Phân tích giá trị của những tác phẩm được coi là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc

Suốt bốn ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn luôn phải chiến đấu quyết liệt để bảo vệ nền độc lập. Điều này như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm văn học lớn từ xưa tới nay.

Phân tích giá trị của những bản “tuyên ngôn độc lập” 

Dàn ý

1. Mở bài

– Giới thiệu ba bản tuyên ngôn

– Dẫn dắt vấn đề 

2. Thân bài

* Điểm giống nhau

Khẳng định chủ quyền dân tộc

– Thể hiện tình yêu nước

– Tố cáo tội ác của giặc

* Điểm khác nhau

– Hoàn cảnh ra đời

+ Nam quốc sơn hà

+ Bình Ngô đại cáo

+ Tuyên ngôn độc lập

– Cách khẳng định chủ quyền

– Lòng yêu nước, thương dân

=> Đánh giá: cả ba tác phẩm đều là những áng văn mẫu mực.

3. Kết bài

– Khái quảt, khẳng định vấn đề nghị luận.

Bài mẫu

  Bài làm

     Với khát vọng độc lập, tự do và hoà bình, dân tộc Việt Nam từ thời xa xưa đã cháy bỏng tinh thần yêu nước. Chính từ tinh thần yêu nước nồn nàn nên nhân dân Việt Nam không cam chịu kiếp người nô lệ, đã đứng lên chống lại áp bức, cường quền của ngoại bang, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã để lại ba bản Tuyên ngôn độc lập đó là: Bài thơ “Nam quốc sơn hà”  ở thế kỷ XI; Bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV và bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945.

     Ba bản tuyên ngôn độc lập đều toát lên niềm tự hào về truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự cường của dân tộc Việt Nam, nhưng do hoàn cảnh và điều kiện khác nhau nên mỗi bản tuyên ngôn lại có những nét đặc trưng riêng.
 
    Bài “Nam quốc sơn hà” – Bài thơ thần được xem là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của nước Việt Nam: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư./ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Lời dịch:  Sông núi nước Nam/ Sông núi nước Nam, vua Nam ở,/ Rành rành định phận tại sách trời./ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.  
                                                                                               
    Trong bài “Nam quốc sơn hà”, tác giả đã sử dụng từ “quốc” (Nam quốc) và từ “đế” (Nam đế cư). Trong chữ Hán, “quốc” là chỉ một nước lớn, đứng độc lập, ngang hàng với các nước láng giềng, nó phân biệt với các nước chư hầu bị lệ thuộc; “đế” tức hoàng đế – ngôi cao nhất, là thiên tử (con trời), vâng mệnh trời để cai trị thiên hạ, ngôi có quyền phong cho nhiều người làm Vua (vương) còn các nước chư hầu, nhược tiểu chỉ được thiên tử phong vương hoặc chỉ được xưng vương. Điều đó cho thấy, bài “Nam quốc sơn hà” đã chú trọng đề cao tinh thần tự tôn của một dân tộc độc lập và tư tưởng thoát ly khỏi tư tưởng bành trướng bá quyền, sự cai trị của nhà nước phong kiến Trung Quốc; từ đó khẳng định sự độc lập, tự chủ và bình đẳng về phương diện chính trị của nước Đại Việt với các nước trên thế giới và nước Đại Việt thời Lý đã là một quốc gia độc lập, tự chủ và có quyền tự quyết. 
 
    Nếu như “Nam quốc sơn hà”, được viết trong quá trình đánh giặc Tống xâm lược, thì “Bình Ngô đại cáo” được Nguyễn Trãi viết sau khi hoàn thành cuộc kháng chiến chống giặc Minh và thiết lập nên triều đại Hậu Lê. Nếu như “Nam quốc sơn hà” khẳng định sự độc lập, tự chủ của nước Đại Việt là do ý trời “Rành rành đã định tại sách trời”, thì trong “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi lại khẳng định sự độc lập, tự do của Tổ quốc là do chính nhân dân ta hy sinh để có được nền độc lập ấy, hoàn toàn không phải được trời ban cho, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. 
 
    Với niềm tự hào, tự tôn dân tộc cao độ, trong bài “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã đặt các vương triều Đại Việt “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, sánh ngang cùng với các triều đại phong kiến Trung Quốc: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”. Qua đó khẳng định tư thế độc lập, tự chủ của nước Đại Việt và nhân dân Đại Việt sẽ không chịu khuất phục, sẵn sàng đánh bại bất cứ kẻ thù xâm lược nào để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. 
 
    “Bình ngô đại cáo” như một bản anh hùng ca bất tận về tinh thần yêu nước, sự chiến đấu ngoan cường của nhân dân Đại Việt trước sự bạo tàn của kẻ thù xâm lăng để làm nên chiến thắng. Có thể nói, với truyền thống đoàn kết mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, cùng với nghị lực phi thường đã tạo nên sức mạnh tinh thần để đất nước Đại Việt hiên ngang đánh bại quân thù xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.  
 
    Tác phẩm “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới vào ngày 02/9/1945, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á; khẳng định quyền độc lập, tự do, bình đẳng của nước Việt Nam với thế giới; mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. 
 
    Bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm chính luận sâu sắc; kết tinh truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam với tư tưởng tiến bộ của nhân loại đó là quyền dân tộc và quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, được thể hiện trong bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ năm 1776 và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp năm 1791. Đó chính là tư tưởng “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Bằng sự vận dụng và phát triển sáng tạo hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một luận đề không thể bác bỏ, phủ nhận về quyền của các dân tộc nói chung, trong đó có cả dân tộc Việt Nam.
 
    Nội dung đanh thép của bản “Tuyên ngôn Độc lập” đã đánh đòn phủ đầu vào âm mưu và hành động tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp; đồng thời khẳng định: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
 
    Bảy mươi ba năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 
    Thấm nhuần tư tưởng Tuyên ngôn Độc lập và giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục đường lối, chủ trương độc lập tự chủ, hòa bình và hữu nghị với các nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
 
    Ba bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta tuy ra đời trong những giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng có chung những giá trị lịch sử vô cùng to lớn, góp phần xác lập và khẳng định quyền độc lập, tự chủ, bình đẳng của nước Đại Việt (Nam quốc sơn hà); nâng tư tưởng độc lập, quyền tự quyết của Việt Nam lên một tầm cao mới (Đại cáo bình Ngô); và tiếp tục khẳng định cương thổ quốc gia, quyền tự do, bình đẳng của dân tộc, đồng thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới khai sinh ra một nhà nước Việt Nam kiểu mới, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân (Tuyên ngôn độc lập). 
 
    Trong bối cảnh quốc tế có nhiều thách thức, biến động như hiện nay, tư tưởng, tinh thần ba bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc càng tiếp thêm sức mạnh cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo, bởi đó là chủ quyền và lợi ích chính đáng và thiêng liêng của Tổ quốc Việt yêu dấu. 

Chia sẻ: Tailieuhay.net


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *