Soạn Tóm tắt văn bản thuyết minh siêu ngắn

Soạn bài Tóm tắt văn bản thuyết minh siêu ngắn nhất SGK Ngữ văn 10 tập 2, giúp tiết kiệm thời gian soạn bài

PHẦN I

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU TÓM TẮT VĂN BẢN THUYẾT MINH

1. Đọc và tóm tắt văn bản “Nhà sàn”:

a. Xác định:

– Đối tượng thuyết minh: nhà sàn.

– Đại ý của văn bản: giới thiệu về định nghĩa, vật liệu, kết cấu, nguồn gốc, ưu điểm và giá trị của nhà sàn.

b. Văn bản có thể được chia thành đoạn: 4 đoạn.

– Đoạn 1: định nghĩa nhà sàn.

– Đoạn 2: vật liệu và kết cấu của nhà sàn.

– Đoạn 3: nguồn gốc và ưu điểm của nhà sàn.

– Đoạn 4: giá trị của nhà sàn (kĩ thuật, thẩm mĩ, du lịch).

c. Viết tóm tắt:

      Nhà sàn là công trình kiến trúc có mái che, dùng với nhiều mục đích khác nhau. Người ta sử dụng vật liệu tự nhiên để xây dựng nhà sàn theo kết cấu ba phần: gầm sàn (nhà kho và nuôi gia súc); trong nhà (ba khoang để sinh hoạt và tiếp khách); đầu nhà (có bậc thang lên xuống). Nhà sàn xuất hiện vào đầu thời đại Đá mới, đặc biệt phổ biến ở miền núi Việt Nam và Đông Nam Á, thích hợp với địa hình phức tạp. Nhà sàn tận dụng được nguyên liệu tại chỗ, giữ vệ sinh và phòng ngừa động vật gây hại. Nhiều công trình còn mang dấu ấn nhà sàn. Ở nước ta, nhà sàn đạt trình độ thẩm mĩ cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng và có tiềm năng du lịch.

2. Cách tóm tắt một văn bản thuyết minh:

– Xác định mục đích và yêu cầu tóm tắt.

– Đọc kĩ văn bản gốc, nắm vững đối tượng thuyết minh.

– Tìm bố cục của văn bản, xác định hệ thống ý chính.

– Viết tóm lược các ý để hình thành văn bản tóm tắt.

LUYỆN TẬP

Câu 1: (trang 71 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Đọc tiểu dẫn bài “Thơ Hai-cư của Ba-sô” và thực hiện yêu cầu:

a. Đối tượng thuyết minh: nhà thơ Ma-su-ô Ba-sô và thơ hai-cư.

b. Bố cục của văn bản: gồm hai đoạn.

– Đoạn 1: thuyết minh về cuộc đời và sự  nghiệp của nhà thơ Ba-sô.

– Đoạn 2: thuyết minh về thể thơ hai-cư.

 c. Tóm tắt phần thuyết minh về thơ hai-cư

     Thơ hai-cư có số từ vào loại ngắn nhất với 17 âm tiết, thường ngắt thành ba đoạn 5-7-5 âm. Mỗi bài có một tứ thơ nhất định, ghi lại vài nét phong cảnh để gợi cảm xúc và thường sử dụng quý ngữ. Thơ hai-cư thấm đẫm tinh thần Thiền tông, tinh thần văn hóa phương Đông. Cảm xúc thẩm mĩ của hai-cư đặc trưng cho tinh thần Nhật Bản với cái Vắng lặng, U huyền, Mềm mại, Nhẹ nhàng. Ngôn ngữ thơ ít cụ thể hóa sự vật vì hai-cư thiên về gợi tả chấm phá. Thể thơ này là đóng góp lớn của Nhật Bản vào kho tàng văn hóa nhân loại.

Câu 2: (trang 71 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Đọc văn bản “Đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội” và thực hiện yêu cầu:

a. Văn bản thuyết minh về đền Ngọc Sơn, một thắng cảnh của Hà Nội. So với các văn bản thuyết minh ở trên, điểm khác của văn bản này là:

– Về đối tượng: danh lam thắng cảnh.

– Về nội dung thuyết minh: giới thiệu vị trí, huyền thoại, kiến trúc, giá trị, ý nghĩa của đền và tình yêu, niềm tự hào về thắng cảnh của người viết.

b. Tóm tắt đoạn giới thiệu cảnh Tháp Bút, Đài Nghiên:

    Tháp Bút dựng trên đỉnh Ngọc Bội, ngọn bút là đỉnh tháp trỏ lên trời xanh, mình tháp có ba chữ son tả thanh thiên, hai bên lối đi có hình nổi cá hóa rồng và hổ vươn mình tượng trưng cho việc thi cử đỗ đạt. Đài Nghiên tạc bằng đá đặt trên đầu ba chú ếch với ý nghĩa việc học sẽ xóa di tầm nhìn hạn hẹp “ếch ngồi đáy giếng”. Sau Đài Nghiên có cầu Thê Húc nối sang Đảo Ngọc và Đắc Nguyệt Lâu. Tháp Bút – Đài Nghiên thể hiện tinh thần đạo Nho, đạo Giáo, đạo Phật và tinh thần tự hào dân tộc qua hình tượng các vị thánh liên quan đến học hành, đỗ đạt, các vị đại diện cho sự trung nghĩa và các vị là anh hùng dân tộc. Đài Nghiên – Tháp Bút thực sự là biểu tượng của trí tuệ văn hóa truyền thống.

Chia sẻ: Tailieuhay.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *