Thường trong một đàn gà do người ta nuôi thì trong đó người ta chỉ nuôi có một con gà trống và khoảng mười con gà mái. Chính vì thế mà giống gà là giống đa thê nhưng không có hành động đánh ghen. Mỗi ngày, chú gà trống có thể làm tình tới mười lần với mười con gà mái khác nhau.
Các giống vật đều có hai loại là đực và cái; riêng đối với gà, người Việt ta gọi con gà đực là gà trống hay gà sống và gọi con gà cái gà mái. Gà trống thì ít mà gà mái thì nhiều.
Gà trống trông oai vệ và rất đẹp trai vì có lông dài mướt, óng ả, và nhiều màu sắc. Thêm vào đó, gà trống còn có cái mào đỏ chói trên đầu, có đuôi dài và xòe rộng, có cái bầu diều hay diều gà ở cổ (diều là cái bíu hay cái bọc chứa đồ ăn ở ngay dưới cổ của một vài loại chim), và có cựa gà ở mỗi chân. Chính nhờ đôi cựa gà này mà loại gà trống được nổi tiếng qua việc chọi gà trong dân gian.
Gà Trống còn có một điểm rất đặc biệt khiến người dân Việt ở thôn quê coi gà trống giống như cái đồng hồ vì tiếng gáy “o! o!” của gà trống rất đúng giờ, nhất là “gà đà gáy sáng trời vừa rạng đông” (câu thơ số 3216 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du). Tại rất nhiều làng thôn ở quê người Việt chúng ta, dân quê vẫn nhờ tiếng gà gáy, nhìn ánh nắng, nhìn mặt trăng để ước lượng thời gian. Chính vì thế mà gà trống lúc đầu được nuôi để làm vật tôn thờ vì nó biết gáy sáng. Tuy rằng gà trống là loại đa thê, dê xồm, và kiêu ngạo nhưng đó là điều rất nhỏ nếu so sánh với 5 điều rất lớn và đáng ca ngợi của nó. Đó là 5 đức tính lớn: văn, võ, dũng, nhân, và tín. Lý do là đầu gà trống có mào hay mồng giống như đội mũ, đó là văn; chân gà trống có cựa sắc bén như gươm giáo, đó là võ; thấy quân thù, gà trống liền xông vào đá và mổ, đó là dũng; khi kiếm được đồ ăn gà trống bèn gọi bạn bè, gà mái, và gà con đến ăn, đó là nhân; và ban đêm tới giờ sáng, gà trống gáy cầm canh đúng giờ, đó là tín.
Gà mái thì có vẻ nhã nhặn và khiêm nhường. Lông của gà mái thì màu vàng và lấm tấm đen. Đầu gà mái cũng có mào gà màu đỏ nhưng rất nhỏ. Gà mái có đuôi ngắn hơn gà trống và không có bầu diều ở cổ. Gà mái gáy “cục cục, cục ta cục tác,” gà con thì kêu “chíp chíp chíp.” Gà mái rất bận rộn vì phải tìm đồ ăn, đẻ trứng, ấp trứng, và săn sóc gà con. Chỉ có gà mái trông nuôi đàn con còn gà trống thì không để ý đến. Mỗi sáng, gà mái lấy mỏ rỉa lông làm dáng.
Gà là giống vật có hai chân, có hai cánh, và có lông vũ che phủ toàn thân như các loài chim. Mắt gà thì tròn, nhỏ như hạt đậu đen, và không có lông mi. Hai mắt của đầu gà không nằm cùng trên một mặt ở gần trán như mắt người hay mắt chó mà mỗi con mắt của gà lại nằm riêng rẽ ở phía trên mỗi bên má. Chính vì thế mà khi nhìn, gà thường lắc đầu bên này qua bên kia và bước lên theo hình chữ chi (z). Gà không có vành tai, nhĩ quản của gà rất ngắn và được bảo vệ bằng lông và một miếng da. Tuy thế, thính giác của gà thật hữu hiệu đặc biệt để tránh các cầm thú săn đuổi. Khi gặp nhiệt độ cao và nóng, gà thường há rộng mỏ, thở gấp rút, duỗi cánh, và uống nước cho mát. Tuy có hai cánh nhưng khả năng bay của gà không được tốt như các loài chim khác. Mỗi chân gà có bốn ngón với móng chân rất sắc và nhọn dùng vào việc đào đất, bới đất, và cào cỏ để tìm đồ ăn. Mỏ gà rất cứng và nhọn. Trong mồm gà không có răng. Gà rất dễ tính về việc ăn uống. Gà thích ăn thóc, gạo, rau, cỏ, trái cây, con dế, con gián, con cào cào, con châu chấu, con mối, và con giun. Gà rất ham ăn vặt nên suốt từ buổi sáng đến tận buổi tối gà thường chăm chỉ và tha thẩn đi tìm thức ăn.
Gà rất điều độ về việc thức ngủ, khi vừa mới tối, gà đã rủ nhau về chuồng đi ngủ; khi bắt đầu sáng, đàn gà đã thức giấc và gà trống thì gáy o! o! Gà chỉ ngủ theo cùng đàn ở nơi quen thuộc và an toàn. Gà sợ nhất rắn hổ mang và mùi của củ hành hay lá hành. Vì thế mà gà có đời sống rất thoải mái.
Ở Việt Nam, có nhiều vùng chuyên nuôi gà mái để gà mái đẻ ra nhiều trứng rồi cho ấp ra gà con mà nuôi; sau đó, khi cần thì người ta giết gà để ăn thịt. Nhiều người nuôi gà đã có kinh nghiệm chỉ nhìn quả trứng là biết trứng đó sẽ nở ra gà trống hay gà mái. Nếu một đầu quả trứng gà mà nhọn thì bảo đảm sẽ nở ra gà trống và nếu quả trứng nào tròn trịa, tức là quả trứng đó không có đầu nào nhọn thì sẽ nở ra gà mái. Có nhiều gia đình nuôi gà chỉ để gà đẻ trứng rồi dùng trứng gà để làm đồ ăn. Sau khi gà đẻ trứng rồi, người ta lấy trứng đem ấp trong lò ấp nhân tạo rất tiện lợi. Sau khi ấp trứng gà được vài ngày thì trứng đó được gọi là “trứng gà lộn.” Trứng gà lộn này rất được những người nghiện rượu ưa thích dùng làm đồ ăn để nhậu rượu. Thường thường người dân Việt hay ăn “hột vịt lộn” chứ không ăn “trứng gà lộn.” Tuy nhiên vẫn có một số trong những người nghiện rượu thích ăn “trứng gà lộn.”
Nhiều người nuôi gà để ăn thịt. Với thịt gà, người ta có thể làm được nhiều món ăn ngon như: gỏi gà, gà quay, gà kho sả, gà luộc, gà nướng lá chanh, gà hấp muối, gà hầm thập cẩm, gà rim nước dừa, gà nấu tiêu, gà chưng cách thủy, gà tiềm, phở gà, miến gà, bún gà, mì gà, hủ tiếu gà, gà rút xương bỏ lò, và gà nhồi thập cẩm, v.v. Vào ngày Tết ta, dân Việt rất thích ăn xôi với thịt gà và tổ chức chọi gà để được hưởng vui thú. Gà ở quê ta rất ngon, nhất là vào tháng tám ta vì đã được chứng thực bằng câu tục ngữ “ếch tháng ba, gà tháng tám.” Tháng tám ta là tháng gặt lúa nên gà tha hồ ăn lúa mới; vì thế, thịt gà rất ngon.
Người ta còn nuôi gà để làm đồ cúng bái trong dịp Tết, giỗ gia tiên, và dùng con gà giò còn sống để cúng lễ mở cửa mả. Người ta dùng con gà trống lớn để cúng thần linh khi người dân muốn làm lễ thề thốt. “Gà, xôi, trầu, và rượu” là 4 lễ vật tối thiểu để cúng thần thánh.
Người Việt ta còn dùng gà để bói (kê bốc). Người ta dùng gan gà, đầu gà, mật gà, phổi gà, xương gà, và trứng gà để bói. Tùy theo mỗi nơi người ta ấn định thế nào là tốt và thế nào là xấu trước khi giết gà đem lễ để bói. Thêm vào đó, người ta còn dùng tiếng gáy của gà để bói nữa. Thường thường gà gáy sáng thì tốt và gáy vào buổi chiều thì xấu cho gia đình.