Soạn bài Những người bạn tốt trang 64 SGK Tiếng Việt 5 tập 1

Giải câu 1, 2, 3, 4 bài Những người bạn tốt trang 64 SGK Tiếng Việt 5 tập 1. Câu 1. Vì sao nghệ sĩ A-ri-ôn phải nhảy xuống biển?

Câu 1:

Vì sao nghệ sĩ A-ri-ôn phải nhảy xuống biển?

Gợi ý: Em đọc đoạn sau và tìm lí do: Từ đầu… dong buồm trở về đất liền.

Trả lời:

A-ri-ôn phải nhảy xuống biển vì thủy thủ trên tàu nổi máu tham cướp hết tặng vật của ông, sau đó chúng đòi giết ông.

Câu 2:

Điều kì lạ gì đã xảy ra khi nghệ sĩ cất tiếng hát giã biệt cuộc đời?

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn: Nhưng những tên cướp đã nhầm… sai giam ông lại.

Trả lời:

Khi nghệ sĩ cất tiếng hát giã biệt cuộc đời thì điều kì lạ đã xảy ra. Đó là đàn cá heo đã bơi đến vây quanh tàu, say sưa thưởng thức tiếng hát của ông, bầy cá heo đã cứu A-ri-ôn khi ông nhảy xuống biển và đưa ông trở về đất liền.

Câu 3:

Qua câu chuyện, em thấy cá heo đáng yêu, đáng quý ở điểm nào?

Gợi ý: Từ những hành động của cá heo trong truyện, em hãy nhận xét điểm đáng yêu, đáng quý của chúng.

Trả lời:

Qua câu chuyện, em thấy cá heo đáng yêu, đáng quý ở điểm biết thưởng thức tiếng hát của nghệ sĩ, cứu giúp nghệ sĩ khi ông nhảy xuống biển. Cá heo đúng là bạn tốt của con người.

Câu 4:

Em có suy nghĩ gì về cách đối xử của đám thủy thủ và của cả đàn cá heo đối với nghệ sĩ A-ri-ôn?

Gợi ý: Em trả lời dựa trên hành động tàn nhẫn của đám thủy thủ và việc làm của cá heo với A-ri-ôn.

Trả lời:

Là con người, nhưng đám thủy thủ tham lam, độc ác, không có nhân tính. Ngược lại, bầy cá heo tuy là loài vật nhưng lại tốt bụng, biết cứu giúp người gặp nạn.

Nội dung bài: Ca ngợi sự thông minh, tình cảm gắn bó đáng quý của loài cá heo với con người.

Bài đọc:

Những người bạn tốt

     A-ri-ôn là một nghệ sĩ nổi tiếng của nước Hi Lạp cổ. Trong một cuộc thi ca hát ở đảo Xi-xin, ông đoạt giải nhất với nhiều tặng vật quý giá. Trên đường trở về kinh đô, đến giữa biển thì đoàn thủy thủ trên chiếc tàu chở ông nổi lòng tham, cướp hết tặng vật và đòi giết A-ri-ôn. Nghệ sĩ xin được hát bài ông yêu thích trước khi chết. Bọn cướp đồng ý. A-ri-ôn đứng trên boong tàu cất tiếng hát, đến đoạn mê say nhất, ông nhảy xuống biển. Bọn cướp cho rằng A-ri-ôn đã chết liền dong buồm trở về đất liền.

    Nhưng những tên cướp đã nhầm. Khi tiếng đàn, tiếng hát của A-ri-ôn vang lên, có một đàn cá heo đã bơi đến vây quanh tàu, say sưa thưởng thức tiếng hát của người nghệ sĩ tài ba. Bầy cá heo đã cứu A-ri-ôn. Chúng đưa ông trở về đất liền nhanh hơn cả tàu của bọn cướp. A-ri-ôn tâu với vua toàn bộ sự việc nhưng nhà vua không tin, sai giam ông lại.

    Hai hôm sau, bọn cướp mới về tới đất liền. Vua cho gọi chúng vào gặng hỏi về cuộc hành trình. Chúng bịa chuyện A-ri-ôn ở lại đảo. Đúng lúc đó A-ri-ôn bước ra. Đám thủy thủ sửng sốt, không tin vào mắt mình. Vua truyền lệnh trị tội bọn cướp và trả lại tự do cho A-ri-ôn.

    Sau câu chuyện kì lạ ấy, ở nhiều thành phố Hi Lạp và La Mã đã xuất hiện những đồng tiền khắc hình một con cá heo cõng người trên lưng. Có lẽ đó là đồng tiền được  ra đời để ghi lại tình cảm yêu quý con người của loài cá thông minh.

Theo LƯU ANH

– Boong tàu: sàn lộ thiên trên tàu thuỷ.

– Dong buồm: giương cao buồm để lên đường.

– Hành trình: chuyến đi xa, dài ngày.

– Sửng sốt: ngạc nhiên cao độ.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *