Soạn bài Vợ nhặt siêu ngắn nhất SGK Ngữ văn 12 tập 2, giúp tiết kiệm thời gian soạn bài
Câu 1:
Câu 1: (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
– Truyện có thể chia thành 4 đoạn:
+ Đoạn 1 (từ đầu → thành vợ chồng chồng): Cảnh Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà.
+ Đoạn 2 (tiếp → cùng đẩy xe bò về): Hoàn cảnh Tràng và thị trở thành vợ chồng.
+ Đoạn 3 (tiếp → nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng): Tràng ra mắt cô vợ nhặt với mẹ và nỗi lòng của bà cụ Tứ.
+ Đoạn 4 (còn lại): Bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới.
– Mạch truyện được dẫn dắt tự nhiên, khéo léo. Các cảnh được miêu tả trong truyện đều xoay quanh tình huống Tràng nhặt được vợ trong nạn đói năm 1945.
Câu 2:
Câu 2: (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
– Dân xóm ngụ cư ngạc nhiên khi thấy Tràng đi cùng một người đàn bà lạ về nhà vì:
• Tràng vốn nghèo khổ, xấu trai, dở tính, nay đột nhiên có người đàn bà lạ theo về.
• Giữa nạn đói khủng khiếp, chẳng ai nghĩ đến chuyện lấy vợ lấy chồng mà Tràng còn dám “đèo bòng”.
+ Sự ngạc nhiên của dân làng, cụ Tứ và chính Tràng cho thấy Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống độc đáo, kì lạ, éo le: tình huống Tràng nhặt được vợ giữa ngày đói.
=> Tình huống truyện làm nổi bật nội dung và ý nghĩa của tác phẩm:
• Giữa nạn đói, thân phận con người trở nên rẻ rúng, bé nhỏ đến đáng thương.
• Cái đói, cái chết không dập tắt được khát khao hạnh phúc gia đình và lòng tốt của người lao động nghèo khổ.
Câu 3:
Câu 3: (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
* Ý nghĩa nhan đề:
+ Vợ là người quan trọng san sẻ cả cuộc đời với người đàn ông. Để có vợ, theo phong tục người ta phải tìm hiểu và cưới xin đường hoàng, trang trọng.
+ “Nhặt”: người ra chỉ nhặt được những thứ nhỏ bé, đánh rơi.
=> “Nhặt vợ”: Nhan đề truyện hé mở tình huống anh Tràng có vợ một cách dễ dàng như nhặt được cái rơm, cái rác ở ngoài đường, cụ thể là Tràng “nhặt được vợ” chỉ bằng vài câu hò đùa và bốn bát bánh đúc.
=> Qua hiện tượng “nhặt được vợ” của Tràng, tác giả làm nổi bật tình cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Đồng thời qua đó, cũng bộc lộ sự yêu thương, đùm bọc, sức mạnh hướng tới cuộc sống, tổ ấm, niềm tin của con người trong hoàn cảnh khốn cùng.
Câu 4:
Câu 4: (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
* Những phát hiện tinh tế, sâu sắc của Kim Lân khi thể hiện khát khao tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng:
+ Khi quyết định lấy vợ: ban đầu Tràng chỉ nói đùa có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về, thấy thị về thật Tràng chợn, nghĩ: thóc gạo này…đèo bòng nhưng cuối cùng hắn tặc lưỡi một cái: Chậc, kệ! → quyết định chóng vánh, dễ dàng, không suy nghĩ gì nhiều vì khao khát có vợ còn lớn hơn cả nỗi sợ về cái đói khát.
+ Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư: Tràng vừa ngượng ngùng vừa hạnh phúc, hãnh diện, tự hào (bật cười, thích ý, mặt cứ vênh lên tự đắc với chính mình,…).
+ Buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ: cảm nhận niềm hạnh phúc người êm ái lửng lơ; ngạc nhiên, cảm động khi thấy nhà cửa thay đổi dưới bàn tay của vợ và mẹ; thay đổi về tình cảm bỗng thấy yêu thương gắn bó với cái nhà, thay đổi về suy nghĩ bây giờ hắn mới thấy hắn nên người…cho vợ con sau này; muốn hành động ngay hắn xăm xăm chạy ra…tu sửa lại căn nhà; ngoan ngoãn trong bữa cơm và mong ước về cuộc sống no ấm trong óc Tràng…lá cờ đỏ bay phấp phới. → Hạnh phúc gia đình đem lại những chuyển biến lớn lao trong con người Tràng.
=> Con người trở nên trưởng thành hơn, sống trách nhiệm với những yêu thương, ước mong gắn bó, xây đắp hạnh phúc gia đình.
Câu 5:
Câu 5: (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
* Diễn biến tâm trạng phức tạp, tinh tế, buồn vui lẫn lộn của bà cụ Tứ:
+ Ngạc nhiên khi thấy người đàn bà lạ trong nhà, lại chào bà là “u”. Khi hiểu ra đó là vợ Tràng, bà “cúi đầu nín lặng”, “vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”.
+ Tủi hờn cho thân mình, tủi hờn cho đứa con tội nghiệp lấy vợ giữa nạn đói kinh hoàng. Bà lo lắng “chúng nó có nuôi nổi nhau…đói khát này không”.
+ Thấu hiểu và thương xót cho hoàn cảnh éo le của con dâu, trân trọng hạnh phúc của con trai, ước ao các con vượt qua được nạn đói.
+ Tươi tỉnh, vui vẻ, phấn chấn, lạc quan trong buổi sáng hôm sau: xăm xăm dọn dẹp nhà cửa cùng con dâu, nói toàn chuyện vui chuyện làm ăn. Chuẩn bị nồi “chè khoán” nhưng vị đắng chát của “chè” và tiếng trống thúc thuế khiến bà cụ tủi hổ, lo âu rơi nước mắt.
=> Cụ Tứ là bà mẹ nông dân nghèo khổ nhưng chan chứa tình yêu thương con, giàu lòng nhân hậu, giàu niềm lạc quan tin tưởng và là chỗ dựa cho các con.
Câu 6
Câu 6 (trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
* Nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm:
+ Cách kể chuyện giản dị nhưng rất có duyên, rất lôi cuốn.
+ Tình huống truyện độc đáo, éo le vừa nghịch lí lại vừa hợp lí.
+ Đối thoại sinh động như lời ăn tiếng nói hàng ngày ở các làng quê.
+ Miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên, tinh tế, chân thực, cá thể hóa logic, hợp lí.
LUYỆN TẬP
Câu 1: (trang 34 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
+ Mỗi HS chọn một đoạn văn/ một chi tiết gây cho mình ấn tượng và xúc động sâu xa nhất.
+ Ví dụ: chi tiết nồi “chè khoán” → Một chi tiết nhỏ xuất hiện trong bữa cơm sáng đón nàng dâu mới ở cuối truyện nhưng có sức gợi, sức biểu đạt lớn:
• Thể hiện niềm vui tội nghiệp và tình yêu thương giản dị của bà mẹ lao động nghèo muốn chăm chút cho bữa ăn của gia đình.
• Thể hiện niềm lạc quan của người phụ nữ đã trải qua nhiều cay cực ở đời: “khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”.
• Vị đắng chát, nghẹn bứ của cháo cám là minh chứng cho hiện thực khốn cùng, đói khát của dân ta trong nạn đói 1945.
Câu 2: (trang 34 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
* Ý nghĩa đoạn kết của tác phẩm (đám người đói và lá cờ bay phấp phới)
+ Hình ảnh cho thấy hiện thực đói khát, cấp bách của nhân dân ta trong nạn đói.
+ Tín hiệu lạc quan, cho thấy sự vận động tích cực của tình thế và hành động tất yếu của những người lao động nghèo khổ tự giải cứu lấy mình dưới sự dẫn dắt của cách mạng.
+ Kết thúc mở gợi ra con đường tươi sáng cho tương lai.
Chia sẻ: Tailieuhay.net