Giải bài tập Tập làm văn: Tả ngoại hình của nhân vật trong bài văn kể chuyện trang 23 SGK Tiếng Việt 4 tập 1. Câu 2. Kể lại câu chuyện Nàng tiên Ốc, kết hợp tả ngoại hình của các nhân vật.
I. Nhận xét
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa. Tôi đến gần, chị Nhà Trò vẫn khóc.
Theo Tô Hoài
1. Ghi vắn tắt vào vở đặc điểm ngoại hình của chị Nhà Trò :
– Sức vóc : …
– Cánh : …
– “Trang phục” : …
Gợi ý:
Con đọc kĩ đoạn văn và ghi lại những chi tiết về ngoại hình của chị Nhà Trò vào chỗ trống.
Trả lời:
Ghi vắn tắt vào vở đặc điểm ngoại hình của chị Nhà Trò:
– Sức vóc: gầy yếu, bự những phân như mới lột.
– Cánh: mỏng như cánh bướm non; ngắn chùn chùn; rất yếu, chưa quen mở.
– Trang phục: mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng.
2. Ngoại hình của chị Nhà Trò nói lên điều gì về tính cách và thân phận của nhân vật này ?
Gợi ý:
Con đọc lại các chi tiết đó rồi trả lời.
Trả lời:
Ngoại hình của chị Nhà Trò cho thấy rõ tính cách yếu đuối, dễ bị ăn hiếp, thân phận tội nghiệp, rất đáng thương của chị.
II. Luyện tập
1. Đoạn văn sau miêu tả ngoại hình của một chú bé liên lạc cho bộ đội trong kháng chiến. Tác giả đã chú ý miêu tả những chi tiết nào ? Các chi tiết ấy nói lên điều gì về chú bé ?
Tôi nhìn em. Một em bé gầy, tóc húi ngắn, hai túi của chiếc áo cánh nâu trễ xuống đến tận đùi như đã từng phải đựng nhiều thứ quá nặng. Quần của em ngắn chỉ tới gần đầu gối để lộ đôi bắp chân nhỏ luôn luôn động đậy. Tôi đặc biệt chú ý đến đôi mắt của em, đôi mắt sáng và xếch lên khiến người ta có ngay cảm giác là một em bé vừa thông minh vừa gan dạ.
Theo Vũ Cao
Gợi ý:
Con suy nghĩ và trả lời.
Trả lời:
a) Trong đoạn văn, tác giả chú ý tả những chi tiết về ngoại hình của chú bé liên lạc: người gầy, tóc húi ngắn, hai túi áo trễ xuống tận đùi, quần ngắn tới tận đầu gối, đôi bắp chân nhỏ luôn luôn động đậy, đôi mắt sáng và xếch.
b) Điều mà các chi tiết ấy nói lên.
– Người gầy, bộ áo cánh nâu, chiếc quần chỉ đến đầu gối: có thể thấy chú bé liên lạc là con nhà nông dân nghèo khổ.
– Hai túi áo trễ xuống tận đùi như đã từng phải đựng nhiều thứ quá.
– Bắp chân luôn động đậy, đôi mắt sáng và xếch: thể hiện em bé rất hiếu động, thông minh và gan dạ.
2. Kể lại câu chuyện Nàng tiên Ốc, kết hợp tả ngoại hình của các nhân vật.
Gợi ý:
Con đọc lại bài thơ Nàng tiên Ốc, chú ý các chi tiết miêu tả ngoại hình của bà cụ, của con ốc và của nàng tiên Ốc rồi viết thành bài.
Trả lời:
Ngày xưa, tại một làng nhỏ kia có một bà lão nhà nghèo, lại không có con cháu để tựa nương. Mỗi ngày, bà phải lặn lội, bắt ốc mò cua để làm kế sinh nhai.
Bữa nọ, bà bắt được một con ốc nhò rất xinh xắn. Vỏ ốc xanh tím với những đường vân đẹp chưa từng thấy. Ngắm ốc trên tay mãi, bà lão thương ốc quá, không muốn bán. Bà liền thả vào chum nước để nuôi.
Từ ngày có ốc trong nhà, bà bỗng nhận thấy có nhiều điều khác lạ. Ngoài đồng về, bà thấy nhà cửa của mình đã có ai quét dọn sạch sẽ. Trong chuồng, đàn lợn đã được ăn no nằm yên không kêu la như mọi bữa. Trong bếp, cơm nước cũng đã được nấu sẵn tinh tươm. Ngoài sau nhà, vườn rau cũng đã dọn sạch cỏ. Mấy hôm liền đều như thế. Bà lão rất kinh ngạc, quyết tâm sẽ rình xem ai tốt bụng đã giúp đỡ mình.
Hôm sau, bà vẫn ra đồng như mọi bữa. Nhưng giữa đường, bà quay lại, rón rén núp sau cánh cửa rình xem. Bỗng thấy một nàng tiên xinh đẹp từ trong chum nước bước ra. Liền đó, bà lão bí mật đập vỡ vỏ ốc rồi ôm lấy nàng tiên và dịu dàng bảo nàng:
– Con hãy ở lại đây với mẹ.
Thế là từ đó bà lão và nàng tiên sống hạnh phúc bên nhau. Hai người thương yêu nhau như hai mẹ con.
Chia sẻ: Tailieuhay.net