Soạn bài Người liên lạc nhỏ trang 112 SGK Tiếng Việt 3 tập 1

Giải câu 1, 2, 3, 4 bài Người liên lạc nhỏ trang 112 SGK Tiếng Việt 3 tập 1. Câu 1. Anh Kim Đồng được giao nhiệm vụ gì?

Câu 1:

Anh Kim Đồng được giao nhiệm vụ gì?

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn 1 của truyện.

Trả lời:

Anh Kim Đồng được giao nhiệm vụ làm giao liên, dẫn đường bảo vệ cán bộ, đưa cán bộ đến địa điểm mới.

Câu 2:

Vì sao bác cán bộ phải đóng vai ông già Nùng ?

Gợi ý: Tại thời điểm đó, địch truy lùng rất gắt gao các cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng. 

Trả lời:

Bác cán bộ phải đóng vai ông già Nùng vì vùng này là vùng người Nùng, bác cán bộ phải làm như vậy để che mắt địch.

Câu 3:

 Cách đi đường của hai bác cháu như thế nào ?

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn 2 của truyện.

Trả lời:

Cách đi đường của hai bác cháu được bố trí như sau : Kim Đồng đi trước, ông ké lững thững đi sau. Gặp điều gì đáng ngờ, người trước làm hiệu, người sau tránh vào ven đường.

Câu 4:

Hãy tìm những chi tiết nói lên sự nhanh trí và dũng cảm của Kim Đồng khi gặp địch.

Gợi ý: Em đọc đoạn 2 và 3, chú ý đoạn đối thoại giữa Kim Đồng và giặc.

Trả lời

Sau đây là các chi tiết nói lên sự nhanh trí và dũng cảm của Kim Đồng :

Gặp địch, Kim Đồng không hề sợ hãi mà vẫn thản nhiên huýt sáo làm hiệu. Khi giặc hỏi, Kim Đồng nhanh trí trả lời ngay: Đón thầy mo về cúng cho mẹ ốm. Kim Đồng đã lừa địch bằng cách quay lại gọi: “Già ơi ! Ta đi thôi ! Về nhà cháu còn xa lắm đấy !”. Sự mưu trí ấy làm cho giặc tưởng rằng đó chính là thầy mo thật.

Nội dung: Kim Đồng là một liên lạc mưu trí, dũng cảm khi làm nhiệm vụ, là tấm gương yêu nước tiêu biểu của thiếu niên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bài đọc:

Người liên lạc nhỏ

1. Sáng hôm ấy, anh Đức Thanh dẫn Kim Đồng đến điểm hẹn. Một ông ké đã chờ sẵn ở đấy. Ông mỉm cười hiền hậu :

– Nào, bác cháu ta lên đường !

   Ông ké chống gậy trúc, mặc áo Nùng đã phai, bợt cả hai cửa tay. Trông ông như người Hà Quảng đi cào cỏ lúa. Kim Đồng đeo túi nhanh nhẹn đi trước, ông ké lững thững theo đằng sau. Gặp điều gì đáng ngờ, người đi trước làm hiệu, người đằng sau tránh vào ven đường.

2. Đến quãng suối, vừa qua cầu thì gặp Tây đồn đem lính đi tuần. Kim Đồng bình tĩnh huýt sáo. Ông ké dừng lại, tránh sau lưng một tảng đá. Lưng đá to lù lù, cao ngập đầu người. Nhưng lũ lính đã trông thấy. Chúng nó kêu ầm lên. Ông ké ngồi ngay xuống bên tảng đá, thản nhiên nhìn bọn lính, như người đi đường xa, mỏi chân, gặp được tảng đá phẳng thì ngồi nghỉ chốc lát.

3. Nghe đằng trước có tiếng hỏi :

– Bé con đi đâu sớm thế ?

Kim Đồng nói :

– Đón thầy mo này về cúng cho mẹ ốm.

Trả lời xong, Kim Đồng quay lại, gọi :

– Già ơi ! Ta đi thôi ! Về nhà cháu còn xa đấy !

Mắt giặc tráo trưng mà hóa thong manh. Hai bác cháu đã ung dung đi qua trước mặt chúng. Những tảng đá ven đường sáng rực lên như vui trong nắng sớm.

TheoTô Hoài

Kim Đồng (1928-1943) : người dân tộc Nùng, tên thật là Nông Văn Dền, quê ở bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, hi sinh lúc 15 tuổi.

Ông ké : người đàn ông cao tuổi (cách gọi của một vài dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc).

Nùng : một dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở Việt Bắc.

Tây đồn : tên quan Pháp chỉ huy đồn.

Thầy mo : thầy cúng ở miền núi.

Thong manh : (mắt) bị mù hoặc nhìn không rõ, nhưng trông bề ngoài vẫn gần như bình thường.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *