Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích (bài 4).

Cả đoạn thư là nỗi buồn, một nồi buồn mênh mang vô tận, buồn từ lòng người thấm vào cảnh vật, nỗi buồn không thể gì làm vơi bớt, không có ai để chia xẻ.

    Sau khi trải qua liên tiếp nhiều tai biến của gia đình và bản thân, Kiều đã dự cảm về những đắng cay mà nàng sắp phải chịu. Những ngày nàng “‘ở lầu Ngưng Bích” là một khoảnh khắc yên thân tạm thời vì được Tú Bà hứa không phải tiếp khách và ở một nơi biệt lập. Nhưng tâm trạng của nàng trong những ngày ở đây là một bi kịch nội tâm đã được Nguyễn Du miêu tả tài tình, trở nên bất tử của loại thơ “tả cảnh ngụ tình” trong văn chương cổ điển. Thúy Kiều một mình đối diện với cảnh vật thiên nhiên và đối diện với lòng mình trong hoàn cảnh đất khách quê người.

Cả đoạn thư là nỗi buồn, một nồi buồn mênh mang vô tận, buồn từ lòng người thấm vào cảnh vật, nỗi buồn không thể gì làm vơi bớt, không có ai để chia xẻ.

Ta hãy hình dung lúc này Kiều đang ngồi trên lầu Ngưng Bích trước một khung cảnh thiên nhiên vắng lặng không một bóng người thân thuộc, không bầu bạn. Tâm trạng Kiều lại vừa trải qua những đau khổ tủi nhục mà dư vị vẫn còn da diết:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.”

Cảnh thiên nhiên trải rộng mênh mông, trùm phủ lên tâm hồn Kiều, vừa đối lập vừa hòa hợp:

“Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.”

Nàng chỉ thấy non xa với trăng gần, thấy cát vàng bát ngát và bụi hồng xa xôi. Bầu trời thì cao rộng vô tận, Cái vẳng lặng và mênh mông của vũ trụ, thiên nhiên đối lập với cái bé nhỏ cô độc của số phận làm tăng thêm cảm giác chua xót, đau thương trong lòng Kiều.

Cảnh thì như vậy, còn tình ra sao? linh cảm Kiều là nỗi nhớ. Mà nhớ trước tiên của nàng lúc này là Kim Trọng, sau mới đến cha mẹ:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.”

Nhớ đến Kim Trọng, Kiều nhớ đến cảnh “dưới nguyệt chén đồng”, nhớ đến lời thề nguyền dưới trăng đêm nào. Hiểu Kim Trọng, biết rõ tấm lòng chung thủy của chàng, Kiều tin rằng chàng khắc khoải “rày trông mai chờ”. Bây giờ nàng đã ở nơi “chân trời góc biển bơ vơ”, nhưng nỗi nhớ thương Kim Trọng vẫn là “tấm son” không dễ gì thời gian hay xa cách có thể làm cho nó lạt phai đi. Đối với người yêu là “tưởng nhớ”, còn đối với cha mẹ thì Kiều đã hi sinh đời mình để cứu cha khỏi tù ngục. Nay phải lưu lạc nơi đất khách quê người để cho gia đình sum họp, Kiều đã “xót” thương:

“Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?”

Cũng là “người” nhưng “thi liệu, điển cố” vận dụng ở đây đã phân biệt hai mối quan hệ khác nhau, hai tình cảm khác nhau. Đối với tình yêu, Kim Trọng thì “dưới nguyệt, chén đồng”, “tấm son gột rửa”. Còn đối với cha mẹ thì “ quạt nồng  ấp lạnh”, “sân lai” “gốc tử”.  Đó là những điển cố ước lệ, một phương pháp ẩn dụ quen thuộc của văn học cổ. Cái tài của Nguyễn Du ở đây là sự kết hợp tài tình giữa các điển cố với thành ngữ “rày trông mai chờ”, bên trời góc biển, tựa cửa hôm mai… càng diễn tả sinh động, chân thực sâu sắc nỗi lòng tưởng nhớ người yêu, xót thương cha mẹ. Mấy lời độc thoại nội tâm hết sức tha thiết này cũng đủ cho ta thấy Kiều là hiện thân của tình thương. Càng thương nhớ càng buồn vì nỗi xa cách phiêu dạt. Nỗi buồn xâm chiếm cả lòng Kiều. Nàng trông ra bốn phương trời, đâu cũng chỉ thấy buồn. Bốn bức tranh mà Kiều nhìn đến đều được Nguyễn Du bắt đầu bằng hai chữ buồn trông:

“… Buồn trông cửa bể chiều hôm,

… Buồn trông ngọn nước mới sa,

… Buồn trông nội cỏ dàu dàu,

… Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh”

Từng cảnh vật đều nhuốm cái buồn của người ngắm cảnh. Cũng có hoa cỏ, nhưng là hoa trôi cỏ héo. Cũng có trời nước, nhưng mây trời thì sắc màu nhàn nhạt, còn dòng nước thì lạnh lẽo cuốn trôi những cánh hoa rơi. Cũng có gió, sóng nhưng là gió cuốn, sóng xô. Giữa cái thế giới của thiên nhiên ấy, có một nét sinh hoạt của con người; đó là một con thuyền, một cánh buồm. Nhưng những nét đó cũng thật mong manh: cánh buồm thì cô đơn, xa lạ, chỉ thấp thóang chứ không hiện rõ ra. Phải chăng những hình ảnh “hoa trôi man mác” trên dòng nước mênh mông muốn nói đến tâm trạng và số phận vô định của nàng Kiều. Nếu “‘nội cỏ dàu dàu” giữa “chân mây mặt đất” gợi cảm giác bi thương, buồn tẻ, thiếu sức sống thì cảnh ‘‘”gió cuốn mặt ghềnh”, “ầm ầm tiếng sóng”lại gợi nỗi hãi hùng về một cuộc đời đầy biến động.

Tiếng sóng ầm vang khắp bốn phía vây chặt lấy Kiều, dội vang khủng khiếp trong hồn Kiều. Phải chăng âm thanh xao động dữ dội này chính là dự báo cho mười lăm năm lưu lạc đầy cay đắng mà Thúy Kiều sẽ phải trải qua.

“Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một đoạn thơ mượn cảnh để nói hộ tâm sự của nàng Kiều, đã tả tình bằng cách tả cảnh, đã thông qua bức tranh thiên nhiên để thể hiện tâm trạng. Đó là bút pháp tài tình của Nguyễn Du, và đạt đến đỉnh cao như vậy vì trước hết nhà thơ đã có cái tình lớn, nỗi niềm xúc động đối với nhân vật, đổi với cuộc đời của những con người có tài hoa mà bất hạnh trong xã hội phong kiến.

Nguyễn Lộc

 Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *