Đề số 15 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4

Đề 15 – 35 đề ôn luyện Tiếng Việt lớp 4

Đề 15

* ĐỌC HIỂU

PHÁO ĐỀN

Không phải là pháo đùng, pháo tép, pháo hoa, pháo cao xạ,… Nó chỉ là pháo bằng đất, đất sét thôi.

Nhà ai vượt ao làm nền, nhà ai đào giếng… và chỗ nào mà chẳng có đất. Lò gạch đầu làng, đất sét có hàng đống. Nhiều tiết thủ công, học nặn quả chuối, quả na, cái nồi,… nặn xong còn thừa vô khối là đất. Thế là có nó : chiếc pháo đền.

Đất sét có thứ vàng như pha nghệ, có thứ đen xám như màu chì. Chẳng sao. Cứ nặn một nắm đất như cái ang cho lợn ăn, bé xíu, nhưng đáy phải mỏng, thật mỏng, rồi giơ thẳng cánh, đập mạnh một cái xuống đất. Có một tiếng nổ to như pháo đùng, đáy ang vỡ tung lên, từng mảnh đất sét còn nham nhở như bị xé. Một cuộc thi. Pháo của ai nổ to, đáy vỡ rộng là người ấy được cuộc. Người thua phải véo đất của mình, hàn vào chỗ vỡ của người được. Đền đấy.

Anh nào đập không khéo, pháo xịt. Ai giỏi thì pháo nổ to, được đền nhiều. Pháo xịt không được đền, mà còn xấu hổ nữa.

Tôi đã có lần phát khóc lên vì lúc bắt đầu chơi, hai nắm đất của hai người bằng nhau, cuối cuộc chơi, nắm đất của tôi bằng bàn tay chỉ còn lại bằng hòn bi. Còn nắm đất của bạn thì cứ lớn dần lên ức ghê. Chơi gì bị thua mà chả ức !

Pháo đền là thứ trò chơi của con nhà nghèo. Không có đồ chơi sang trọng đắt tiền thì kiếm tí đất mà chơi vậy. Không chơi thì chịu làm sao được.

Những trò chơi tuổi thơ đã cho chúng tôi bao nhiêu phút sung sướng, có khi còn quý hơn cả những món quà ăn được. Ai không được chơi hoặc không biết chơi những trò chơi thơ bé quả là một thiệt thòi lớn, thiệt suốt đời…

(Theo Băng Sơn)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :

1. Pháo đền được làm bằng gì ?

a. Đất sét.

b. Đất sét và thuốc pháo.

c. Giấy và thuốc pháo.

2. Cách làm pháo đền như thế nào ?

a. Nặn một nắm đất thành hình quả pháo rồi châm lửa đốt.

b. Nặn một nắm đất tròn rồi nhồi thuốc pháo.

c. Nặn một nắm đất như cái ang cho lợn ăn, bé xíu nhưng đáy phải thật mỏng.

3. Cách chơi pháo đền như thế nào ?

a. Giơ thẳng cánh, đập vào quả pháo.

b. Giơ thẳng cánh, đập mạnh một cái xuống đất.

c. Giơ thẳng cánh, đập hai quả pháo vào nhau.

4. Luật chơi pháo đền như thế nào ?

a. Pháo của ai to nhất, nổ to nhất là người thắng cuộc. Người thắng được quyền lấy hết đất làm pháo của người kia.

b. Pháo của ai nổ to nhất là ngưòi thắng cuộc. Người thua phải cho người thắng hết chỗ đất của mình.

c. Pháo của ai nổ to, đáy vỡ rộng là người ấy được cuộc. Ngưòi thua phải véo đất của mình, hàn vào chỗ vỡ của người thắng.

5. Cái tên “pháo đền” xuất phát từ đâu ?

a. Từ người chơi đầu tiên.

b. Từ luật chơi.

c. Từ tên làng quê nghĩ ra trò chơi đó.

* LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1. Trò chơi của các bạn gái trong đoạn văn sau tên là gì ? Cách chơi như thế nào ? Em thử nêu ví dụ.

Pháo đền là thứ trò chơi của con nhà nghèo. Không có đồ chơi sang trọng đắt tiền thì kiếm tí đất mà chơi vậy. Không chơi thì chịu làm sao được. Trong khi bọn con trai chúng tôi chơi pháo đền thì bọn con gái cũng có thể bẻ que rào, vói một quả cà pháo, chơi chắt chuyền, miệng đếm và nói những câu ca có vần có điệu rất hay, vui tai ghê.

2. Em hãy kể tên các trò chơi có trong đoạn văn sau rồi nêu cách chơi mỗi trò đó.

Có bao nhiêu trò chơi tuổi bé. Cướp cờ, nhảy dây, chồng hoa chồng nụ, kéo co, đánh trận giả, bán đồ hàng… Riêng pháo đền có cái thích riêng và hình như chỉ có con trai thích nó.

*  Theo em, trong các trò chơi trên, trò nào các bạn trai thích chơi ? Trò nào các bạn gái thích chơi ?

*  CẢM THỤ VĂN HỌC

Theo em, tại sao tác giả lại viết : “Những trò chơi ấy đã cho chúng tôi bao nhiêu phút sung sướng, có khi còn quý hơn cả những món quà ăn được. Ai không được chơi hoặc không biết chơi những trò chơi thơ bé như thế quả là một thiệt thòi lớn, thiệt suốt đời…”

* TẬP LÀM VĂN

1. Tưởng tượng là em đang chơi trò “Pháo đền” cùng các bạn. Hãy viết đoạn văn tả “quả pháo” của em.

2. – “Tập tầm vông. Tay không tay có. Tập tầm vó. Tay nào có ? Tay nào không ? Có có ? Không không ?

    – “Nu na nu nống. Đánh trống phất cờ. Mở hội thi đua. Xem chân ai sạch. Gót đỏ hồng hào. Không bẩn tí nào. Được vào đánh trống. “

    – “Dung dăng dung dẻ. Dắt trẻ đi chơi. Đến ngõ nhà Trời. Lạy cậu lạy mợ. Cho cháu về quê. Cho dê đi học. Cho Góc ở nhà. Cho Gà bới bếp. Ù à ù ập. Ngồi sập xuống đây. “

    –  “Nhong nhong nhong. Ngựa ông đã về. cắt cỏ bồ đề. Cho ngựa ông ăn.”

    –  “Rồng rắn lên mây. Có cây núc nác. Có nhà hiển linh. Thầy thuốc có nhà hay không ? Xin gì ? Xin khúc đầu (những xương cùng xẩu). Xin khúc giữa (những máu cùng me). Xin khúc đuôi (tha hồ thầy đuổi).”

Đọc những câu đồng dao trên, em có nhận ra đó là những trò chơi nào không ? Hãy kể tên và nêu cách chơi các trò ấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *