Tả cảnh một miền quê, một vùng kinh tế giàu có mà em đã có lần được tới tham quan với bao ấn tượng đẹp

Hà Tiên, là điểm cuối cùng của non sông nước Việt, phía Tây Nam cũng là điểm cuối an bài trong lịch sử mở cõi Đàng Trong.

Đề bài

Đề bài: Tả cảnh một miền quê, một vùng kinh tế giàu có mà em đã có lần được tới tham quan với bao ấn tượng tốt đẹp

Lời giải chi tiết

       Hà Tiên, là điểm cuối cùng của non sông nước Việt, phía Tây Nam cũng là điểm cuối an bài trong lịch sử mở cõi Đàng Trong.

       Hà Tiên, tên đẹp như thơ. Cảnh như tranh thủy mặc… Nhớ Hà Tiên, nhớ cảnh đẹp, nhớ thơ. Hà Tiên nổi danh nhờ cảnh đẹp, thơ Chiêu Anh Các” làm đẹp thêm mây nước, hang động, núi non Hà Tiên.

       Mạc Thiên Tứ, một đại quan của triều Nguyễn vừa là võ tướng vừa là thi nhân, đã để lại 10 bài thơ chữ Hán vịnh cảnh đẹp Hà Tiên, là người sáng lập ra Tao Đàn “Chiêu Anh Các”.

       Về với đất Hà Tiên, ta yêu vẻ đẹp thơ mộng của Đông Hồ trong nắng sớm lung linh và những đêm trăng ngời mặt nước. Yêu Thạch Động với dáng núi đơn độc giữa trời mây lồng lộng, và huyền thoại Thạch Sanh vào hang động dùng búa thần, cung tên thần giết Đại Bàng cứu công chúa Quỳnh Nga gặp nạn.

       Vượt qua quãng đường Rạch Giá – Kiên Lương dài trên 60 cây số ta sẽ đến với Hà Tiên. Rặng Thất Sơn tím thẫm trên đồng xa phía bên phải. Thùy Dương và rừng tràm mù mịt trải dài. Những ngọn núi đá vôi vút lên nền mây xanh biếc: núi Còm, núi Xà Ngách, núi Trầu, núi Mo So, núi Mây… như những nét chấm phá tuyệt vời trong bức tranh rừng cây, đồng ruộng bao la, vô tận. Ta càng cảm thấy Hà Tiên lộng lẫy, mênh mông.

       Qua khỏi Kiên Lương, bỏ lại phía sau là khói trắng nhà máy xi măng, Hòn Quéo, Hòn Me, Hòn Đất (nơi chị Sứ,  người con gái An Giang lẫm liệt với kẻ thù) từ hướng Nam, hòn Phụ Tử sừng sững giữa biển xanh, cách bờ vài phút thuyền chèo, một thắng cảnh huyền thoại mà nhà nhiếp ảnh thiên tài Võ An Ninh đã ghi hình từ đầu thế kỉ XX. Rồi dải hòn Chông đột ngột hiện ra, như đàn cá voi lượn lờ đùa vui bơi trên biển cả.

       Đi miết về phía Tây, ta có cảm giác tạ từ đại dương đi vào miền núi. Phía trước hai ngọn Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu lừng lững soi bóng mặt nước Đông Hồ. Hai ngọn núi đẹp, xanh um, không cao lắm, mời gọi ta lên đỉnh ngắm nhìn núi non xa, thành quách cũ Hà Tiên thấp thoáng bên kia Đông Hổ bát ngát…

       Hà Tiên xưa đã là một cõi biên thùy vững chắc. Một cõi thơ lung linh hồn nước, đậm thấm tình người. Hà Tiên trong cõi thực và Hà Tiên trong cõi thơ để ta mãi yêu, mãi nhớ. Ta thong dong về với “Kim dự lan đào”, hòn đảo chắn sóng to gió cả, về với “Bình Sơn điệp thúy”, bức bình phong xanh dựng đứng che chở biên thùy. Ta gặp lại “Thạch Động thôn vân”, mây tuôn khói tỏa trước hang sâu thăm thẳm, gặp lại “Châu Nhơm lạc lộ”, một dải núi ngời ngời chân ngọc, là chốn từng đàn cò trắng lớp lớp sà xuống nghỉ ngơi, tìm tôm cá. Rồi “Nam Phố trừng ba”, bãi phía Nam lặng sóng, cả khi mùa biển động, Nam Phố vẫn êm lặng như mặt nước hồ thu. Một chốn thôn trại điền trang sung túc “Lộc Trĩ thôn cư”. Một bến đỗ thuyền chài “Lư Khê ngư bạc” đang vẫy mời. Và một dòng sông rộng, êm đềm, xưa kia có thành lũy, quân lính canh giữ biên thùy, đang trôi qua Đông Hồ tìm ra biển cả…

       Và Hà Tiên cứ như đi vào quá khứ lớn lao, gặp lại vang bóng một thời xưa gian nan, lừng lẫy. Như say như đắm trong cảnh sắc nước non kiều diễm, ngẩn ngơ trong dòng chảy thơ ca.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *