Đề số 14 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4

Đề 14 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt lớp 4

Đề 14

* ĐỌC HIỂU

                                                                                    ĐÁNH TAM CÚC      

Ấy là lúc mọi công việc bề bộn đã xong. Tết đã qua được một ngày. Bánh chưng, chè kho, cỗ bàn, quần áo, đi chúc Tết,… tất cả đã đâu vào đấy một cách vui vẻ. Bấy giờ, dưới ánh đèn phấn ấm cúng, trên chiếc ổ rơm còn thơm mùi lúa đồng, trong khói nhang thơm ngát,… chị tôi mới bóc cỗ tam cúc còn mới ra và nói : Nào…

Bao giờ cũng thế, chị ngồi một góc ổ rơm, tôi ngồi ghé bên cạnh để được lây cái hương thơm từ người chị, tóc chị toả ra mùi bồ kết, mùi nước lá mùi già, mùi xà phòng thơm thoảng từ tấm áo phin nõn trắng tinh chị chỉ mặc trong ba ngày Tết… và thứ hương gì mà tôi không hiểu nổi, chỉ biết từ đôi vai tròn của chị, từ cái miệng tươi như hoa…

Con tượng vàng bép múp míp. Con mã điều trông hơi giống con dê. Con tốt đỏ đi đất, đầu đội nón dấu, tay cầm giáo. Con pháo cong cong. Con xe có hình hộp… Con chui sấp, con lật ngửa… Tiếng gọi một, gọi đôi, lúc tứ tử trình làng… Mỗi lúc được ăn “kết”, chị lại ôm choàng lấy tôi mà cười, không khí lại càng thêm vui vẻ. Lại có lúc “cả làng” cười phá lên vì tướng bà bị… té re… làm cho ba gian nhà như mở hội, và hương vị Tết càng nồng ấm, đúng là vui như Tết, mặc cho ngoài trời tối đen như mực, thỉnh thoảng vang kí cốp tiếng guốc ai về muộn.

Tiền đánh tam cúc chỉ là mấy que tăm hoặc mấy que diêm, có khi là mấy cùi cau khô long hạt, vậy mà mọi người say mê lạ.

Càng chơi, má chị tôi càng hồng lên. Có lẽ vì hơi ấm của ổ rơm, của ánh đèn, của khói nhang, của tiếng cười, của mùa xuân, của ánh mắt ai nhìn trộm… làm chị xao xuyến một điều gì…

Tết qua đi. Ổ rơm dệp lại. Chị cho tôi cỗ bài còn mới. Bọn trẻ con chúng tôi cũng đánh tam cúc, mặc dầu mỗi ngày nó thiếu dần đi một vài cây, đánh lung tung, gọi lung tung, chẳng biết đứa nào được, đứa nào thua, vẫn vui dù không thể bằng tết, có chị tôi bên cạnh.

Tôi đã mong biết bao nhiêu lại đến Tết sang năm, chờ chị tôi đến tối mùng một, giở cỗ bài mới không biết chị mua từ lúc nào, và nói : Nào…

(Theo Băng Sơn)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :

1. Trong câu chuyện, cậu bé và chị gái đánh tam cúc vào thòi gian nào ?

a. Vào ngày Ba mươi Tết.

b. Vào sáng Mùng Một Tết.

c. Vào tối Mùng Một Tết.

2. Tại sao họ lại chọn thời gian đó để chơi ?

a. Vì lúc đó là thời gian dành để chơi.

b. Vì lúc đó mọi công việc bề bộn của ngày Tết đã xong.

c. Vì lúc đó họ mới có tiền mừng tuổi.

3. Có những quân bài nào được kể đến trong cỗ bài tam cúc ?

a. Con tượng vàng – con mã điều – con tốt đỏ – con tướng ông – con pháo.

b. Con tượng vàng – con mã điều – con tốt đỏ – con pháo – con xe – con tướng bà.

c. Con tượng vàng – con mã điều – con tốt đỏ – con tướng bà – con tướng ông.

4. Có những cách đánh nào được kể đến trong câu chuyện ?

a. Gọi một – gọi đôi – tứ tử trình làng – ăn kết.

b. Gọi đôi – gọi ba – ăn kết – kết ba.

c. Gọi ba – tứ tử trình làng – kết ba.

5. Người thắng cuộc được thưởng gì ?

a. Tiền bạc.

b. Búng tai người khác.

c. Tiền làm từ que tăm, que diêm, mấy cùi cau khô,…

6. Câu chuyện giới thiệu cho em biết điều gì ?

a. Trò chơi đánh tam cúc.

b. Những kỉ niệm thuở thơ ấu về trò chơi đánh tam cúc của tác giả.

c. Trò chơi dân gian đánh tam cúc ở nông thôn Việt Nam.

* LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Đặt câu hỏi cho các bộ phận câu được in đậm dưới đây :

a) Bây giờ, dưới ánh đèn phấn ấm cúng, trên chiếc ổ rơm còn thơm mùi lúa đồng, trong khói nhang thơm ngát… chị tôi mới bóc cỗ tam cúc còn mới ra và nói : Nào...

b) Tiền đánh tam cúc chỉ là mấy que tăm hoặc mấy que diêm, có khi là mấy cùi cau khô long hạt.

c) Con tượng vàng béo múp míp.

d) Mỗi lúc được ăn “kết”, chị lại ôm choàng lấy tôi mà cười, không khí lại càng thêm vui vẻ.

e) Bao giờ cũng thế, chị ngồi ở một góc ổ rơm.

2. Trong các câu sau đây, câu nào không phải là câu hỏi và không được dùng dấu chấm hỏi :

a. Bạn có thích đánh tam cúc không ?

b. Tôi không biết bạn có biết đánh tam cúc không ?

c. Nào, chúng mình cùng chơi đánh tam cúc đi ?

d. Ai cho bạn cỗ bài đánh tam cúc đấy ?

e. Thử xem ai đánh thắng nào ?

3. Đọc đoạn văn sau và cho biết trong đoạn có những câu hỏi nào, dùng để làm gì.

Hồ bơi đang trống, rất thuận lợi cho nó. “Con nhảy được mà ! Rốp-bi”, tôi động viên nó. “Thật chứ ?”, nó hỏi. Nhưng nó không dám nhảy. Nó không nhảy được lần nào vào buổi chiều hôm ấy. Suốt 20 phút, nó cứ cố gắng chiến đấu với nỗi sợ để nhảy xuống hồ, và rồi cuối cùng đành phải bỏ cuộc vì đã đến giờ hồ bơi đóng cửa.

Trên đường về, Rốp-bi nói : “Con thấy chán mình quá ba à ! Sao con cứ thấy sờ sợ thế nhỉ ĩ”

Sang chiều hôm sau, thằng bé năn nỉ tôi chở đến hồ bơi lần nữa. – “Ba có thể cho con đến hồ bơi một lần nữa được không ?” – “Lần này, con nhất định sẽ làm được !”, nó nói một cách dứt khoát.

* CẢM THỤ VĂN HỌC

“Con tượng vàng béo múp míp. Con mã điều trông hơi giống con dê. Con tốt đỏ đi đất, đầu đội nón dấu, tay cầm giáo. Con pháo cong cong. Con xe có hình hộp… Con chui sấp, con lật ngửa… Tiếng gọi một, gọi đôi, lúc tứ tử trình làng… Mỗi lúc được ăn “kết”, chị lại ôm choàng lấy tôi mà cười, không khí lại càng thêm vui vẻ. Lại có lúc “cả làng” cười phá lên vì tướng bà bị… té re… làm cho ba gian nhà như mở hội, và hương vị Tết càng nồng ấm, đúng là vui như Tết, mặc cho ngoài trời tối đen như mực, thỉnh thoảng vang kí cốp tiếng guốc ai về muộn. “

–  Em có nhận xét gì về cách miêu tả các quân bài của tác giả.

–  Dựa theo cách viết đó, em hãy viết đoạn văn miêu tả các quân cờ trong bộ cờ tướng hoặc cờ vua mà em biết.

* TẬP LÀM VĂN

1.   Viết một đoạn văn kể về một trò chơi mà em thích nhất.

2.   Viết một đoạn văn giới thiệu về cách chơi một trò chơi mà em yêu thích.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *