Vợ chồng A Phủ là một câu chuyện có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, tác phẩm đã khái quát được con đường đi, sự đổi đời của nhân dân Tây Bắc sau Cách mạng bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, sống động và đặc sắc là một tấm lòng sâu nặng đối với các dân tộc miền núi anh em.
Đề bài Phân tích hình tượng nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
BÀI LÀM
Năm 1952, Tô Hoài theo bộ đội chủ lực, tiến quân vào miền Tây, dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Nhà văn đã kể về những ngày tháng ấy, “cái kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi là đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhờ cho tôi nhiều quá…. Đó là một ám ảnh mạnh mẽ thúc đẩy tôi sáng tác” (Một số kinh nghiệm viết văn của tôi). Truyện “Vợ chồng A Phủ” đã được ra đời trong hoàn cảnh ấy. Tác phẩm viết về đồng bào Mèo trong quá trình đấu tranh giành quyền sống tự do, hạnh phúc đã phải nếm trải bao đau thương, tủi nhục, cay đắng. Họ đấu tranh để được giải phóng khi gặp cách mạng. Sự đổi đời của nhân dân Tây Bắc trong bối cảnh cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đến Tây Bắc, Tô Hoài có thêm những người bạn mới là Mị và A Phủ, và cách kể chuyện sắc sảo của nhà văn, họ đã trở thành những nhân vật văn học sinh động, những số phận được sáng tạo, nâng lên từ cuộc sống. Mị và A Phủ là hai hình tượng có tính sóng đôi, bổ sung cho nhau. Họ có cuộc đời riêng nhưng cùng chung cảnh ngộ. Trong đó, Mị được nhà văn chú ý miêu tả, khắc họa hết sức rõ nét bằng cách khai thác đời sống nội tâm của nhân vật.
Mị là một cô gái miền núi xinh đẹp và có tài thổi sáo. “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị hết núi này sang núi khúc”. Nhiều người say mê Mị “Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Nhưng vì nghèo, Mị không có được hạnh phúc như mình mong ước.,về làm dâu để trừ nợ cho cha mẹ trong nhà thống lý Pá Tra. Mị sống như một kẻ nô lệ, bị chiếm đoạt sức lao động, nhan sắc và cả cuộc đời con gái bị vùi dập đau đớn, Mị muốn tự tử nhưng vì thương cha, Mị không đành lòng chết. Thế là sự phản kháng yếu ớt tuyệt vọng ấy đã tiêu tan.
Quay trở lại nhà thống lý, người con gái hiếu thảo ấy đành buông xuôi cho số phận theo một quy luật thích nghi nghiệt ngã: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Thậm chí còn khổ hơn cả con trâu con ngựa. “Con trâu, con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc củ đêm cả ngày”. Và từ dó Mị sống như cái xác không hồn, “Mị cúi mặt không nghĩ ngợi gì nữa”, lúc nào “cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”.
Nhà thống lý Pá Tra giàu có, kẻ hầu người hạ rất nhiều, Mị là con dâu nhưng cũng chỉ là nô lệ, chỉ là một công cụ lao động biết nói. Hơn thế nữa, Mị chẳng biết nói với ai, Mị như một con vật không cần ánh sáng. “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Mị hoàn toàn đối lập với không gian bao la rộng mở của bầu trời vùng núi, rộn ràng âm thanh và rực rỡ màu sắc. “Ớ cái buồng Mị nằm, kín nút, có một chiếc cửa số một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Và Mị sẽ sống ở đó cam chịu “’đến bao giờ chết thì thôi”.
Trong suốt nửa đầu tác phẩm, người đàn bà ấy gần như lặng câm, sống âm thầm cô độc, tối tăm nhẫn nhục, không mảy may hi vọng có sự đổi thay. Nhưng có lúc hoàn cảnh không thể dập tắt được sức sống, muốn sống trong yêu thương vẫn âm ỉ cháy trong đáy sâu tiềm thức của Mị.
Những đêm tình mùa xuân tới, nghe tiếng sáo thổi gọi bạn đầu làng, tiếng sáo thiết tha bồi hồi, Mị hát thầm theo tiếng sáo. Những lúc này “lòng Mị đang sống về ngày trước”. Quá khứ của thời con gái hiện về, sung sướng tự do. Mị lén lấy rượu uống “ực từng bát” để quên buồn, quên đi thực tại hay để có đủ can đảm phản kháng thực tại? Mị quyết định đi chơi, “Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”, một sức sống tiềm ẩn đã bùng lên mạnh mẽ, Mị còn trẻ lắm, Mị phải sống như khát vọng thúc giục. Nhưng sự trỗi dậy ấy, một lần nữa, lại bị sự ràng buộc khắc nghiệt của hoàn cảnh, A sử trói đứng Mị vào cột nhà một cách tàn nhẫn, lạnh lùng. Trong tình trạng đau đớn về thể xác ấy, lạ thay, “ Mị vẫn nghe tiếng xáo đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Đến nỗi Mị đã quên đi cảnh bị trói bi thẳm của hiện tại, “Mị vùng bước đi, nhưng tay chân đau không cựa được”.
Như vậy, trong cái thâm u, tối tăm của cuộc đời Mị, luôn có những cơn sóng ngầm phản kháng. Và cơn sóng mạnh mẽ cuối cùng là hành động cắt dây trói cho A Phủ. Với đoạn văn hay nhất của truyện này, Tô Hoài đã tỏ ra rất chặt chẽ trong bố cục, tài tình trong việc sắp xếp các tình huống, thể hiện tâm lí, hành động của nhân vật một cách hợp lý, thuyết phục.
A Phủ bị trói đứng bên góc nhà, gần nơi Mị thường thức dậy sớm để sưởi lửa. Đã mấy đêm liền, Mị thấy A Phủ đứng đó “mát mở trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống”. “Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay”. Lúc này, Mị chỉ biết có mình và ngọn lửa, Mị còn thờ ơ với tất cả. Nhưng rồi trong cái đêm cuối cùng ở Hồng Ngài ấy, qua “ngọn lửa bập bùng sáng lên”, Mị đã thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai mõm má đã xám đen lụi” trên khuôn mặt A Phủ. Dòng nước mắt ấy đã khơi gợi cho Mị nhớ về ngày trước. Mị cũng bị trói đứng như thế, Mị khóc “nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được”. Dòng nước mắt của Mị ngày trước và dòng nước mắt của A Phủ lúc này tưởng chừng như hòa làm một, nó tạo thành sự cảm thông đau đớn và bùng cháy một thái độ căm thù mãnh liệt. “Chúng nó thật độc ác”. Trước đây vđi sự mê tín mông muội, Mị chịu yên phận trong cuộc sống đau khổ, bây giờ Mị cũng nghĩ thế. “Ta là thân đàn bà, nó đã dắt ta về trình ma nhà nó thì chỉ biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi … Người kia việc gì mà phải chết thế”. Nhưng nếu giải cứu cho A Phủ đi, Mị sẽ bị trói vào đây, chỉ nghĩ đến điều ấy, Mị đã cảm thấy sợ. Nói như Nam Cao trước kia, đó là “cái sợ cố hữu” của những người nông dân nô lệ.
Nhưng rồi một hành động vô thức, “Mị rón rén bước lại … Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây”. Đến lúc sực tỉnh, Mị mới hốt hoảng sợ hãi…. Động lực nào thúc đẩy Mị hành động như vậy? Trong logic phát triển của tính cách nhân vật, ở tình huống này, tác giả đã dẫn dắt chi tiết một cách hợp lý độc đáo. Người đọc chỉ có thể giải thích sức mạnh thúc đẩy Mị hành động lúc này là tình cảm của những người cùng cảnh ngộ, là sự giao hòa hai dòng nước mắt của hai số phận nhưng cùng chung kiếp đời nô lệ đau xót.
A Phủ chạy đi, “Mị đứng lặng trong bóng tối”. “Rồi Mị cũng vụt chạy ra”, chi tiết nhỏ này đã thể hiện được cả cơn sóng gió trong tâm hồn Mị lúc này. Trước khi cứu A Phủ, chưa bao giờ Mị nghĩ rằng mình sẽ đi theo A Phủ. Nhưng đứng trước cái chết, bản năng sinh tồn trong con người Mị trỗi dậy, nó mạnh hơn tất cả, mạnh hơn thái độ cam chịu nhẫn nhục, nó có mạnh hơn cả “con ma nhà thống Lý”. Trước tình huống này Mị chỉ còn một con đường, phải chạy theo A Phủ để được sống, Mị có biết đâu, khi cầm con dao cắt sợi dây mây để cở trói cho A Phủ cũng chính là lúc Mị tự cởi trói cho cuộc đời mình. Họ đã cứu sống nhau, đã tự giải phóng cuộc đời bằng sự quật khởi của chính mình.
Đến Phiềng Sa, có vợ chồng Mị mới biết được thế nào là hạnh phúc, gia đình Mị và A Phủ còn phải chiến đấu với bọn thực dân dưới dự dìu dắt của A Châu vì Mị đã biết được ai là kẻ thù của mình. Mị cũng không còn sợ con ma nhà thống lí. Mị ngẩng khuôn mặt lên khi làm việc và lại hát những bài tình ca mỗi độ xuân về. Sự đổi đời của Mị và A Phủ khi đến Phiềng Sa cũng chính là sự đổi đời của nhân dân Tây Bắc trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Viết “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã chứng tỏ sự lão luyện của một nhà văn hiện thực trong việc xây dựng điển hình, khẳng định một cách nhìn mới về hiện thực. Đó cũng chính là kết quả của một quá trình chuyển biến đến độ chín muồi của tư tưởng, tình cảm nhà văn. Vợ chồng A Phủ là một câu chuyện có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, tác phẩm đã khái quát được con đường đi, sự đổi đời của nhân dân Tây Bắc sau Cách mạng bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, sống động và đặc sắc là một tấm lòng sâu nặng đối với các dân tộc miền núi anh em.
Chia sẻ: Tailieuhay.net