Phân tích bài thơ Tràng giang để làm rõ nhận định: Tràng giang đã tiếp nối mạch thi cảm truyền thống với sự cách tân đích thực – Lớp 11

Với Thơ mới, Huy Cận đã đủ cho một đầy đủ. Sau đó chỉ là những tiếp nối trên cõi bềnh bồng của thi pháp ấy. Như thế đã đủ cho một đời thơ vinh dự.

Đêm mưa làm nhớ không gian

Cảm hứng sáng tạo thơ ca của Huy Cận thiên về thẩm mĩ của không gian. Về với  một vẻ  đẹp xưa, cặp mắt thi nhân cũng nhìn vào:

Ngập ngừng nếp núi quanh co

Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang

Vi vu gió hút nẻo vàng

Một trời thu rộng mấy hùng mây cao…

Đưa trái tim đi vào nỗi buồn, Huy Cận cũng đặt nó vào không gian:

Vạn lí sầu lên núi tiếp mây.

(Vạn lí tình)

Hát lên khúc ru tình yêu, Huy Cận cũng lấy hòa âm trong không gian làm nền nhạc đệm:

Ngủ đi em, mộng bình thường

Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…

(Ngậm ngùi)

Thế giới Huy Cận là thế giới của “… buồn bã không gian. Mây bay lững thấp giăng màn âm u…” (Thu rừng). Trong thế giới ấy, thời gian dừng lại, lặng lẽ chuyển hóa thành tĩnh tại, thành một điểm của không gian.

Hình thái cảm ứng ấy đặc biệt được biểu hiện trong bài thơ Tràng giang. Đó là khúc trữ tình của Một chiếc linh hồn nhỏ, mang mang thiên cổ sầu.

Tràng giang là một bức tranh phong cảnh. Phong cảnh tràng giang không có màu sắc. Quả cũng có những câu thơ nói về màu:

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Màu sắc nhạt nhòa. Phong cảnh trong màu sắc nhạt nhòa của Huy Cận làm người đọc liên tưởng đến không gian trong thơ Nguyễn Khuyến. Nhà thơ thời cận đại này cũng đã phết lên trên bức tranh phong cảnh của mình những gam màu lạnh, nhạt:

Mấy chùm trước dậu, hoa năm ngoái.

Màu sắc của quá vãng. Phong cảnh tràng giang không có âm thanh. Quá cũng có những câu thơ nói về âm thanh:

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Âm thanh xa vời, chơi vơi. Không gian im lặng này cũng làm ta nhớ tới Nguyễn Khuyến:

Một tiếng trên không ngỗng nước nào.

Âm thanh có mà như không, có diễn đạt cái không.

Phong cảnh tràng giang không động. Quả cũng có những câu thơ diễn tả cái động:

        Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp…

 Củi một cành khô lạc mấy dòng…

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng…

          Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa…

Chuyển động lặng lờ. Người đọc lại đưa cảm thụ của mình về với không gian Nguyễn Khuyến. Đó cũng là một không gian tĩnh:

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Cũng như Nguyễn Khuyến, Huy Cận đã cho những chuyển động nhè nhẹ vào không gian để làm gia tăng chất tĩnh lặng của nó. Cả hai nhà thơ đã dùng cái có để nói lên cái không.

Như vậy qua những tín hiệu thẩm mĩ không gian vừa tiếp nhận, người đọc thấy nhà Thơ mới Huy Cận đã tiếp nối mạch thi cảm truyền thống, nếu thừa nhận thi cảm Nguyễn Khuyến có thẩm quyền đại diện cho mạch thi cảm ấy.

Nhưng thi cảm Huy Cận cũng là một đứt đoạn. Như vậy, Huy Cận đã thể nghiệm trong cảm hứng sáng tạo thơ ca của mình sự thống nhất biện chứng giữa cái liên tục và cái đứt đoạn. Đó mới là sự cách tân đích thực. Có bước nhảy cao nào lại không tựa vững chãi vào mặt đất, rồi lại về với mặt đất!

Không gian Nguyễn Khuyến là một địa bàn làng quê nhỏ hẹp: một ao thu lạnh lẽo nước trong veo, một ngõ trúc quanh co, cái làng Bắc Bộ cổ truyền đóng khép sau những lũy tre già. Đời sống con người chỉ lặng lờ chuyển động trong cái khung tròn nhỏ hẹp ấy.

Huy Cận đến với không gian truyền thống, nhưng lại mở ra cái không gian ấy ra ba chiều tít tắp, vô tận đến mênh mông:

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng bến cô liêu.

Huy Cận đã đưa cái không gian làng quê lên cấp không gian vũ trụ. Không gian ấy mênh mông nhưng không mông lung vì nó được xác lập bằng ba chiều (cao, rộng, dài) xác định. Đó là không gian trong những bức họa thời Phục hưng của phương Tây – một không gian vật lí cổ điển.

Như vậy nhà tây học Huy Cận đã nối sinh hóa văn hóa châu Âu bằng một đồng hóa. Nơi thẩm mĩ không gian của thơ Huy Cận, vừa có chất Đông, vừa có chất Tây. Chúng đã chan hòa trong cùng một cảm hứng sáng tạo thẩm mĩ của Huy Cận.

Huy Cận đến với Thơ mới để chứng tỏ cuộc nội sinh hóa văn hóa, văn học châu Âu xa lạ đã hoàn tất. Con sóng nơi bờ biển xa đã vỗ khúc sóng Thái Bình Dương trong thế giới thơ ca Việt Nam mà Huy Cận là một bắt đầu. Cho nên có thể nói: có một chất phương Tây trong thơ Việt Nam hiện đại trước Huy Cận và từ Huy Cận.

Cái lai Tây, hay nói như chú A.Q của Lỗ Tấn – cái Tây giả có trong thơ mới buổi đầu đã được Huy Cận xóa sạch. Bấy giờ chỉ là một phương Đông thuần phác nhưng không cổ truyền, một chất dân tộc đi vào thế giới rộng mở.

Người đọc càng cảm nhận điều kì diệu ấy qua hồn thơ Huy Cận trong Tràng giang. Đó là một hồn thơ Đường thi mở rộng ngoài biên giới phương Đông.

Người đọc sẽ tựa vào phong cảnh Tràng giang để về với tâm cảnh Huy Cận. Điều ấy đã được Nguyễn Du cho phép: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, cũng đã được Goethe cho phép: Tự nhiên khi đã đi vào nghệ thuật thì đều phải Amen con người. Ngay ngoài cuộc đời, con người đều nhìn phong cảnh qua cặp mắt tâm cảnh, huống chi là trong nghệ thuật!

Phong cảnh Tràng giang được nhìn từ một cặp mắt của một con người đang buồn: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp – một nỗi buồn xếp lớp. Một nỗi sầu trăm ngả – nỗi mang mang thiên cổ sầu. Nỗi sầu từ vạn cổ, nhưng người đọc hãy để Lí Bạch thần thi được yên trong nỗi sầu Hoàng hà nước về xuôi, trôi ra biển lớn thôi không trở về…, để yên cho Trần Tử Ngang sầu:

  Ai người trước đã qua?

   Ai người sau chưa đến?

Nghĩ trời đất vô cùng

Một mình sa giọt lệ.

Người hãy cùng tôi về với nỗi buồn trong thơ Việt.

Nguyễn Trãi có lẽ là người mở đầu cho khúc trữ tình buồn trong thơ Việt:

Côn Sơn có suối nước vàng

Tai nghe suối chảy như cung đàn cầm

Côn Sơn có đá tầm ngầm

Mưa tuôn đá sạch, ta nằm ta chơi.

Từ Nguyễn Trãi, mạch thơ buồn lắng đọng trong thi cảm Nguyễn Du: Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa. Lắng đọng trong thi cảm Tú Xương: Trời không chớp biển chẳng mưa nguồn, Đêm nào, đêm nao, tớ cũng buồn… Lắng trong thi ca Tản Đà và lắng đọng trong thi cảm Huy Cận. Nỗi buồn Huy Cận là nỗi buồn từ vạn cổ.

Nỗi buồn Huy Cận xảy ra từ những thoáng rợn ngợp: con người sao mà nhỏ bé vậy trước một đất trời sao mà mênh mông vậy! Con người chơi vơi trước đất trời cao rộng:

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Con người hụt hẫng, con người lo âu… như là con người của Qua-di-mô-đô:

              Mỗi chúng ta đứng cô đơn trên trái đất

              Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời

Nhưng chưa chi lòng đã tắt!

Con người rợn ngợp trước đất trời mênh mang nên con người cảm nhận mình là một thực thể cô đơn, một thực thể cô liêu giữa song dài, trời rộng bao la…, một thực thể cánh bèo trôi dạt:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng.

Một tùy thuộc số mệnh:

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Thi cảm Huy Cận nối mạch truyền thống từ cái đơn côi trong thi cảm Nguyễn Trãi mượn đá trời nằm chơi một mình nơi nhân thế, từ Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ…, từ nỗi buồn đơn côi trong thi cảm Nguyễn Khuyến… Như vậy, trong nỗi cô đơn của Huy Cận có cả chất Đông lẫn chất Tây. Hơn ai hết trong những nhà Thơ mới của mình, Huy Cận đã thực thi một hòa nhập hai chất thẩm mĩ phương Đông với phương Tây. Có thể nói, trong Thơ mới có một chất buồn trước Huy Cận và từ Huy Cận. Ai trước đã buồn nơi cõi tiên (Thế Lữ), đã buồn trong cõi trường tình (Lưu Trọng Lư), đã buồn trong say đắm (Xuân Diệu), đã buồn đến điên cuồng (Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên)… Nay Huy Cận buồn trong đời, buồn bằng đời: Tai nương nước giọt mái nhà, Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn… Huy Cận đã đưa cái buồn từ những nơi xa về nơi gần là cõi con người.

Với Thơ mới, Huy Cận đã đủ cho một đầy đủ. Sau đó chỉ là những tiếp nối trên cõi bềnh bồng của thi pháp ấy. Như thế đã đủ cho một đời thơ vinh dự.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *