Phân tích tâm trạng người chiến sĩ cách mạng qua bài thơ Tâm tư trong tù của Tố Hữu.

Bài thơ “Tâm tư trong tù” đã phản ánh chân thực tình cảm và tâm trạng của người chiến sĩ trẻ trong nhữngngày đầu bị đày đọa trong ngục tối: nỗi buồn cô đơn, lòng khao khát tự do, quan niệm về vấn đề sống và chết, về khí tiết của người cộng sản.

     Văn thơ yêu nước và cách mạng Việt Nam có nhiều tác phẩm chứa chan tình yêu nước và căm thù giặc. Phan Bội Châu với “Hải ngoại huyết thư”, “Ngục trung thư”. Phan Châu Trinh có bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” sáng ngợi khí tiết của kẻ sĩ “uy vũ bất năng khuất”. Hồ Chí Minh với “Nhật kí trong tù” – những vần thơ thép “mênh mông bát ngát tình”. Phần “Xiềng xích” trong tập “Từ ấy” của Tố Hữu cũng có nhiều bài thơ đặc sắc được viết trong cảnh tù đày.

   Bài thơ “Tâm tư trong tù” nằm trong phần “Xiềng xích” được Tố Hữu viết vào cuối tháng 4 năm 1939, tại nhà lao Thừa Thiên. Bài thơ phản ánh tâm trạng của người thanh niên cộng sản trong những ngày đầu bị thực dân Pháp bắt bớ, giam cầm.

   Có đau đớn nào lớn hơn nổi đau đớn bị mất tự do? – “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” – nằm trong ngục tối, người chiến sĩ cách mạng trẻ luôn luôn hướng tâm hồn mình ra ngoài song sắt, cảnh nhà tù tăm tối, chật hẹp, chết chóc và lạnh lẽo:

“Đây lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ

Đây sàn lim manh ván ghép sầm u”.

   Nhà thơ bị biệt giam trong một xà lim kín mít với “bốn tường vôi khắc khổ”, phải nằm trên nền nhà với những “manh ván ghép”. Một không gian nhỏ bé, chật hẹp, “lạnh lẽo”, “sầm u” vô cùng tăm tối.

   Đối lập với xà lim biệt giam là cảnh vật và không gian bên ngoài, hầu như tràn đầy ánh sáng và âm thanh:

“Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức

Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!”.

   “lắng nghe” trong một khung cảnh im ắng đến dễ sợ, vì phòng biệt giam nào khác một nấm mồ. Giọng thơ tha thiết, bồi hồi khi người tù “lắng nghe” những âm thanh của cuộc đời dội đến.

   Người tù “tai mở rộng” và “ lắng nghe” mọi âm thanh cuộc sống bên ngoài. Một tiếng rao đêm. Một tiếng chim tu hú gọi bầy. Một tiếng diều sáo… Tiếng gió thổi như thủy triều vỗ sóng. Tiếng chim reo. Tiếng dơi chiều đập cánh “vội vã “bay đi tìm mồi”. Và tiếng guốc, tiếng lạc ngựa gần, xa:

     “Nghe chim reo trong, gió mạnh lên triều,

Nghe vội vã tiếng dơi chiều dập cánh,

     Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh.

Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về”

   Câu thơ nào cũng có chữ “nghe”. Chữ “nghe” chứa đầy tâm trạng. Giọng thơ tha thiết bồi hồi. Cái khao khát tự do làm cho tâm hồn người tù rung lên: “Tiếng  guốc đi về” trên những đường phố nhỏ, dài, nghe mơ hồ lúc to lúc nhỏ, lúc gần lúc xa càng làm cho nỗi nhớ, nỗi buồn cô đơn thêm da diết. “Tiếng guốc đi về” là cái âm thanh bình dị của đời thường, gợi hơi hướng con người, được người tù “lắng nghe” và cảm nhận đã đặc tả nỗi buồn cô đơn và khao khát tự do cháy bỏng. Đó là một nét đặc tả tâm trạng đầy ấn tượng.

   Nỗi cô đơn là tâm trạng của người chiến sĩ trẻ, chưa dạn dày trong đấu tranh, lần đầu tiên sa vào lưới mật thám Pháp. Hai lần trong bài thơ, tác giả nói lên tâm trạng cô đơn ấy:

“Cô đơn thay là cảnh thân tù

Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực”…

   Phải xa rời “đội ngũ”, phải cách li đồng chí, bè bạn. Còn đâu nữa những tháng ngày hoạt động sôi nổi? Giờ đây, bị nhốt trong phòng kín nhà lao, chân tay bị xiềng xích, cùm trói, phải nằm trên “sàn lim manh ván ghép”, nếm đủ mùi cay đắng, anh lại càng khao khát tự do. Anh tưởng tượng thế giới bên ngoài vô cùng đẹp đẽ:

“Tôi mơ hồ nghe tất cả bên ngoài

Đang ríu rít giữa một trời rộng rãi

Đang hút mật của đời sây hoa trái

          Hương tự do thơm ngát cả ngàn ngày”…

   Chỉ là “mơ hồ” thôi! Người tù đã vẽ ra một cảnh tượng “thần tiên” bên ngoài song sắt nhà tù: bầu trời “rộng rãi”, bầy chim cùng vạn vật “ríu rít” hót ca. Cuộc đời đầy hương thơm, mật ngọt, sây hoa trái. Cuộc đời trong tưởng tượng được thi vị hóa: “Hương tự do thơm ngát cả ngàn ngày”.

    Nhưng rồi ảo tượng bồng bột ấy trôi qua nhanh. Anh tĩnh trí rồi tự phủ định những mơ tưởng trên là phi lí. Thời bấy giờ, Mặt trận dân chủ Đông Dương đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử một cách vẻ vang. Chiến tranh thế giới thứ II sắp hùng nổ. Thực dân Pháp tăng cường đàn áp và khủng bố. Cuộc sống của nhân ân ta vô cùng ngột ngạt. Nhà tù đế quốc chật ních chính trị phạm. Cuộc sống của đồng bào ta thuở ấy làm gì có cái cảnh “sây hoa trái”, có “Hương tự do thơm ngát cả ngàn ngày”. Nhưng rồi mẫn cảm về chính trị đã giúp nhà thơ tự điều chỉnh nhận thức “mơ hồ” của mình. Anh cay đắng và uất hận:

“Tôi chiều hay giam cấm hận trong lòng,

Chỉ là một giữa loài người đau khổ

Tôi chỉ là một con chim non bé nhỏ,

Vứt trong lồng con giữa một lồng to”.

    Cuộc đời ngoài song sắt nhà tù lúc bấy giờ tuy có “rộng rãi” hơn chút ít, nhưng xã hội Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp là một cái “lồng to”. Lao Thừa Thiên, Hỏa Lò, nhà tù Sơn La, Côn Đảo,… là những chiếc “lồng con” đáng sợ! Tố Hữu “chỉ là một con chim non bé nhỏ đang bị nhốt, bị đày đọa trong cái “lồng con” – nhà lao Thừa Thiên. Hình tượng thơ được đặt trong thể tương phản đối lập để nói lên những suy tư sâu sắc của người chiến sĩ cách mạng về cảnh lao tù, về thân phận những chính trị phạm, về nỗi lầm than của dân tộc! Anh uất hận rung lên:

“Ở ngoài kia… biết bao thân tù hãm,

Đọa đày trong những hố thẳm không cùng”

   Anh sẵn sàng chấp nhận những cay đắng, nhục hình và cô đơn, nâng cao dũng khí trước mọi thử thách:

Tôi chỉ một giữa muôn người chiến đấu

Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu

Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ!

   Giọng thơ mỗi lúc một trở nên mạnh mẽ, uất hận, thể hiện một niềm tin sắt đá, một ý chí chiến đấu kiên cường, khẳng định lòng trung thành vô hạn với lí tưởng cách mạng cao cả. Anh nhìn rõ những chặng đường khổ ải phía trước, những địa ngục trần gian:

“Nơi đày ải là Đắc Pao, Lao Bảo

Là Côn Đảo, thế giới của ưu phiền”

   Sau này, trong nhiều bài thơ khác, anh nói lên quyết tâm sắt thép của người thanh niên cộng sản, sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh:

“Đời cách mạng từ khi tôi đủ hiểu,

Dấn thân vô là phải chịu tù đày,

Là gươm kề cổ, súng kề tài,

Là thân sống chỉ coi còn một nửa… “

( Trăng trối – 1940)

   Sa vào lưới mật thám, bị tù đày chưa hẳn là người chiến bại? Anh tự nhắc nhở mình giữ trọn vẹn phẩm chất và khí tiết người cách mạng:

“Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin,

Giữ trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn”.

   Sống trong cảnh cô đơn thân tù, tâm trạng của anh day dứt, tự đấu tranh để vượt lên. Không thể mềm lòng, yếu đuối! Không được bi quan, dao động! Vấn đề sống và chết được đặt ra một cách nghiêm túc và gay gắt. Tố Hữu đã trái qua những dây phút tự đấu tranh căng thẳng. Câu thơ như một lời thề vang lên mạnh mẽ và sôi sục:

   “Tôi chưa chết nghĩa là chưa hết hận

    Nghĩa là chưa hết nhục của muôn đời

     Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi

Còn trừ diệt cả một loài thú độc!”

   “nghĩa là… nghĩa là… nghĩa là…”, được nhân đi nhân lại ba lần, thể hiện một khí phách, một ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất!

   “Tâm tư trong tù”, “Con cá, chột mưa”, Trăng trối”… là những bài thơ xuất sắc nhất của Tố Hữu viết trong nhà tù đế quốc những năm 1939, 1940. Bài thơ “Tâm tư trong tù” đã phản ánh chân thực tình cảm và tâm trạng của người chiến sĩ trẻ trong những ngày đầu bị đày đọa trong ngục tối: nỗi buồn cô đơn, lòng khao khát tự do, quan niệm về vấn đề sống và chết, về khí tiết của người cộng sản…

   Cảm xúc chân thực. Tâm trạng vận động đúng quy luật đấu tranh cách mạng của người chiến sĩ chân chính trong chốn lao tù. “Tâm tư trong tù” có nói đến cô đơn, nhưng đích thực là khúc tráng ca về tự do. Bài thơ đẹp vì người chiến sĩ ấy đã sống tuyệt đẹp trong “Máu lửa – Xiềng xích – Giải phóng”.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *