Giải câu 1, 2, 3, 4 bài Lập làng giữ biển trang 36 SGK Tiếng Việt 5 tập 2. Câu 1. Bố và ông của Nhụ bàn với nhau việc gì ?
Nội dung
Phản ảnh rõ khát vọng và quyết tâm của người dân chài, muốn xây dựng và phát triển một làng quê mới trù phú, đông vui trên đảo.
Câu 1:
Bố và ông của Nhụ bàn với nhau việc gì ?
Phương pháp giải:
Con đọc đoạn đầu lời Nhụ nghe được bố Nhụ nói với ông.
Lời giải chi tiết:
Bố và ông của Nhụ bàn với nhau việc họp làng để di dân ra đảo, đưa dần cả nhà Nhụ ra đảo.
Câu 2:
Việc lập làng mới ngoài đảo có lợi gì ?
Phương pháp giải:
Con đọc lời bố Nhụ giải thích với ông ở phần giữa của bài văn.
Lời giải chi tiết:
Việc lập làng mới ngoài đảo rất có lợi, theo lời bố Nhụ: ngoài đảo có đất rộng, bãi dài, cây xanh, nước ngọt, ngư trường gần, đáp ứng được mong ước bây lâu của những người dân chài là có đất rộng để phơi được một vàng lưới, buộc được một con thuyền.
Câu 3:
Tìm những chi tiết cho thấy ông của Nhụ suy nghĩ rất kĩ và cuối cùng đã đồng tình với kế hoạch lập làng giữ biển của bố Nhụ.
Phương pháp giải:
Con đọc đoạn văn kể lại hành động của ông Nhụ sau khi nghe bố Nhụ thuyết phục. Từ “Ông Nhụ bước ra võng…” đến “… quan trọng nhường nào”.
Lời giải chi tiết:
Những chi tiết cho thấy ông Nhụ suy nghĩ rất kĩ và cuối cùng đã đồng tình với kế hoạch lập làng giữ biển của bố Nhụ là:
Ông bước ra võng, ngồi xuống võng, vặn mình, hai má phập phồng như người súc miệng khan. Ông đã hiểu những ý tưởng hình thành trong suy tính của con trai ông quan trọng nhường nào.
Câu 4:
Nhụ nghĩ về kế hoạch của bố như thế nào ?
Phương pháp giải:
Con đọc đoạn cuối của câu chuyện. Một câu đáp lại “Vâng” của Nhụ trước câu hỏi của bố thể hiện được điều gì?
Lời giải chi tiết:
Về kế hoạch của bố, Nhụ nghĩ là Nhụ đi, sau đó cả nhà sẽ đi. Một làng Bạch Đằng Giang ở đảo Mõm Cá Sấu đang bồng bềnh đâu đó phía chân trời. Nhụ tin kế hoạch của bố và mơ tưởng đến làng mới.
Bài đọc:
LẬP LÀNG GIỮ BIỂN
Nhụ nghe bố nói với ông:
– Lần này con sẽ họp làng để đưa đàn bà và trẻ con ra đảo. Con sẽ đưa thằng Nhụ ra trước. Rồi nhà con cũng ra. Ông cũng sẽ ra.
– Tao chết ở đây thôi. Sức không còn chịu được sóng.
– Ngay cả chết, cũng cần ông chết ở đấy.
Ông đứng lên, tay giơ ra như cái bơi chèo:
– Thế là thế nào? – Giọng ông bỗng hổn hển. Người ông bỗng tỏa ra hơi muối.
Bố Nhụ vẫn nói rất điềm tĩnh:
– Ở đấy đất rộng, bãi dài, cây xanh, nước ngọt, ngư trường gần. Chả còn gì hay hơn cho một làng biển. Ngày xưa, lúc nào cũng mong có đất để dân chài phơi được một vàng lưới, buộc được một con thuyền. Bây giờ đất đấy, rộng hết tầm mắt. Đất của nước mình, mình không đến ở thì để cho ai?
Ông Nhụ bước ra võng. Cái võng làm bằng lưới đáy vẫn buộc lưu cữu ở ngoài hàng hiên. Ông ngồi xuống võng vặn mình. Hai má phập phồng như người súc miệng khan. Ông đã hiểu những ý tưởng hình thành trong suy tính của người con trai ông quan trọng nhường nào.
– Để có một ngôi làng như một ngôi làng ở trên đất liền, rồi sẽ có chợ, có trường học, có nghĩa trang…
Bố Nhụ nói tiếp như trong một giấc mơ, rồi bất ngờ, vỗ vào vai Nhụ:
– Thế nào con, đi với bố chứ?
– Vâng! Nhụ đáp nhẹ.
Vậy là việc đã quyết định rồi. Nhụ đi và sau đó cả nhà sẽ đi. Đã có một làng Bạch Đằng Giang do những người dân chài lập ra ở đảo Mõm Cá Sấu. Hòn đảo đang bồng bềnh đâu đó ở mãi tận chân trời…
TRẦN NHUẬN MINH
– Ngư trường: Vùng biển có nhiều tôm cá, thuận tiện cho việc đánh bắt
– Vàng lưới: Bộ lưới gồm nhiều tấm, có phao, chì, dùng để đánh bắt cá và các hải sản khác.
– Lưới đáy: Lưới đánh cá ăn chìm ở dưới đáy sông, vùng giáp biển
– Lưu cữu: Để cố định đã lâu, không thay đổi
Chia sẻ: Tailieuhay.net