Truyện Kiều đạt đến đỉnh cao mẫu mực cổ điển. Truyện và thơ trữ tình kết hợp hài hòa. 3254 câu thơ lục bát toàn bích: lời thơ đẹp, hình tượng mĩ lệ, nhạc điệu, vần điệu trau chuốt, tinh luyện, mượt mà
1.Tóm tắt
a. Dưới thời Gia Tĩnh triều Minh, ông bà Vương viên ngoại ở Bắc Kinh sinh được 3 người con, hai gái, một trai:
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Hai chị em Kiều có nhan sắc “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, và đã đến “tuần cập kê”.
Mùa xuân năm ấy, 3 chị em đi Thanh minh. Lúc ra về khi bóng chiều đã ngả, họ gặp chàng văn nhân Kim Trọng “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Sau cuộc kì ngộ ấy, Kiều và Kim Trọng yêu nhau, hai người thề nguyền “Trăm năm tạc một chữ “đồng” đến xương”. Kim Trọng nhận được thư nhà, chàng phải vội về Liêu Dương “hộ tang”chú…
b. Sau đó, gia đình Kiều gặp tai biến, bị thằng bán tơ vu oan. Cha và em Kiều bị bắt, bị tra tấn dã man. Bọn sai nha, lũ đầu trâu mặt ngựa ập đến đập phá nhà cửa tan hoang, cướp bóc tài sản “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh với giá “vàng ngoài bốn trăm”, để đút lót cho bọn quan lại, cứu cha và em. Nàng đã trao duyên cho Thúy Vân. Mã Giám Sinh đưa nàng về Lâm Tri. Kiều biết mình bị đẩy vào lầu xanh bèn rút dao tự vẫn nhưng không chết. Nàng được ma Đạm Tiên báo mộng là phải đến sông Tiền Đường sau này mới hết kiếp đoạn trường. Mụ Tú Bà dỗ dành Kiều ra ở lầu Ngưng Bích; mụ thuê Sở Khanh đánh lừa Kiều, đưa nàng đi trốn. Kiều bị Tú Bà giăng bẫy, mắc lừa Sở Khanh. Thúy Kiều bị Tú Bà đánh đập, ép nàng phải sống cuộc đời ô nhục. Tại lầu xanh, Kiều gặp Thúc Sinh, một khách làng chơi giàu có. Thúc Sinh chuộc Kiều ra lầu xanh và lấy Kiều làm vợ lẽ. Hoạn Thư, vợ cả Thúc Sinh lập mưu bắt cóc Thúy Kiều đưa về Vô Tích để đánh ghen.
Kiều bỏ trốn, nương tựa cửa chùa Giác Duyên… Kiều lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh, bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai. Từ Hải, khách biên đình tìm đến gặp Kiều. Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, cưới nàng làm vợ “Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”. Một năm sau, Từ Hài đã có 10 vạn tinh binh, rạch đôi sơn hà, lạp nên một triều đình “Năm năm hùng cứ một phuơng hải tần”. Kiều báo ân báo oán.
Hồ Tôn Hiến “tổng đốc trọng thần “xảo quyệt lập kế “chiêu an ”. Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, bị giết chết. Hắn bắt Kiều hầu rượu đánh đàn trong bữa tiệc quan.
Hắn ép gả Kiều cho viên thổ quan. Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử. Giác Duyên đã cứu sống Kiều và đưa nàng nương nhờ cửa Phật.
c. Sau nửa năm về Liêu Dương…, Kim Trọng trở lại Bắc Kinh, tìm đến vườn Thúy. Kim Trọng kết duyên với Thúy Vân. Kim Trọng và Vương Quan thi đỗ được bổ đi làm quan, cả gia đình tìm đến sông Tiền Đường lập đàn giải oan cho Kiều. Bất ngờ vãi Giác Duyén đi qua và cho biết Kiều còn sống, đang tu ở chùa.
Kiều gặp lại cha mẹ, hai em và chàng Kim sau 15 năm trời lưu lạc. Trong bữa tiệc đoàn viên, cả nhà ép Kiều phải lấy Kim Trọng, nhưng rồi hai người đã đem tình vợ chồng đổi thành tình bè bạn.
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
2. Giá trị
Nguyễn Du đã dựa vào tác phẩm Kim Vân Kiều truyện để sáng tạo nên Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), kiệt tác số một của nền thi ca cổ điển Việt Nam.
Về nội dung, ngoài giá trị hiện thực, Truyện Kiều còn có giá trị nhân đạo sâu sắc. Thân phận, số phận của con người, nỗi đau khổ tủi nhục của giai nhân bạc mệnh, niềm khao khát tình yêu hạnh phúc của tuổi trẻ, ước mơ về tự do, công lí ở đời, cái thiện và cái ác trong xã hội… đã được Nguyễn Du nói đến một cách cảm động với tất cả tấm lòng nhân hậu trang trải mênh mông.
Về nghệ thuật, Truyện Kiều đạt đến đỉnh cao mẫu mực cổ điển. Truyện và thơ trữ tình kết hợp hài hòa. 3254 câu thơ lục bát toàn bích: lời thơ đẹp, hình tượng mĩ lệ, nhạc điệu, vần điệu trau chuốt, tinh luyện, mượt mà. Nghệ thuật tả cảnh, tả người, tả tình rất biến hóa, đa dạng, phong phú, lúc thì bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, lúc thì bằng bút pháp hiện thực. Ngoại hình và tâm lí nhân vật được khắc họa một cách sâu sắc, tinh tế, cá thể hóa cao độ. Thi liệu, văn liệu Trung Hoa, thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam được vận dụng rất tài tình. Do đó, Truyện Kiều đã trở thành “tiếng thương”, “lời ru cửa mẹ hiền”, vô cùng thân thiết với con người Việt Nam chúng ta
Chia sẻ: Tailieuhay.net