Giải câu 1, 2, 3, 4 bài Ga-vrốt ngoài chiến lũy trang 80 SGK Tiếng Việt 4 tập 2. Câu 2. Những chi tiết nào thể hiện lòng dũng cảm của Ga-vrốt?
Nội dung
Ca ngợi lòng dũng cảm của chú bé Ga-vrốt.
Câu 1:
Ga-vrốt ra ngoài chiến lũy để làm gì?
Phương pháp giải:
Con đọc lời Ăng-giôn-ra nói ở đoạn đầu.
Lời giải chi tiết:
Ga-vrốt ra ngoài chiến lũy để lượm đạn của bọn lính chết đưa vào tiếp tế cho nghĩa quân.
Câu 2:
Những chi tiết nào thể hiện lòng dũng cảm của Ga-vrốt?
Phương pháp giải:
Con đọc phần giữa của câu chuyện.
Lời giải chi tiết:
Những chi tiết sau thể hiện lòng dũng cảm của cậu:
– … bóng cậu bé thấp thoáng ngoài đường phố, dưới làn mưa đạn.
– Ngoài đường khói lửa mịt mù. Dưới màn khói… cậu bé tiến ra xa ngoài đường… Em nằm xuống rồi lại đứng thẳng lên, ẩn vào một góc cửa, rồi lại phốc ra, tới, lui, dốc cạn các bao đạn và chất đầy giỏ.
Câu 3:
Vì sao tác giả nói Ga-vrốt là một thiên thần?
Phương pháp giải:
Thiên thần ở trên trời, dùng để chỉ sự đẹp đẽ, kì diệu.
Lời giải chi tiết:
Tác giả nói Ga-vrốt là một thiên thần vì em dũng cảm và như có phép lạ: đạn bắn theo em, em nhanh hơn đạn. Em chơi trò ú tim với cái chết một cách thật ghê rợn.
Câu 4:
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Ga-vrốt.
Phương pháp giải:
Hành động bất chấp nguy hiểm và tính mạng để xông pha nhặt đạn của Ga-vrốt cho khiến cho em có suy nghĩ gì?
Lời giải chi tiết:
Ga-vrốt chỉ là một em bé nghèo sống lang thang trên đường phố, nhưng khi thấy nghĩa quân chiến đấu với bọn lính của chính quyền, em đã đứng về phía nghĩa quân, tự nguyện tham gia chiến đấu bằng cách đi lượm đạn về tiếp thêm cho nghĩa quân. Hành động của em thể hiện một tinh thần dũng cảm tuyệt vời. Đây là một nhân vật rất đáng yêu trong tác phẩm Những người khốn khổ của nhà văn Vích-to Huy-gô của nước Pháp.
Bài đọc:
Ga-vrốt ngoài chiến lũy
Ăng-giôn-ra nói:
– Chừng mười lăm phút nữa thì chiến lũy chúng ta không còn quá mười viên đạn.
Ga-vrốt nghe rõ câu nói đó.
Một lát sau, người ta thấy bóng cậu bé thấp thoáng ngoài đường phố, dưới làn mưa đạn.
Thì ra Ga-vrốt đã lấy một cái giỏ đựng chai trong quán ra khỏi chiến lũy. Nó dốc vào miệng giỏ những chiếc bao đầy đạn của bọn lính chết gần chiến lũy.
– Cậu làm trò gì đấy? – Cuốc-phây-rắc hỏi.
– Em nhặt cho đầy giỏ đây!
– Cậu không thấy đạn réo à?
Ga-vrốt trả lời:
– Có chứ, nó rơi như mưa ấy. Nhưng làm sao nào?
Cuốc-phây-rắc thét lên:
– Vào ngay!
– Tí ti thôi! Ga-vrốt nói.
Ngoài đường, lửa khói mịt mù. Điều đó rất có lợi cho Ga-vrốt. Dười màn khói và với thân hình bé nhỏ, cậu bé có thể tiến xa ngoài đường mà không ai trông thấy. Ga-vrốt dốc bảy, tám bao đạn đầu tiên không có gì nguy hiểm lắm. Em nằm xuống rồi lại đứng thẳng lên, ẩn vào một góc cửa, rồi lại phốc ra, tới, lui, dốc cạn các bao đạn và chất đầy giỏ.
Nghĩa quân mắt không rời cậu bé. Đó không phải là một em nhỏ, không phải là một con người nữa, mà là một thiên thần. Đạn bắn theo em, em nhanh hơn đạn. Em chơi trò ú tim với cái chết một cách thật ghê rợn.
Theo Huy-Gô
– Chiến luỹ: tuyến phòng thủ được xây dựng kiên cố hoặc dựng tạm bằng các vật có tác dụng che đỡ như bao cát, giường, tủ, bàn, ghế,…
– Nghĩa quân: quân khởi nghĩa
– Thiên thần: thần ở trên trời, thường được cho là rất đẹp và có nhiều phép lạ (theo quan niệm xưa)
– Ú tim: trò chơi trốn tìm của trẻ em.
Chia sẻ: Tailieuhay.net