Soạn bài Nhớ lại buổi đầu đi học trang 51 SGK Tiếng Việt 3 tập 1

Giải câu 1, 2, 3 bài Nhớ lại buổi đầu đi học trang 51 SGK Tiếng Việt 3 tập 1. Câu 1. Điều gì gợi tác giả nhớ những kỉ niệm của buổi tựu trường ?

Câu 1:

Điều gì gợi tác giả nhớ những kỉ niệm của buổi tựu trường ?

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn đầu bài: Hằng năm… bầu trời quang đãng.

Trả lời :

Cảnh ngoài đường lá rụng nhiều vào dịp cuối thu khiến tác giả nhớ lại những kỉ niệm của buổi tựu trường.

Câu 2:

Trong ngày tựu trường đầu tiên, vì sao tác giả thấy cảnh vật xung quanh có sự thay đổi lớn? 

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn sau và tìm nguyên nhân tác giả thấy cảnh vật có sự thay đổi lớn: Buổi mai hôm ấy… hôm nay tôi đi học.

Trả lời :

Trong ngày đầu tiên đến trường, tác giả thấy cảnh vật xung quanh có sự thay đổi lớn, vì đó là lần đầu tiên cậu bé được làm học sinh, cảnh vật thân quen hằng ngày cũng trở nên thay đổi, lạ lẫm.

Câu 3:

Tìm những hình ảnh nói lên sự bỡ ngỡ, rụt rè của đám học trò mới tựu trường.

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn sau: Cũng như tôi… đến hết.

Trả lời :

 Những hình ảnh nói lên sự bỡ ngỡ, rụt rè của đám học trò mới tựu trường : bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám đi từng bước nhẹ, họ như con chim nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ, họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Nội dung: Hồi tưởng đẹp đẽ của tác giả về buổi đầu đi học vào mỗi dịp cuối thu hàng năm.

Bài đọc:

Nhớ lại buổi đầu đi học

Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. 

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Cũng như tôi, mấy học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

TheoTHANH TỊNH

Nao nức: hăm hở, phấn khởi.

Mơn man: nhẹ nhàng, dễ chịu.

Quang đãng: sáng sủa và thoáng rộng.

Bỡ ngỡ: ngơ ngác, lúng túng vì chưa quen thuộc.

– Ngập ngừng: vừa muốn làm lại vừa e ngại, chưa biết làm thế nào.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *