Thiên nhiên vốn là đề tài chính trong thi ca xưa nay, thiên nhiên đã khơi nguồn cho bao áng thơ dạt dào tuôn chảy. Đặc biệt đối với các thi nhân xưa, thiên nhiên là một mảng trong tâm hồn họ, là nơi để họ gửi trao bao cảm xúc, nỗi niềm.
Trong kho tàng văn học thời Lí-Trần, bên cạnh những áng hùng văn lẫm liệt, còn có những bài thơ trữ tình đằm thắm; trong đó Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra (Thiên Trường vãn vọng) của Trần Nhân Tông, là một tác phẩm tiêu biểu.
Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra là bức tranh thiên nhiên độc đáo và kì thú.
Thiên nhiên vốn là đề tài chính trong thi ca xưa nay, thiên nhiên đã khơi nguồn cho bao áng thơ dạt dào tuôn chảy. Đặc biệt đối với các thi nhân xưa, thiên nhiên là một mảng trong tâm hồn họ, là nơi để họ gửi trao bao cảm xúc, nỗi niềm. Vì thế, thơ viết về thiên nhiên thường rất tha thiết. Văn chương thời Lí – Trần đã có không ít những câu thơ thiên nhiên đặc sắc, chẳng hạn như:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua săn trước một nhành mai.
(Thiền sư Mãn Giác)
Ngay Trần Nhân Tông, trong bài Buổi sớm mùa xuân, cũng viết rất hay về thiên nhiên:
Song song đôi bướm trắng
Phất phới cánh hoa bay
Nhưng phải đến Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, hồn thơ thiên nhiên của Trần Nhân Tông mới thật sự đằm thắm, mặn nồng. Ta hãy đọc kĩ bài thơ để cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên đó:
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
Đây là bức tranh một vùng quê thôn dã. Nó cũng bình thường như bao vùng quê khác, nhưng trong con mắt của thi nhân, cảnh vật bỗng xiết bao thân thương, trìu mến.
Cái nền không gian và thời gian của bức tranh là thôn xóm lúc trời chiều sắp tắt. Khói sương mờ ảo đang bao phủ dần lên thôn xóm. Trong làn khói sương mờ mờ, lãng đãng, bóng chiều trở nên hư ảo chập chờn. Chẳng biết, đây có phải là tiết thu đông không mà trời chiều lại man mác, gợi nhiều cảm xúc đến như vậy. Phải chăng chỉ có những tâm hồn thi nhân tinh tế mới cảm nhận được cái thời khắc giao chuyển giữa ngày và đêm? Sáu trăm năm sau, nữ sĩ Thanh Quan cũng có cảm nhận ấy:
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn.
Bóng chiều bảng lảng, tưởng như chỉ gợi buồn trong lòng người, nhưng thật bất ngờ:
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
Cảnh vùng quê yên bình và thơ mộng biết bao. Trong bóng chiều chập chờn, hư ảo, mấy đứa trẻ thong dong cưỡi trâu đi dọc theo những con đường làng, tiếng sáo cất lên trầm bổng, ngọt ngào, quyến rũ, mấy cánh cò trắng chao liệng rồi hạ xuống cánh đồng. Tâm hồn thi nhân phơi phới niềm vui.
Chỉ một vài nét chấm phá tài hoa đã làm nên một kiệt tác. Bức tranh cảnh vật vốn đã đẹp bởi bóng chiều man mác, mờ ảo, bởi những cánh cò trắng, có thêm hình ảnh con người, càng trở nên ấm áp tình người. Một bức tranh thật đẹp, thật có hồn, đậm đà phong vị quê hương đất nước. Dường như thi nhân đã thả hồn mình vào trong cảnh để cảnh thấm đẫm tình. Không có một tình yêu quê hương, đất nước thiết tha, không có sự gắn bó máu thịt với làng quê, thì không thể viết được những câu thơ như thế.
Cảnh ấy, tình ấy, gợi cho ta liên tưởng đến những câu Chinh phụ ngâm nổi tiếng:
Trông bến nam bãi che mặt nước
Cỏ biếc um, dâu mướt màu xanh,
Nhà thôn mấy xóm chông chênh
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.
Có lẽ, đây là sự gặp gỡ của những tâm hồn nghệ sĩ thanh cao, nhân hậu, gắn bó sâu nặng với cuộc đời.
Chia sẻ: Tailieuhay.net