Đề số 28 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4

Đề 28 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt lớp 4

I. ĐỌC HIỂU

ANH BÙ NHÌN

    Một cái que cắm dọc, một thanh tre nhỏ buộc ngang, thành hình chữ thập. Khoác lên đấy một cái áo tơi lá cũ, hoặc một mảnh bao tải rách, cũng có thể là một manh chiếu rách cũng được. Trên đầu que dọc là một mê nón rách lơ xơ. Thế là ruộng ngô, ruộng đỗ, ruộng vừng hoặc một ruộng mạ mới gieo… đã có một người bảo vệ, một người lính gác : một anh bù nhìn. Để cho đủ lệ bộ, tay anh bù nhìn cầm một cái vọt tre mềm như cần câu. Đầu cần câu buộc túm một nắm giấy, tốt hơn thì dùng một túm lá chuối khô tước nhỏ, giống như vẫn buộc ở đầu gậy của người chăn vịt trên đồng.

    Có nhiều loài chim bị mắc lừa, rất sợ anh bù nhìn, sợ cái cần câu ấy, vì chỉ hơi thoáng gió thì từ tấm áo, cái nón đến thanh roi ấy đều cử động, phe phẩy, đung đưa… Bọn trẻ chúng tôi đứng từ xa mà nhìn cũng thấy đúng là một người đang ngồi, tay cầm que để đuổi chim…

    Những anh bù nhìn thật hiền lành, dễ thương, chăm chỉ làm việc của mình, chẳng đòi ăn uống gì và cũng chẳng bao giờ kể công. Các anh cũng không sợ nắng gắt, gió lạnh, mưa bão. Anh có bị gió xô ngã thì rồi cũng có người đỡ anh dậy, anh chẳng kêu khóc gì bao giờ.

    Chỉ tiếc là cũng có những con chim ranh ma, một lần sà xuống biết đấy là anh bù nhìn, không có gì nguy hiểm, không có gì đáng sợ thế là lần sau nó cứ xuống và còn đi gọi cả đàn xuống, vừa tra ngô, tỉa đỗ, mà lại phải làm lại từ đầu, vì chúng đã ăn hết cả hạt vừa gieo. Người ta vốn khôn ngoan hơn, lại phải thay lại tấm áo, cái nón và cái cần câu mới, buộc thêm vào đấy nhiều mẩu giấy có các màu, làm như đó là một người bảo vệ mới.

    Bọn trẻ chúng tôi thích các anh bù nhìn ấy vì các anh không bao giờ doạ chúng tôi, không bao giờ lên mặt hoặc cáu gắt, dù chúng tôi có ào xuống ruộng bắt châu chấu, đuổi cào cào, giẫm cả lên cái mầm ngô, mầm đỗ mới nhú…

    Quả là các anh bù nhìn hiền lành đáng yêu, đã giúp ngưòi nông dân, trong đó có cha mẹ tôi, một cách khá tốt…

(Theo Băng Sơn)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng : 

1. Anh bù nhìn được làm bằng gì ?

a. Giấy và bao tải cũ.

b. Gỗ và áo tơi lá cũ.

c. Thanh tre, bao tải rách, áo tơi lá cũ.

2. Anh bù nhìn có “nhiệm vụ” gì ?

a. Doạ trẻ con.

b. Doạ chim, bảo vệ ruộng mới gieo hạt.

c. Làm đồ chơi cho trẻ con.

3. Người nông dân làm gì khi lũ chim ăn hết hạt mới gieo ngoài đồng ?

a. Gieo lại hạt và làm một anh bù nhìn khác.

b. Gieo lại hạt và làm bẫy chim.

c. Vừa làm bẫy chim vừa làm anh bù nhìn khác.

4. Các anh bù nhìn đáng yêu ở điểm nào ?

a. Hiền lành, tốt bụng.

b. Vui tính, không cáu gắt.

c. Không doạ dẫm, cáu gắt, lên mặt với trẻ con, giúp người nông dân bảo vệ ruộng mới gieo hạt.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Câu sau đây thuộc kiểu câu kể nào ?

Những anh bù nhìn thật hiền lành, dễ thương, chăm chỉ làm việc của mình, chẳng đòi ăn uống gì và chẳng bao giờ kể công.

a. Câu Ai làm gì ?

b. Câu Ai là gì ?

c. Câu Al thế nào ?

2. Chủ ngữ trong câu sau là gì ?

Tay anh bù nhìn cầm một cái vọt tre mềm như cần câu.

a. Tay

b. Tay anh bù nhìn

c. Anh bù nhìn

3. Có thể thay từ ranh ma trong câu Chỉ tiếc là có những con chim ranh ma, một lần sà xuống biết đấy là anh bù nhìn, không có gì nguy hiểm, không có gì đáng sợ… bằng từ nào dưới đây 

a. láu cá b. khôn ngoan c. thông minh

4.  Dấu hai chấm trong câu sau có tác dụng gì ?

Thế là ruộng ngô, ruộng đỗ, ruộng vừng hoặc một ruộng mạ mới gieo… đã có một người bảo vệ, một người lính gác : một anh bù nhìn.

a. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

b. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của nhân vật.

c. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là các ý liệt kê.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Anh bù nhìn trong bài viết được nhân hoá bằng những cách nào ? Hãy chỉ rõ những từ ngữ thể hiện cách nhân hoá đó.

IV. TẬP LÀM VĂN

1. Hãy viết một đoạn văn ngắn về Anh bù nhìn. Trong đoạn văn có sử dụng ba kiểu câu kể đã học.

2. Dựa theo cách viết bài Anh bù nhìn, em hãy viết đoạn văn tả một dụng cụ nhà nông với câu kết “Quả là… thật đáng yêu, đã giúp người nông dân, trong đó có cha mẹ tôi, một cách khá tốt…”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *