộng và rất đông dân mà ở đây họ không nói tới công chúa Badoure mà lại nói về hoàng tử Camaralzaman. Họ nói chàng đang ốm và kể chuyện của chàng nghe từa tựa như ehuyện của công chúa Badoure. Marzavan mừng rỡ không sao tả xiết. Chàng hỏi chàng hoàng tử đó ở chỗ nào trên trái đất này và được biết: tới chỗ chàng có hai đường thuỷ bộ và đường thuỷ là đường gần hơn nhiều.

 

Marzavan chọn con đường sau và đáp một thuyền buôn được xuôi chèo mát mái tới tận gần kinh đô đất nước của honng đế Schah zaman. Nhưng trước khi cập bến cảng, do sự vụng về của hoa tiêu, thuyền đụng vào đá ngầm chìm nghỉm. Lâu đài trong đó có hoàng tử Camaralzaman và quốc vương Schahzaman lúc đó đang chuyện trò cùng tể từớng của mình chẳng cách xa chỗ đắm thuyền là mấy.

 

Marzavan vốn rất giỏi bơi lội. Chẳng một phút luỡng lự chàng lao xuống nước và bơi xuống tận chân toà lâu đài của quốc vương Schahzaman, ở đây chàng được cứu hộ theo lệnh của tể tướng và ý của quốc vương. Chàng được thay quần áo ướt, được đối xử tử tế và khi đã thấy chàng hồi sức, chàng được dẫn tới trước tể tướng theo lệnh của ông.

 

Vì Marzavan là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, dáng điệu lễ độ nên được tể tướng tiếp đãi rất thịnh tình nhất là sau những câu hỏi han, chàng đáp lại thật thông minh chính xác. Tể tướng cảm nhận thấy kiến thức của chàng thật sâu rộng. Vì vậy ông nói:

 

– Nghe chàng nói, ta thấy chẳng phải là người thường. Cầu thượng đế ban ơn, trong những chuyến chu du thiên hạ, chàng có học được bí quyết gì để chữa cho một con bệnh đã làm cho cả triều đình này lo phiền rất lâu rồi không?

 

Marzavan đáp là nếu chàng biết căn bệnh của người bị ốm thì có thể tìm ra thuốc chữa.

 

Tể tướng bèn kể cho Marzavan bệnh trạng của hoàng tử Camaralzaman suốt từ đầu chí cuối. Ông cũng không giấu chút gì về xuất thân đáng được mong ước của hoàng tử, sự giáo dục của chàng và ý muốn của hoàng đế Schahzaman muốn chàng sớm kết thành gia thất, về sự bất kính của chàng giữa triều đình, về sự tống giam chàng và cả những việc làm rồ đại của chàng trong lúc bị giam cầm. Tất cả những cái đó đã biến chàng thành một kẻ si tình mê say mãnh liệt một cô nương vô danh có thể chẳng có ở trên đời này, ngoài căn cứ là một chiếc nhẫn mà hoàng tử khăng khăng cho là nhẫn của cô nương đó.

 

Nghe lời kể của tể tướng, Marzavan thấy vô cùng thích thú là trong cái rủi bị đắm thuyền lại gặp cái may là tới đúng cái nơi đang tìm. Không còn nghi ngờ gì nữa, chàng thấy hoàng tử Camaralzaman đúng là người mà công chúa Trung Hoa yêu mê mệt và chính công chúa lại chính là đối tượng mối tình nồng nhiệt của hoàng tử. Chàng không trình bày gì với tể tướng mà chỉ nói nếu được nhìn thấy hoàng tử thì sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn phương pháp để giúp chàng trị bệnh.

 

– Vậy thì hãy theo ta – Tể tướng bảo – Anh sẽ thấy nhà vua đang ở chỗ hoàng tử, Người cũng đang muấn gặp anh đó.

 

Đầu tiên đập vào mắt Marzavan lúc bước vào phòng hoàng tử là thấy chàng nằm thượt trên giường, đôi mắt nhắm nghiền. Marzavan quên cả việc có thể làm phiền hoàng đế Schahzaman đang ngồi cạnh con cũng như hoàng tử ốm yếu đã thảng thốt kêu lên:

 

– Trời đất ơi! Không có gì trên thế gian này lại có thể giống nhau hơn.

 

Ý chàng muốn nói là trông hoàng tử lúc này thật chẳng khác gì công chúa Trung Hoa. Đúng là hai người có những nét đặc biệt như đúc của nhau vậy.

 

Câu thốt ra trên đây của Marzavan làm cho hoàng tử Camaralzaman nảy trí tò mò, mở mắt ra nhìn chàng. Marzavan, đặc biệt thông minh, lợi dụng lúc đó đọc luôn mấy câu thơ chào mừng. Dù lời lẽ kín đáo, cả hoàng đế và tể tướng đều không hiểu, nhưng chàng tả rất khéo điều gì đã xảy ra cho công chúa Trung Hoa, là hoàng tử chẳng nên nghi ngờ việc chàng có biết công chúa và có thể cho hoàng tử biết tin tức về nàng. Thoạt nghe, hoàng tử đã lộ vẻ vui mừng trên nét mặt và nhất là trong đôi mắt của chàng.”

 

Hoàng hậu Schehrazade không còn thời gian để kể thêm nữa đêm đó. Hoàng đế cho phép nàng được kể tiếp đêm sau.

 
 
“- Tâu bệ hạ, khi Marzavan đọc xong những câu thơ khen tụng làm cho Calnaralzaman ngạc nhiên thích thú, hoàng tử liền lễ phép đưa tay ra hiệu cho nhà vua nhường chỗ ngồi cho Marzavan.
 

Nhà vua hân hoan thấy hoàng tử con trai mình có sự đổi thay đầy triển vọng, đứng lên, cầm lấy tay Marzavan và bắt chàng ngồi xuống chỗ mình vừa ngồi. Ông hỏi chàhg là ai, từ đâu đến và sau khi chàng cho nhà vua biết chàng là thần dân của hoàng đế Trung Quốc và từ đất nước của Người mà tới đây.

 

– Cầu xin Thượng đế – Ông bảo chàng – Phù hộ cho ngài cứu con trai ta ra khỏi cảnh sầu muộn sâu sắc này, ta sẽ vô cùng biết ơn ngài và sự đền ơn của ta sẽ hết sức huy hoàng, cả trái đất này sẽ phải thừa nhận là xưa nay chưa hề có một sự hậu thưởng nào như thế.

 

Marzavan rỉ tai hoàng tử Camaralzaman:

 

– Thưa hoàng tử, từ nay trở đi ngài sẽ không còn phảo bi lụy một cách thật thương tâm như vậy nữa. Cô nương đã làm ngài đau khổ đó là người tôi quen biết. Đó là công chúa Badoure, con gái hoàng đế Trung Quốc danh hiệu là Gaiour. Tôi có thể nói chắc chắn với ngài là chính nàng đã kể chuyện của nàng cho tôi nghe cũng như tôi vừa được nghe chuyện của ngài. Công chúa cũng ốm tương tư vì ngài cũng như ngài đang ốm tương tư vì công chúa.

 

Rồi Marzavan kể tất cả những gì chàng biết về công chúa cho hoàng tử nghe từ cái đêm định mệnh hai người gặp nhau một cách rất kỳ lạ. Chàng cũng không quên cung cách đối xử của hoàng đế Trung Quốc đối với những người bị thất bại trong mưu toan chữa bệnh cho nàng, cái bệnh được gọi là điên cuồng mất trí đó.

 

– Chỉ có duy nhất ngài – Chàng nói thêm – Là người có thể chữa cho nàng khỏi bệnh hoàn toàn và ngài chẳng sợ gì mà không ra mắt. Nhưng trước khi làm một chuyến đi dài ngày, ngài cần phải khoẻ mạnh đã rồi chúng ta sẽ ehuẩn bị những gì cần. Ngài phải luôn nghĩ tới việc phục hồi sức lực.

 

Lời Marzavan có một hiệu quả mãnh liệt. Hoàng tử Camaralzaman thấy được an ủi bội phần vì hy vọng vừa thâu nhận. Chàng thấy như đủ sức để ngồi dậy và đứng lên, Chàng xin nhà vua được mặc áo quần tề chỉnh với đáng vẻ tươi tỉnh làm vua mừng vui khôn xiết.

 

Nhà vua chỉ còn biết ôm lấy Marzavan mà cảm ơn, cũng không hỏi chàng làm cách nào để có được một hiệu quả đáng ngạc nhiên như vậy. Ông cùng với tể tửớng ra khỏi toà tháp cổ để bố cáo tin vui đó với toàn dân. Ông hạ lệnh cho tổ chức vui chơi trong nhiều ngày, ban thưởng cho quần thần và dân chúng, bố thí cho người nghèo và ân giảm cho các tù nhân. Trong kinh thành và tất cả các vùng đất đai vương quốc Schahzaman đều tưng bừng niềm vui và phấn khởi.

 

Hoàng tử Camaralzaman suy nhược vì bao đêm không ngủ và ăn uống thất thường đã phục hồi nhanh chóng. Khi chàng cảm thấy mình khá khoẻ có thể chịu đựng được nỗi mệt nhọc đường trường liền gọi riêng Marzavan ra bảo:

 

Bạn Marzavan thân mến? – Hoàng tử nói – Đã đến lúc thực hiện lời bạn đã hứa. Trong niềm mong được thấy lại nàng công chúa yêu kiều và để chấm dứt nỗl dằn vặt của nàng vì tôi, nếu chúng ta không lên đường ngay thì tôi cảm thấy nhất định lại rơi vào tình trạng mà bạn thấy trước đây. Có một điều làm tôi khổ tâm và có thể làm chuyến đi chậm trễ đó là lòng thương yêu thái quá của phụ vương tôi. Người chẳng bao giờ muốn cho phép tôi rời xa Người. Đó sẽ là một điều thật đau lòng cho tôi nếu bạn không tìm được cách nào khắc phục giúp. Bạn thấy đấy, Người chẳng rời mắt tôi phút nào.

 

Hoàng tử không ngăn nổi nước mắt khi dứt lời.

 

– Thưa hoàng tử – Marzavan nói- Tôi đã lường trước trở ngại to lớn đó, ngài cứ để tôi lo liệu. Ý đồ của tôi trong chuyến đi này là giúp công chúa khỏi hết bệnh tương tư, đó là vì tình bạn thân thiết của chúng tôi từ nhỏ, vì nhiệt tình và lòng thương yêu của tôi đối với công chúa hiện nay. Tôi sẽ chẳng làm tròn bổn phận nếu không đem hết khả năng của mình ra thi thố để nàng được an ủi đồng thời cũng là niềm an ủl của hoàng tử. Vậy đây là điều tôi dự định để vượt qua khó khăn được hoàng thượng cho phép như chúng ta mong mỏi. Từ ngày tôi tới đây, ngài như bị cấm cung. Hãy thưa với hoàng thượng là ngài muốn được ra bên ngoài cho thoáng khí và xin với Người được cùng với tôi làm một cuộc đi săn độ hai hoặc ba ngày, chắc hoàng thượng chẳng nỡ từ chối. Khi đã được người ưng thuận rồI thì ngài sẽ ra lệnh chuẩn bị cho mỗi người chúng ta hai con ngựa, một để cưỡi, một để thay đổi. Những việc còn lại, cứ để mặc tôi.

 

Ngày hôm sau, hoàng tử Camaralzaman lựa thời cơ thưa với vua cha ý muốn ra bên ngoài hóng gió mát và nếu Người thấy có thể được thì xin cho đi săn vài ba ngày cùng với Marzavan.

 

– Cha rất muốn – quốc vương bảo – nhưng với điều kiện là con không được ngủ ở ngoài quá một đêm. Mới ốm dậy mà hoạt động nhiều sẽ rất có hại cho sức khoẻ và sự vắng mặt lâu của con sẽ làm cho cha buồn đấy.

 

Nhà vua ra lệnh chọn cho chàng những con ngựa tốt nhất và tự mình chăm nom việc chuẩn bị để chàng không thiếu thứ gì. Khi mọi việc đã xong xuôi ông ôm hôn con, và dặn dò Marzavan phải chú ý chăm sóc hoàng tử rồi ông để cho chàng đi.

 

Hoàng tử Camaralzaman và Marzavan phóng về nông thôn và để đánh lừa hai tên giám mã dắt những con ngựa thay thế, họ làm như đi săn thật, càng đi xa thành phố càng tốt. Chập tối, họ dừng lại ở một quán trọ của khách lữ hành, ăn tối và ngủ cho đến nửa đêm. Marzavan thức giấc trước, đánh thức hoàng tử Camaralzaman dậy và không làm gì động đến hai tên giám mã. Chàng yêu cầu hoàng tử đưa cho mình bộ quần áo đang mặc và lấy bộ quần áo mà tên giám mã mang theo mặc thay vào. Họ lên ngưa và mỗi người dắt theo một con ngựa thay cùng với một ngựa của tên giám mã rồi cùng phóng nhanh.

 

Tang tảng sáng, hai kỵ sĩ tới một khu rừng và đến một ngã tư. Tới chỗ này, Marzavan bảo hoàng tử đợi chàng một lát và đi sâu vào trong rừng. Chàng chọc tiết con ngựa của tên giám mã, xé tan bộ áo quần của hoàng tử vừa cởi ra thấm vào máu ngựa rồi quay trở lại chỗ hoàng tử đang đợi, ném bộ quần áo bị xé rách và nhuốm đầy máu ra giữa ngã tư đường.

 

Hoàng tử Camaralzaman hỏi Marzavan thế là có ý gì, Marzavan đáp:

 

– Thưa hoàng tử, khi đức vua cha ngài chiều nay không thấy ngài trở về hoặc Người được bọn giám mã cho biết chúng ta đi trong lúc chúng còn đang ngủ thì nhất định là Người sẽ cho đuổi theo chúng ta. Bọn người nào đuổi theo hướng này sẽ thấy bộ quần áo của hoàng tử đầy máu, sẽ cho là hoàng tử đã bị thú dữ sát hại, còn tôi đã vì sợ tội mà trốn đi rồi. Nhà vua, theo lời tâu trình của họ, nghĩ là ngài không còn ở trên đời này nữa nên ngừng các cuộc tìm kiếm, thế là chúng ta có thể yên tâm tiếp tục cuộc hành trình không còn sợ rượt theo nữa. Việc đề phòng như thế quả là có phần quá mạnh mẽ, như một đòn trời giáng xuống người cha vốn thương yêu con rất mực sẽ tưởng là con mình đã bị chết thảm thương. Nhưng niềm vui của quốc vương cha ngài sẽ được nhân lên gấp bội khi được biết ngài vẫn sống mạnh khoẻ và được mãn nguyện.

 

– Bạn Marzavan? – Hoàng tử Camaralzaman nói – Bạn thật dũng cảm và mưu trí. Tôi chỉ còn biết hoan nghênh cái kế sách tài tình của bạn thôi. Thêm một lần nữa xin cảm ơn bạn.

 

Hoàng tử và Marzavan đã mang theo đi nhiều châu ngọc đủ chi tiêu dọc đường, tiếp tục chuyến đi qua sông qua núi, chỉ thấy có mỗi một trở ngại là mất rất nhiều thời gian vì non sông cách trở. Cuối cùng họ đã tới kinh đô Trung Quốc ở đó đáng lẽ Marzavan đưa hoàng tử về nhà mình thì lại dừng chân ở một nơi công cộng của những người ngoại quốc. Họ ở đấy ba ngày để xua tan mệt nhọc của những ngày đi đường và trong khoảng thời gian này, Marzavan cho may một chiếc áo của các nhà chiêm tinh để cải trang cho hoàng tử. Hết ba ngày nghỉ ngơi, họ cùng nhau đi tắm rửa và sau đó hoàng tử mặc áo nhà chiêm tinh vào rồi Marzavan dẫn hoàng tử đi thẳng tới hoàng cung còn chàng thì về báo cho mẹ mình, vú nuôi của công chúa Badoure, biết là chàng đã về để mẹ báo cho công chúa.

 

Đến đây hoàng hậu Scheherazađe ngừng lời vì thấy trời đã rạng. Đêm sau kể tiếp, nàng nói với hoàng đế Ấn Độ:

 
 
“- Tâu hoàng thượng, hoàng tử Camaralzaman đã được Marzavan bảo cho biết phải làm gì rồi, và đã được trang bị các thứ phù hợp với một nhà chiêm tinh, với bộ quần áo như thế chàng tiến đến tận cổng hoàng cung của hoàng đế Trung Hoa, đứng lại và hô to trước mặt lính cấm vệ và lính canh cổng:
 

– Tôi là nhà chiêm tinh, đến đây để chữa bệnh cho công chúa Badoure đáng kính lệnh ái của đức vua Gaiour cao cả và hùng mạnh, quốc vương Trung Hoa, theo đúng điều kiện mà Người đã đề ra, tức là được lấy nàng nếu thành công hoặc mất đầu nếu thất bại.

 

Ngoài lính cấm vệ và lính gác cổng ra, tin mới lạ này trong phút chốc đã làm cho đám đông dân chúng tới quây quanh lấy hoàng tử Camaralzaman. Sở dĩ như vậy là vì đã rất lâu rồi chẳng có một thầy lang, một nhà chiêm tinh, một pháp sư nào dám trình diện từ sau bao nhiêu tấm gương bi thảm của những người đã thất bại trong việc chữa trị. Người ta tưởng chẳng còn ai ngu ngốc như họ nữa.

 

– Nhìn vào khuôn mặt khôi ngô của hoàng tử, dáng điệu cao quý, vẻ trẻ trung của chàng, nhiều người tỏ ra ái ngại:

 

– Ngài nghĩ gì vậy, thưa ngài – Những người đứng gần nhất hỏi chàng – Vì sao lại điên rồ, dấn thân vào một cái chết chắc chắn trong khi cuộc đời tràn đầy hi vọng tất đẹp? Những cái thủ cấp mà ngài nhìn thấy bầy trên các cổng thành không làm ngài kinh sợ sao? Nhân danh Thượng đế, xin ngài hãy từ bỏ cái ý đồ tuyệt vọng ấy và hãy rút lui đi.

 

Trước những lời can ngăn đó, hoàng tử Camaralzaman vẫn giữ vững, không hề, nao núng và khi thấy không có ai ra dẫn mình vào, chàng lại hô lên một lần nữa với giọng cả quyết làm tất cả mọi người run lên. Và họ kêu la: ”Hắn đã quyết chết, cầu xin Thượng đế rủ lòng thương cho sự trai trẻ và linh hồn hắn?” Chàng trai hô lên lần thứ ba và cuối cùng thì tể tướng theo lệnh của hoàng đế Trung Quốc tới nắm lấy tay chàng.

 

Viên tể tướng dẫn chàng đến trước hoàng đế. Hoàng tử vừa thấy ông ngồi trên ngai đã vội quỳ xuông hôn mặt đất trước mặt ông. Trong tất cả những người bạo gan dám đem đầu mình tới đặt cược dưới chân mình, nhà vua chưa từng thấy một ai xứng đáng đế mình để mắt tới, lúc này cảm thấy thực sự thương hại đối với Camaralzaman đang dấn thân mình vào hiểm hoạ. Ông cho chàng được có vinh dự hơn mọi người, muốn chàng tới gần và ngồi xuống cạnh mình:

 

– Hỡi chàng trai trẻ? – Ông bảo chàng – Ta thật khó tin, ở cái tuổi của chàng mà đã thu lượm được nhiều kinh nghiệm để dám nhận chữa trị cho con gái ta. Ta rất muốn chàng thành công. Ta sẽ gả công chúa cho chàng không những là không bực bội mà còn hết sức vui mừng, khác vớI sự miễn cưỡng bất đắc dĩ phải gả cho những người đến trước chàng nếu họ thành công. Nhưng ta đau lòng tuyên bố là nếu chàng thất bại thì mặc dù còn rất trẻ, mặc dù cái dáng dấp cao sang của chàng, các cái đó cũng không thể ngăn ta cho chặt đầu chàng.

 

– Tâu bệ hạ – Hoàng tử Camaralzaman nói – Tôi vô cùng biết ơn về những ân huệ mà Người ban cho và tấm lòng nhân hậu của Người đối với một người không quen biết. Tôi không phải đến từ một đất nước quá xa để dành tính của tôi có thể đất nước của Người không biết tôi, để không thực hiện ý định đã dẫn đắt tôi đến đây. Chẳng lẽ người ta lại không bàn tán về sự nông nổi của tôi nếu tôi từ bỏ cái ý đồ thật hào hiệp đó sau bao nhiêu mệt nhọc và hiểm nguy đã phải trải qua. Phải chăng chính bệ hạ cũng mất đi lòng yêu mến mà Người đã cảm nhận được từ con người tôi? Nếu phải chết, tâu bệ hạ, tôi sẽ chết với tấm lòng thanh thản không hối tiếc vì đã không làm mất đi lòng yêu mến đã từng được cho là xứng đáng. Vậy nên tôi cầu xin bệ hạ đừng bắt tôi phải nóng lòng chờ lâu hơn nữa trong việc chứng thực sự chính xác tài năng của mình bằng cuộc thử nghiệm mà tôi đã sẵn sàng tiến hành.

 

Hoàng đế Trung Hoa lệnh cho viên hoạn nô canh giữ công chúa Badoure, lúc đó có mặt, đưa hoàng tử Camaralzaman tới chỗ công chúa, con gái Người. Trước khi để chàng đi, nhà vua nói là chàng hãy còn được tự do để rút lui ý định của mình. Nhưng hoàng tử im lặng đi theo viên hoạn nô một cách cả quyết hay đúng hơn là bằng một sự hăng hái đáng ngạc nhiên.

 

Hoạn nô dẫn đường cho hoàng tử Camaralzaman đi, và khi tới một hành lang dài mà cuối hành lang là buồng công chúa, hoàng tử lúc đó thấy mình đang rất gần con người đã làm chàng chảy bao nhiêu nước mắt và không ngừng thở ngắn than dài từ bao lâu nay chàng bỗng rảo bước vượt lên trên viên hoạn nô. .

 

Viên hoạn nô cũng rảo bước theo nhưng khó mà đuổi kịp.

 

– Ngài đi đâu mà hấp tấp vậy? – Y nói và nắm cánh tay chàng giữ lại- Không có tôi thì ngài không vào được đâu. Chắc là ngài rất muốn chết nên mới chạy nhanh đến cái chết như vậy. Không một ai trong số bao nhiêu nhà chiêm tinh mà tôi thấy và dẫn tới đây trước ngài, lại tỏ ra vội vàng như thế.

 

– Anh bạn ạ – Hoàng tử Camaralzaman nhìn viên hoạn nô và vừa nói vừa bước chậm lại – Đó là vì tất cả những nhà chiêm tinh mà bạn nói đề đều không vững tin vảo tài năng của họ như tôi tuyệt đối tin tưởng ở mình. Họ biết chắc là họ sẽ mất mạng nếu không đạt được kết quả mà cơ hội thành công họ lại không có. Cũng vì vậy nên họ run sợ khi tới gần nơi mà tôi đang đi đến đây, nơi mà tôi chắc chắn là tìm lại được hạnh phúc.

 

Nói đến đây thì họ vừa tới cửa. Viên hoạn nô mở cửa và đưa hoàng tử vào một phòng rộng, ở đó đi vào phòng công chúa chỉ phải qua một bức mành che.

 

Trước khi vào phòng, hoàng tử Camaralzaman dừng lại và khẽ rỉ tai viên hoạn nô sợ công chúa ở bên trong có thể nghe được.

 

Để cho anh bạn thấy rõ – Chàng nói – Không có một chút gì là tự phụ kiêu căng, cũng không vì sự hăng hái nông nổi của tuổi trẻ mà ta cho anh chọn một trong hai cách: Anh muốn ta chữa bệnh cho công chúa trước mặt nàng, hay là ngay tại đây không cần đi thêm nữa và cũng chẳng cần nhìn thấy mặt nàng.

 

Viên hoạn nô cực kỳ ngạc nhiên về niềm tin chắc nịch của hoàng tử qua lời chàng nói vừa rồi. Y thôi không dám có thái độ coi thường chàng nữa mà nghiêm chỉnh bảo chàng:

 

– Ở trong đó hay là ngay đây thì có gì là quan trọng. Bằng cách nào thì có nghĩa gì đâu. Miễn là công chúa khỏi bệnh. Vinh quang của ngài sẽ bất tử không những ở triều đình này mà còn ở cả khắp mọi nơí có con người trên mặt đất này.

 

– Vậy thì tốt hơn hết – Hoàng tử tiếp .- Là ta sẽ chữa bệnh cho nàng mà chẳng cần nhìn thấy nàng để anh bạn được chứng kiến tài năng của ta. Cho là dù ta có nôn nóng tới đâu để được diện kiến một công chúa cao sang sẽ là vợ của ta chăng nữa thì cũng vì sự trọng thị một phần nào đối vớí anh mà ta cũng vui lòng gác lại niềm vui đó ít lâu.

 

Vì đã mang theo tất cả các thứ đã cần cho một nhà chiêm tinh, chàng lấy giấy bút ra và viết một lá thư nhỏ sau đây gửi công chúa Trung Hoa.

 

Thư của hoàng tử Camaralzaman gửi công chúa Trung Quôc

 

“Công chúa quý mến, hoàng tử Camaralzaman si tình chẳng muốn kể với nàng nỗi đau buồn khôn tả mà chàng phải chịu đựug từ cái đêm đinh mệnh mà vẻ yêu kiều của nàng đã làm cho chàng mất đi sự tự do mà chàng đã nguyện giữ suốt đời. Chàng chỉ muốn lưu ý nàng là kể từ đêm đó chàng đã dâng hiến trái tim của chàng cho giấc ngủ vô cùng quyến rũ của nàng, giấc ngủ không đúng lúc khỉến chàng chẳng được nhìn thấy vẻ long lanh của đôi mắt đẹp của nàng mặc dầu chàng đã gắng sức bắt chúng hé mở. Chàng lại còn dám cả gan trao nhẫn cho nàng làm bằng chứng của tình yêu và đổi lâý chiếc nhẫn của nàng mà chàng gõư lại kèm theo với thư này. Nêú nàng vui lòng cũng trả lại nhẫn cho chàng, coi đó là kỷ vật của tình yêu về phía nàng thì chàng sẽ cho mình là người hạnh phúc nhất trong tất cả các người đang yêu. Nêú không thì sự khước từ của nàng cũng không ngăn nổi chàng đón nhận một cái chết tức tưởi hơn là cái chết vì tình yêu đối với nàng. Chàng đang chờ câu trả lời của nàng ở phòng đợi.

 

Khi hoàng tử Camaralzaman viết xong những dòng trên, chàng làm thành một gói cùng với chiếc nhẫn của công chúa để bên trong không để cho viên hoạn nô thấy khi trao cái gói cho y, chàng bảo:

 

– Anh bạn? Anh hãy cầm cái gói này trao cho cô chủ của anh. Nếu nàng không khỏi bệnh ngay khi đọc xong lá thư này và không chạy ra tìm người chủ lá thư thì ta cho phép anh công bố ta là người tồi tệ nhất và trơ trẽn nhất trong tất cả các nhà chiêm tinh trước đây, hiện nay và cả sau này nữa.”

 

Ánh sáng ban ngày mà Scheherazade nhìn rõ khi kể tới đây khiến nàng đứng lại. Nàng kể tiếp câu chuyện vào đêm sau và nói với hoàng Đế Ấn Độ:

 
 
“- Tâu bệ hạ, viên hoạn nô đi vào buồng công chúa Trung Quốc và đưa cho nàng cái gói của hoàng tử Camaralzaman gửi.
 

– Thưa công chúa – Y nói – Một nhà chiêm tính táo bạo hơn tất cả các người trước vừa tới đây và cho rằng công chúa sẽ khỏi bệnh ngay sau khi đọc lá thư này và nhìn xem cái gì đó trong gói ấy. Mong rằng anh ta không phải kẻ đối trá hoặc lừa bịp.

 

Công chúa Badoure cầm lấy cái gói, mở lá thư một cách thờ ơ, nhưng khi nhìn thấy chiếc nhẫn của mình thì chẳng sao mà đọc cho hết được nữa. Nàng vội vàng đứng lên, làm đứt cả sợi dây xích trói chân, chạy đến bức mành gạt ra một bên, công chúa nhận ra ngay hoàng tử, hoàng tử cũng nhận ngay ra nàng. Họ chạy lại ôm chầm lấy nhau và không nói được lời nào vì vui mừng quá đỗi, họ nhìn vào mắt nhau rất lâu, thán phục ngỡ ngàng vì đã gặp lại sau cuộc gặp gỡ đầu tiên mà họ không sao hiểu nổi. Bà vú nuôi, cùng chạy ra với công chúa, đưa cả hai vào buồng, ở đó công chúa trả lại nhẫn cho hoàng tử:

 

– Chàng hãy cầm lại di – Nàng bảo – Em chẳng thể giữ nó lại mà không trả nó về cho chàng mà thực ra thì em muốn giữ nó suốt đời. Những chiếc nhẫn này không sao có thể tìm được những bàn tay nào thích hợp hơn.

 

Viên hoạn quan lúc đó chạy cấp tốc về tâu trình với hoàng đế Trung Quốc tất cả những gì vừa xảy ra.

