Đề 35 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt lớp 4
I.ĐỌC HIỂU
NHỮNG CHÚ CHÓ CON Ở CỬA HIỆU
Một cậu bé xuất hiện trước cửa hàng bán chó và hỏi người chủ cửa hàng : “Giá mỗi con chó là bao nhiêu vậy bác ?”
Người chủ cửa hàng trả lòi : “Khoảng từ 30 tới 50 đô la một con.”
Cậu bé rụt rè nói : “Cháu có thể xem chúng được không ạ ?”
Người chủ cửa hàng mỉm cười rồi huýt sáo ra hiệu. Từ trong chiếc cũi, năm chú chó con bé xíu như năm cuộn len chạy ra, duy chỉ có một chú bị tụt lại sau khá xa. Ngay lập tức, cậu bé chú ý tới chú chó chậm chạp, hơi khập khiễng đó. Cậu liền hỏi : “Con chó này bị sao vậy bác ?”
Ông chủ giải thích rằng nó bị tật ở khớp hông và nó sẽ bị khập khiễng suốt đời. Nghe thế, cậu bé tỏ ra xúc động : “Đó chính là con chó cháu muốn mua”.
Chủ cửa hàng nói : ” Nếu cháu thực sự thích con chó đó, ta sẽ tặng cho cháu. Nhưng ta biết cháu sẽ không muốn mua nó đâu”.
Gương mặt cậu bé thoáng buồn, cậu nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng và nói : “Cháu không muốn bác tặng nó cho cháu đâu. Con chó đó cũng có giá trị như những con chó khác mà. Cháu sẽ trả bác đúng giá. Thực ra ngay bây giờ cháu chỉ có thể trả bác 2 đô la 37 xu thôi. Sau đó, mỗi tháng cháu sẽ trả dần 50 xu được không ạ ?”
– Bác bảo thật nhé, cháu không nên mua con chó đó ! – Người chủ cửa hàng khuyên. – Nó không bao giờ có thể chạy nhảy và chơi đùa như những con chó khác được đâu.
Ông vừa dứt lời, cậu bé liền cúi xuống vén ống quần lên, để lộ ra cái chân trái tật nguyền, cong vẹo được đỡ bằng một thanh kim loại. Cậu ngước nhìn ông chủ cửa hàng và khẽ bảo : “Chính cháu cũng chẳng chạy nhảy được mà, và chú chó con này sẽ cần một ai đó hiểu và chơi với nó”.
(Đăn Clát)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :
1. Cậu bé khách hàng chú ý đến chú chó con nào ?
a. Chú chó con lông trắng muốt.
b. Chú chó con bé xíu như cuộn len.
c. Chú chó con chậm chạp, hơi khập khiễng.
2. Vì sao cậu bé không muốn người bán hàng tặng con chó đó cho cậu ?
a. Vì con chó đó bị tật ở chân.
b. Vì cậu cho rằng con chó đó cũng có giá trị ngang bằng những con chó mạnh khoẻ khác trong cửa hàng.
c. Vì cậu không muốn mang ơn người bán hàng.
3. Tại sao cậu lại chọn mua con chó bị tật ở chân ?
a. Vì cậu thấy thương hại con chó đó.
b. Vì con chó đó rẻ tiền nhất.
c. Vì con chó đó có hoàn cảnh giống như cậu, nên có thể chia sẻ được với nhau.
4. Câu chuyện muốn nói với em điều gì ?
a. Hãy yêu thương những người khuyết tật.
b. Hãy đối xử bình đẳng với người khuyết tật.
c. Hãy chia sẻ và đồng cảm với người khuyết tật.
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1. Câu “Bác bảo thật nhé, cháu không nên mua con chó đó !” là loại câu gì ?
a. Câu kể | b. Câu cảm | c. Câu khiến |
2. Trong câu “Gương mặt cậu bé thoáng buồn.” bộ phận nào là chủ ngữ ?
a.Gương mặt | b. Gương mặt cậu bé | c. Cậu bé |
3. Từ giá trị trong câu “Con chó đó cũng có giá trị như những con chó khác mà.” thuộc từ loại gì ?
a. Danh từ | b. Động từ | c. Tính từ |
4. Có những từ láy nào trong bài văn trên ?
a. rụt rè, chậm chạp, chạy nhảy.
b. rụt rè, chậm chạp, khập khiễng.
c. chậm chạp, khập khiễng, chạy nhảy.
5. Câu sau đây có mấy trạng ngữ ?
Có một lần, trong giờ tập đọc, tôi nhét tờ giấy thấm vào mồm.
a. Một trạng ngữ.
b. Hai trạng ngữ.
c. Không có trạng ngữ nào.
III. CẢM THỤ VĂN HỌC
Em hiểu câu nói “Chính cháu cũng chẳng chạy nhảy được mà, và chú chó con này sẽ cần một ai đó hiểu và chơi với nó. “ có ý nghĩa gì ?
IV. TẬP LÀM VĂN
1. Kể câu chuyện về con vật có gắn nhiềụ kỉ niệm với em.
2. Đọc đoạn văn sau :
ĐẠI BÀNG VÀNG – BIỂU TƯỢNG CỦA SỨC MẠNH
Đại bàng vàng là loài chim lớn ở vùng Bắc Mĩ, tập trung ở Ca-na-đa, bang A-lát-ka và rặng núi Rốc-ki của nước Mĩ.
Sở dĩ người ta gọi chúng là đại bàng vàng vì bộ lông của chúng đặc biệt óng ánh, lấp lánh màu vàng khi ánh sáng mặt trời chiếu vào. Đại bàng vàng có sức khoẻ phi thường, nó có thể bay cao đến 6000 mét và bay rất xa. Sức mạnh của loài chim này tập trung không chỉ ở đôi cánh mà còn ở đôi chân có bộ vuốt sắc, chiếc mỏ bén như dao, chắc như gọng kìm và đôi mắt tinh có thể nhìn thấy con mồi từ rất xa.
Vốn là loài chim sống ở nơi núi cao nên đại bàng có kiểu bay rất lạ : Chúng chọn điểm đậu trên triền núi cao rồi dang đôi cánh rộng gần 2 mét thả lượn rất xa và chỉ thỉnh thoảng mới đập cánh. Cách bay này giúp đại bàng ít tốn sức khi phải nâng thân mình to lớn của mình trên suốt chặng đường bay. Đại bàng rất thích ăn thịt và chúng săn mồi cũng thật cừ khôi. Một con đại bàng trưởng thành có thể săn bắt được cả những con mồi nặng 30 – 40 ki-lô-gam. Chính vì khả năng săn mồi giỏi nên nhiều nơi con người thuần dưỡng chúng để đi săn. Đại bàng vàng đã trở thành biểu tượng hùng dũng của các dân tộc vùng Bắc Mĩ.
(Ngọc Duyên)
Dựa vào những thông tin mà đoạn văn cung cấp, em hãy viết :
– Một đoạn văn miêu tả ngoại hình của đại bàng Bắc Mĩ.
– Một đoạn văn miêu tả hoạt động của đại bàng Bắc Mĩ.
3. Dựa vào bài viết sau, em hãy viết đoạn văn miêu tả hoạt động của loài bướm.
NHỮNG CÁNH HOA… BAY
Bướm sống gần như khắp thế giới, trừ Nam Cực lạnh giá và các đại dương. Đa số các loài bướm ưa sống ở vùng nhiệt đới, những nơi nhiều hoa, đầy nắng và các sườn đồi ấm, các vùng chí tuyến ấm áp quanh năm.
Màu sắc của bướm thích nghi theo kiểu kiếm ăn ban ngày hay ban đêm nên phân hoá thành bướm ngày sặc sỡ và bướm đêm xám, sẫm màu. Cánh bướm cái và bướm đực khác nhau về hoa văn, hoạ tiết và màu sắc.
Để đấu tranh sinh tồn, loài bướm có khả năng nguỵ trang hoà lẫn với môi trường để chim chóc hay các kẻ thù khác khó phát hiện. Một số loại bướm có màu cảnh cáo, đe doạ kèm theo mùi hôi hay chất độc, phản xạ tự vệ để kẻ thù cạch mặt như loài bướm cánh có mắt rắn hù doạ kẻ thù.
Bướm thường hút dịch mật hoa từ tuyến mật tại gốc tràng cánh hoa tiết ra. Có loài bưóm hút nhựa cây hoặc dịch rượu thơm từ quả chín lên men rỉ ra. Có loài bướm hút nước muối từ bùn lầy lẫn phân, nước tiểu trâu bò hoặc xác động vật thôi rữa. Nhờ hút mật hoa mà nhiều loài bướm bay từ hoa này sang hoa khác, qua đó truyền phấn cho hoa kết nhiệu quả. Bướm dùng ngay cái lưỡi dài đã cuốn thành ống hút cuộn vài vòng, muốn ăn chất dịch nào thì duỗi ống lưỡi ra, đưa đầu lưỡi nhúng vào mà hút say sưa. Lưỡi ngắn nhất cũng 2 xăng-ti-mét, lưỡi dài nhất đến 10 xăng-ti-mét.
Bướm có thể ngửi mùi xa hàng cây số, nhưng không có mũi đâu. Hai râu bướm là hai ăng ten thăm dò, trên đó có hàng vạn hố nhỏ phân tích mùi rất nhạy. Lưỡi chúng biến thành ống hút thức ăn chứ không biết nếm. Chính các lông chân mới là cơ quan vị giác nếm vị ngon hay dở của dịch thức ăn chúng hút vào.
( Trần Bá Cừ)