 

– Tâu bệ hạ – Y nói – Tất cả những nhà chiêm tinh, những thầy lang và những người khác từ trước tới nay dám liều lĩnh xông vào chữa trị cho cững chúa đều là những kẻ ngu đần dốt nát. Người tới sau cùng này chẳng cần đến bùa chú, phù phép để tiêu trừ yêu ma, cũng chẳng cần phải đụng tới hương thơm hay các thứ khác. Ông ta đã chữa khỏi bệnh cho công chúa mà chẳng cần nhìn tớI người bệnh.

 

Viên hoạn nô kể lại tất cả cách thức đã làm của nhà chiêm tinh mới tới này, và nhà vua ngạc nhiên một cách thích thú, lập tức tới nơi ở của công chúa. Ông ôm hôn con gái, ôm hôn cả hoàng tử và cầm bàn tay chàng đặt vào bàn tay công chúa, ông nói với chàng:

 

– Hỡi người khách phương xa may mắn? Dù chàng là ai, ta cũng giữ lời hứa gả con gái ta cho chàng. Cứ nhìn chàng ta không sao có thể tin là một nhà chiêm tinh mà chàng cũng đang muốn cho ta tin như vậy.

 

Hoàng tử Camaralzaman cảm tạ nhà vua bằng những lời lẽ thật nhũn nhặn để tỏ rõ sự blết ơn của mình:

 

– Tâu hoàng thượng, về con người đúng là tôi không phải là nhà chiêm tinh như Người đã xét đoán. Tôi chỉ mang bộ quần áo này để thành công hơn trong việc đáng được nhận làm phò mã của một vị hoàng đế hùng mạnh nhất thiên hạ. Tôi vốn là hoàng tử, con của quốc vương và hoàng hậu, có tên là Camaralzaman. Cha tôi là Schahzaman trị vì đảo quốc khá nổi tiếng có tên là Nhũng Đứa Con Của Khaledan .

 

Rồi chàng kể chuyện của mình và cho hoàng đế biết xuất phát mối tình của chàng thật vô cùng kỳ lạ cũng như mối tình của công chúa vậy là điều này đã được chứng minh sự xác thực bằng hai chiếc nhẫn trao đổi giữa hai người.

 

Khi hoàng tử Camaralzaman dứt lời, nhà vua kêu lên thán phục:

 

Một câu chuyện thật kỳ lạ đáng lưu lại cho hậu thế. Ta sẽ ghi lại và sau khi đã lưu trữ bản chính vào văn khố quốc gia, ta sẽ cho công bố rộng rãi dể từ đất nước ta có thể lan truyền ra những quốc gia khác.

 

Hôn lễ được cử hành ngay trong ngày hôm đó, và những cuộc vui chơi long trọng được tổ chức trong toàn vương quốc Trung Hoa rộng lớn. Marzavan không bị quên. Hoàng đế Trung Hoa phong tước vị, đưa chàng vào triều và hứa hẹn sau này sẽ cân nhắc đưa lên những cương vị cao hơn.

 

Hoàng tử Camaralzaman và công chúa Badoure cực kỳ mãn nguyện, vui hưởng tuần trăng mật êm đềm và trong nhiều tháng, hoàng đế Trung Quốc không ngừng thể hiện niềm vui bằng lễ hội liên miên.

 

Giữa những ngày vui ấy, một đêm hoàng tử Camaralzaman chiêm bao thấy vua Schahzaman cha chàng nằm hấp hối trên giường thều thào nói: ”Người con trai ta đã sinh ra mà ta hết lòng yêu quý đã bỏ ta rồi và nó cũng chính là nguyên nhân cái chết của ta.” Chàng tỉnh dậy và thốt tiếng thở dài làm công chúa cũng thức giấc. Công chúa Badoure hỏi vì sao chàng thở dài. Hoàng tử nói:

 

– Chao ôi! Có lẽ trong lúc ta nói đây thì quốc vương cha ta đã từ trần rồi.

 

Và chàng kể cho công chúa nghe nguyên nhân làm cho chàng băn khoăn sầu muộn. Nghe chàng nói, công chúa nảy ra một ý nhưng không cho chàng hay vì nàng luôn luôn muốn làm cho chàng vừa lòng. Biết được ý muốn của chàng là muốn về thăm cha và cũng vì nung nấu ý muốn đó nên cuộc sống với nàng ở chốn xa xôi này cũng bớt đi đôi phần vui thú. Cũng ngày hôm đó, lợi dụng thời cơ, công chúa đã tâu riêng với vua cha:

 

– Tâu phụ hoàng – Nàng hôn tay cha và nói – Con muốn xin Người ban ơn cho con một điều và cầu mong là không bị từ chối. Nhưng xin Người đừng cho rằng con xin điều này là do hoàng tử, chồng con khẩn khoản. Chàng không can dự gì vào đây cả, thưa cha. Điều con muốn Người ban cho đó là được phép cùng chồng con đi thăm quốc vương Schahzaman, cha chàng và là bố chồng của con.

 

– Con gái của cha – Nhà vua nói- Dù có buồn vì phải xa con, cha cũng không thể không tán thành quyết định đó. Con xử sự như thế là đúng, cho dù chuyến đi xa như vậy mệt mỏi nhiều. Con đi đi, cha đồng ý nhưng với điều kiện là con ở lại triều đình quốc vương không quá một năm. Chắc lậ nhà vua Schahzaman cũng muốn, như cha làm theo cách ấy nghĩa là lần lượt con trai và con dâu về thăm bố mẹ chồng rồi sau một năm con gái và con rể về thăm bố mẹ vợ.

 

Công chúa báo cho chồng biết là quốc vương Trung Quốc đã cho phép về thăm cha chàng. Hoàng tử vui mừng vô hạn và cảm ơn nàng về biểu hiện mới của tình yêu đối với chàng.

 

Hoàng đế Trung Quốc ra lệnh chuẩn bị cho chuyến đi của hai con và khi đã hoàn tất, ông lên đường cùng với họ, đi theo họ vài ba ngày. Cuộc tạm chia tay làm mất nhiều nước mắt ở cả hai phía. Nhà vua âu yếm hôn hai vợ chồng trẻ và sau khi khuyên hoàng tử hãy yêu thương mãi mãi công chúa, con ông cũng như ông yêu thương con gái rồi ông để cho họ tiếp tục cuộc hành trình còn ông thì vừa đi trở về kinh đô vừa lấy săn bắn làm vui.

 

Hoàng tử Camaralzaman và công chúa Badoure chỉ vừa lau khô nước mắt thì đã nghĩ đến niềm vui mà họ sẽ mang đến cho quốc vương Schahzaman. Trông thấy họ hẳn là nhà vua sẽ ôm hôn họ thật thắm thiết và hai người hẳn cũng sẽ vui mừng rộn rã.

 

Đi đường được khoảng một tháng, họ tới một bãi cỏ rộng, từng quãng từng quãng lại có những gốc cây lớn toả bóng mát thật dễ chịu. Ngày hôm đó lại oi bức nên hoàng tử Camaralzaman cho là rất đúng lúc nên hạ trại tạm nghỉ tại đây. Hỏi ý kiến công chúa Badoure, nàng đồng ý ngay vì chính nàng cũng đang muốn nói với chàng như thế. Mọi người xuống ngựa chon một nơi đẹp dựng lều. Công chúa đang ngồi nghỉ dưới bóng râm thấy lều đã dựng xong bèn đi vào, trong khi hoàng tử Camaralzaman còn đang bận ra lệnh cho bọn người hầu hoàn tất việc cắm tại. Trong lều, để cho thoải mái, công chúa cởi bỏ thắt lưng mà những cô người hầu cầm láy đặt bên cạnh nàng. Sau đó vì mỏi mệt nàng nằm xuống nghỉ, những người hầu để nàng một mình trong lều và đi ra ngoài.

 

Khi việc hạ trại được sắp xếp ổn định, hoàng tử Camaralzaman đi vào lều, thấy công chúa đang ngủ chàng lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh. Thấy chiếc thắt lưng của công chúa, chàng cầm lấy xem lần lượt ngắm nghía những viên kim cương, những viên hồng ngọc mà công chúa đính vào đấy, chàng lại thấy một cái,túi nhỏ bằng vải rất sạch, miệng túi buộc lại bằng một sợi dây. Chàng nắn nắn cái túi cảm thấy có vật gì đó răn rắn bên trong. Tò mò muốn biết đó là vật gì, chàng mở túi và lấy ra một mảnh mã não trên đó có khắc nhũng hình tượng và chữ viết chàng không đọc được Chàng nghĩ thầm: ‘Tấm mã não này hẳn là quý lắm đây, nếu không thì sao mà công chúa của ta lại phải đeo luôn bên mình sợ mất.

 

Quả vậy, đó là một tấm bùa mà hoàng hậu tặng cho công chúa con gái để bà cho nàng được hạnh phúc, theo bà, chừng nào nàng luôn mang theo nó trong người.

 

Để xem cho rõ tấm bùa đó, hoàng tử Camaralzaman đi ra ngoài lều, vì bên trong rất tối. Chàng để tấm bùa vào giữa bàn tay giơ ra ánh sáng, bất ngờ một com chim ở đâu bay xà tới, cắp tấm bùa bay đi.”

Trời đã hửng sáng khi Scheherzade kể tới đây. Nàng ngừng lại và đêm sau kể tiếp vẫn chuyện này. Nàng nói với hoàng đế Schahriar: 
– Tâu bệ hạ, Người có thể thấy được sự kinh ngạc và đau khổ của Camaralzaman mà thiếp cũng khó mà diễn tả được khi bị con chim cướp mất cái bùa trong tay. Trước chuyện xảy ra rất đáng buồn không thể tưởng tượng được chỉ vì cái tính tò mò không phải chỗ làm cho công chúa mất đi một vật báu, chàng lặng người đi mất một lúc.
Sưu tầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *